Mẫu điện thoại gập ba Huawei Mate XT đã vượt qua sự trừng phạt của Mỹ?

Gã khổng lồ điện tử Trung Quốc Huawei tuần trước lại thu hút sự chú ý toàn cầu với việc ra mắt điện thoại thông minh mới Huawei Mate XT, làm dấy lên câu hỏi rằng có phải họ đã vượt qua được sự trừng phạt công nghệ của Mỹ.

Do giá quá đắt so với mặt bằng tiêu dùng chung nên truyền thông Trung Quốc gọi Huawei Mate XT là "Mao Đài điện tử" (Ảnh: Getty)

Do giá quá đắt so với mặt bằng tiêu dùng chung nên truyền thông Trung Quốc gọi Huawei Mate XT là "Mao Đài điện tử" (Ảnh: Getty)

Vì sao Huawei tung ra sản phẩm mới cùng ngày iPhone 16 ra mắt?

Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang tiếp diễn, chiếc điện thoại di động giá siêu cao màn hình gập 3 này không chỉ được trang bị công nghệ tiên tiến. Việc Huawei cho ra mắt sản phẩm ngay lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu công ty này có phải đã vượt qua được lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Có nhà phân tích cho rằng, việc Huawei lựa chọn ra mắt Huawei Mate XT cùng ngày với iPhone 16 của Apple không chỉ thể hiện ý đồ cạnh tranh với Apple mà còn phản ánh tín hiệu mạnh mẽ của Trung Quốc chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Là gã khổng lồ điện tử quan trọng nhất của Trung Quốc, Huawei đã xây dựng một hệ sinh thái công nghệ độc lập - hệ thống HarmonyOS tự phát triển, đã được cập nhật liên tục và ra mắt nhiều mẫu smartphone công nghệ cao...khiến nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và người hâm mộ Huawei lạc quan rằng công nghệ bán dẫn của Trung Quốc (ít nhất là trên smartphone) đã phá vỡ các lệnh trừng phạt khác nhau do Mỹ áp đặt trong những năm gần đây.

Nói cách khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc dường như đã trở nên không hiệu quả.

 Các điện thoại mẫu trưng bày được bảo vệ trong tủ kính, không ai được tiếp xúc (Ảnh: Creaders).

Các điện thoại mẫu trưng bày được bảo vệ trong tủ kính, không ai được tiếp xúc (Ảnh: Creaders).

Cuối tháng trước, Nikkei Asia dẫn báo cáo mới nhất của ông Yoji Shimizu, Chủ tịch TechanaLye, một công ty nghiên cứu bán dẫn của Nhật Bản chuyên tháo dỡ hàng trăm sản phẩm điện tử mỗi năm, cho rằng sức mạnh chip của Trung Quốc đã vượt trội đạt đến trình độ chỉ kém chip TSMC 3 năm.

Theo phân tích của Yoji Shimizu, quy trình chip 7nm SMIC của Trung Quốc đã đạt được hiệu suất tương đương với quy trình chip 5nm của TSMC. Ông đã tháo dỡ mẫu điện thoại thông minh mới của Huawei ra mắt năm ngoái và kết luận rằng các biện pháp kiểm soát của chính phủ Mỹ cho đến nay chỉ "làm chậm lại một chút quá trình đổi mới công nghệ của Trung Quốc, nhưng đã thúc đẩy hoạt động sản xuất độc lập của ngành công nghiệp bán dẫn của họ".

Ông Hoàng Tế Nguyên (Huang Qiyuan), chủ tịch Công ty FCC Partners của Trung tâm Chuyển đổi AI Đại học Đông Hải (Tunghai) của Đài Loan cũng có quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông, nói rằng Huawei đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ của riêng mình và các lệnh trừng phạt của Mỹ đã đẩy nhanh quá trình “bản địa hóa” nghiên cứu và phát triển của Huawei, thậm chí có thể tự mình phát triển những con chip cao cấp "giống Nvidia" và sử dụng chúng trong các sản phẩm.

 Ông Alex Capri : Huawei đã tìm ra cách lách lệnh trừng phạt của Mỹ (Ảnh: CNBC).

Ông Alex Capri : Huawei đã tìm ra cách lách lệnh trừng phạt của Mỹ (Ảnh: CNBC).

Tuy nhiên, Alex Capri, nhà nghiên cứu và giảng viên bán dẫn tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, nhấn mạnh rằng hiện Huawei và các đối tác đã tìm ra cách để lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ một cách hiệu quả vì họ tiếp tục có được công nghệ quan trọng của nước ngoài, đặc biệt là các chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip.

Nhưng ông Capri chỉ ra rằng hiện tại không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Huawei có chuỗi cung ứng hoàn toàn tại địa phương cho các công nghệ chủ chốt này. Ông cũng giải thích rằng Huawei không thể công khai chip và các thông số kỹ thuật khác nhau điện thoại mới vào thời điểm này “nguyên nhân là câu chuyện về khả năng tự cung cấp của Huawei đã tuyên truyền sự thất bại của Mỹ trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, điều này mang lại cho các quan chức công nghệ Trung Quốc những lợi ích giá trị tuyên truyền to lớn cả bên trong và bên ngoài".

Bà Lưu Bội Trân (Liu Peizhen), giám đốc Cơ sở dữ liệu kinh tế và công nghiệp của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, một tổ chức tư vấn ở Đài Bắc, cũng nói, ở giai đoạn này, vẫn còn nhiều thách thức để công nghiệp của Trung Quốc có thể “tự chủ và kiểm soát được”. Bà cho rằng nếu ASML, một nhà sản xuất máy in thạch bản chip lớn của Hà Lan, chính thức ngừng cung cấp dịch vụ bảo trì cho các công ty bán dẫn Trung Quốc, có thể một lần nữa ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngành bán dẫn của Trung Quốc.

 Bà Lưu Bội Trân: dù là sản xuất hàng loạt, năng suất và hiệu suất của chip quy trình 7nm hay 5nm của SMIC vẫn kém xa TSMC (Ảnh: CRNTT).

Bà Lưu Bội Trân: dù là sản xuất hàng loạt, năng suất và hiệu suất của chip quy trình 7nm hay 5nm của SMIC vẫn kém xa TSMC (Ảnh: CRNTT).

Các biện pháp mở rộng trừng phạt của Mỹ có thực sự hiệu quả?

Nhà phân tích chất bán dẫn Lý Thông Vũ (Li Tongyu) ở Thượng Hải cho rằng việc thành lập hệ thống HarmonyOS do Huawei tự phát triển thực sự không thể chứng minh liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với họ có còn hiệu quả hay không. Ông giải thích rằng lý do là cho đến nay hệ thống này vẫn chưa được giới thiệu chính thức ra thị trường toàn cầu.

Lý Thông Vũ nhấn mạnh, nếu phần cứng điện thoại không muốn trở thành "cục gạch" thì cần phải tích cực thích ứng với các nhà phát triển phần mềm.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết hệ thống HarmonyOS hoàn toàn khác với hệ thống iOS và Android, điều này khiến nhiều nhà phát triển phần mềm gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các sản phẩm App có chức năng giống hệt App hệ thống iOS trong một khoảng thời gian ngắn.

 iPhone 16 được gọi là chiếc smartphone "tăng lượng mà không tăng giá" (Ảnh: Reuters).

iPhone 16 được gọi là chiếc smartphone "tăng lượng mà không tăng giá" (Ảnh: Reuters).

Ông cũng nói, nhìn bề ngoài, Huawei đã nhận được sự phối hợp từ nhiều nhà phát triển, nhưng trên thực tế, hầu hết các ứng dụng này đều là phiên bản thử nghiệm (demo), chỉ có các chức năng cốt lõi cơ bản và không chuyển giao tất cả các chức năng. Do đó, liệu điều này có tác dụng thực sự thúc đẩy hệ sinh thái Huawei hay không vẫn còn phải chờ xem.

Tại sao mẫu Huawei Mate XT mới lại đắt đến vậy?

Sau khi Huawei cho ra mắt mẫu điện thoại mới, hàng loạt chủ đề liên quan đã xuất hiện trên mạng: "Số lượng đặt trước điện thoại gập 3 của Huawei đã vượt quá 3 triệu", "iPhone16 có giá khởi điểm 5.999 NDT", "iPhone16 phối màu", "iPhone16 phiên bản Trung Quốc hiện không hỗ trợ Apple AI", “cấu hình đặc biệt của điện thoại di động gập ba", "Giá điện thoại gập ba của Huawei bắt đầu từ 19.999 NDT"...

Huawei công bố mức giá từ 19.999 đến 23.999 NDT (69,2 - 83 triệu đồng), mạng xã hội Trung Quốc gọi Huawei Mate XT là "vua điện thoại" đắt nhất trong lịch sử và còn được đặt biệt danh là "Mao Đài điện tử".

Theo dữ liệu trên "Huawei Mall", chiếc điện thoại này đã được đặt trước từ ngày 7/9 và số lượng đặt trước tính đến thời điểm họp báo là khoảng 3,4 triệu chiếc.

Khi Huawei trình làng chiếc điện thoại di động màn hình gập 3 mới của mình, hãng không công bố thông tin chip đi kèm. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc dự đoán rằng chiếc điện thoại di động này nên được trang bị chip Kirin 9010 tương tự chiếc Huawei Pure 70 Pro.

Tiến sĩ Capri ở Đại học Quốc gia Singapore nói, màn hình độ phân giải cực cao và camera ấn tượng của điện thoại Huawei Mate XT, được tích hợp vào cấu hình điện thoại di động màn hình mỏng có thể gập lại, đã khiến thế giới bên ngoài kinh ngạc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thế giới bên ngoài phải đợi cho đến khi điện thoại di động được ra mắt, tháo rời và nghiên cứu thì họ mới có thể biết rõ công nghệ được sử dụng trong chiếc điện thoại này.

 Huawei Mate XT được quảng cáo "mở điện thoại ra như Hoàng đế mở bản tấu" (Ảnh: Creaders).

Huawei Mate XT được quảng cáo "mở điện thoại ra như Hoàng đế mở bản tấu" (Ảnh: Creaders).

Martin Yang, nhà phân tích cấp cao tại Oppenheimer Investment Consulting ở Mỹ, cũng nói với truyền thông Mỹ CNBC rằng công nghệ chip của Huawei vẫn chậm hơn khoảng 2 đến 3 năm so với các chip tiên tiến nhất. Ông cho rằng iPhone 16, đối thủ của Huawei, hiện có chip 3 nm thế hệ thứ hai, cho hiệu suất tốt hơn 10% - 15%. Do đó, trọng tâm tiếp thị của Huawei sẽ không tập trung vào chip mà thay vào đó là phần cứng của Mate XT, tức điện thoại màn hình gập ba đầu tiên trên thị trường.

Nhà phân tích Lý Thông Vũ nhấn mạnh rằng đơn giá siêu cao của chiếc điện thoại di động này có thể phản ánh tình trạng thiếu chip tự phát triển của Huawei.

Ông phán đoán việc trì hoãn ra mắt chiếc điện thoại di động khác Huawei Mate 70, được cho là mang "dòng máu Hongmeng thuần khiết" và giá của chiếc điện thoại di động mới Mate XT lên tới 23.999, vượt xa khả năng tiêu thụ trung bình của thị trường Trung Quốc, cho thấy Huawei không thực sự muốn bán chiếc điện thoại di động này trên quy mô lớn, vì có thể họ không có quá nhiều chip.

Ông cũng cho biết bản thân nghiêng về tin rằng việc Huawei ra mắt Mate XT sau khi bị buộc phải hoãn phát hành Mate 70, là một "chiến lược hoãn binh" nhằm đối kháng Apple trong dư luận.

Theo Creaders, Yahoo

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/mau-dien-thoai-gap-ba-huawei-mate-xt-da-vuot-qua-su-trung-phat-cua-my-post178298.html