Màu đỏ liệu có mãi là vedette?

Bên trong sự rộng lớn của thế giới sắc màu, ánh đỏ vẫn luôn giữ cho mình nhiều ý nghĩa suốt hàng nghìn năm qua: sự cổ xưa, tình yêu và quyền lực. Những cuốn sách ra đời, rồi các bản ghi được công bố, tái hiện lại lịch sử của màu đỏ, từ ngày xa xưa cho đến thời hiện đại. Các nhà sử học cho rằng, màu đỏ chính là nguyên mẫu đầu tiên được con người làm chủ, tái tạo và chia nhỏ thành các sắc thái riêng biệt trong hội họa.

Màu “già nhất”

Có tài liệu nói rằng màu đỏ “già nhất” trong hội những màu sắc loài người từng biết đến, khi sắm vai vedette trong những bích họa của người cổ đại. Bên trong những hang động ở Lascaux (Pháp) là nhiều bức họa phủ đầy bụi đỏ có niên đại cách đây hơn 15.000 năm.

Khai quật khu khảo cổ Pinnacle Point (Nam Phi), giới nghiên cứu phát hiện các bức tranh có dấu vết của quặng sắt đỏ niên đại 170.000 năm, rơi vào thời kỳ chuyển tiếp của người Homo sapiens từ tối cổ sang hiện đại. Các vết tích khác xuất hiện ở trên hang động, với nhiều nét vẽ màu đỏ sơ khai về động vật, con người và hiện tượng tự nhiên. Màu đỏ cũng đi vào từng dòng chữ trong những bản thảo, nổi bật với sự rực rỡ trên nền giấy trắng.

Màu đỏ thường xuyên xuất hiện trong những bích họa hay bản ghi của người cổ đại.

Màu đỏ thường xuyên xuất hiện trong những bích họa hay bản ghi của người cổ đại.

Từ thời cổ đại, đỏ là một trong số ít màu được sử dụng trong hội họa. Người Ai Cập tận dụng các loại khoáng vật được đem tới từ Tây Ban Nha như hematit (quặng sắt), cinnabarit (thần sa) và realgar (hùng hoàng) đều cho sắc thái từ đỏ cam tới đỏ son và đỏ sẫm. Thú vị hơn, các nghệ nhân cổ đại đã tinh thông thủ thuật tái tạo màu đỏ từ rễ cây thiên thảo hay xác khô của sâu Kermes, dùng làm phẩm nhuộm cho phục trang, tóc và mỹ phẩm, nhanh chóng trở thành “của báu” được giới quý tộc săn lùng. Vào thời điểm đó, gam màu của sự xa xỉ tột độ là đỏ ánh tía, được kì công tinh chế từ loài ốc Murex trunculus.

Sắc đỏ chiếm lĩnh cả một thời, từ xa xưa cho mãi đến Trung Cổ. Ngay cả việc sản xuất màu nhân tạo ở thời hiện đại cũng xuất phát từ chính những nỗ lực và sáng tạo của người xưa. Khi các nhà giả kim Ả-rập trộn lẫn lưu huỳnh và thủy ngân, họ thu được một sắc đỏ son đầy bí ẩn. Màu đỏ tiếp tục được hoàn thiện sau nhiều thế kỷ bởi những người thợ Địa Trung Hải lành nghề, rồi lan truyền rộng khắp Tây Âu cho đến thế kỷ 11-12 khi màu xanh dương - “kẻ thù” lớn nhất của màu đỏ - xuất hiện. Cuộc chiến màu sắc nổ ra, với thế thượng phong thuộc về sắc xanh trong hội họa, dần lấn át sang phục trang.

Thế nhưng, màu đỏ vẫn duy trì được ảnh hưởng của nó, xuyên suốt những giai đoạn quan trọng của lịch sử, từ thời trung cổ cho tới hội họa giai đoạn hậu ấn tượng hay trường phái biểu hiện. Theo nhiều quan điểm, màu đỏ bộc lộ các bản dạng khác nhau của từng chủ thể, những biến đổi đến từng chi tiết trong tâm trí con người và để lại dấu ấn cảm xúc mãnh liệt. Thế nên, sắc màu này vẫn luôn có vai trò quan trọng đối với đời sống, thể hiện một cá tính mạnh mẽ, không dễ khuất phục và trụ vững trước những biến động của thời gian.

Tình yêu và quyền lực

Theo nhiều quan điểm, đỏ chính là màu đầu tiên “hằn” lên não bộ của tổ tiên loài người, rằng sắc đỏ (của máu) trở thành điềm báo cho hiểm nguy. Khoa học hiện đại chứng minh màu đỏ liên quan đến gia tăng nhịp tim và kích thích phản ứng tạo ra nỗi sợ trong nhiều trường hợp.

Kết quả của một số thử nghiệm cho thấy, khi thêm màu đỏ vào định dạng của một bản khảo sát trực tuyến hay một trò chơi với trùm cuối mang sắc đỏ, người dùng có xu hướng “không dám đánh liều”, mà thường lựa chọn những đáp án và chiến thuật chơi an toàn. Rõ ràng, màu đỏ giống như chỉ báo giúp con người nhận ra nguy hiểm, và ít nhiều điều chỉnh hành vi cho phù hợp với bối cảnh.

Nhiều quan điểm cho rằng, sắc đỏ tươi hay đỏ tía liên quan đến “nghề lâu đời nhất thế giới” tại những khu phố... đèn đỏ.

Nhiều quan điểm cho rằng, sắc đỏ tươi hay đỏ tía liên quan đến “nghề lâu đời nhất thế giới” tại những khu phố... đèn đỏ.

Trong khi đó, ánh hồng rực (của lửa) là biểu tượng của quyền lực. Đỏ được coi như màu sắc không thể tách rời trong những cuộc chơi của người La Mã cổ đại với khát khao chiến thắng. Sắc đỏ tạo nên những cảnh chiến đấu choáng ngợp, tô màu tấm áo choàng của đấu sĩ, rồi trở thành công cụ ăn mừng khi được sơn lên mình những gam đỏ rực cháy.

Có lẽ, màu đỏ sặc sỡ không đơn giản chỉ là công cụ ghi lại lịch sử, mà còn trở thành dấu ấn thể hiện xúc cảm và bản lĩnh đấu sĩ thời đó: dữ dội, can đảm, kiên cường và sẵn sàng chống lại bất cứ thế lực nào.

Không đơn thuần ám chỉ sức mạnh, sắc đỏ còn đánh dấu khởi nguồn của sự sống, ươm mầm tình yêu và sinh sôi nảy nở. Cô dâu La Mã thường đội một chiếc khăn voan đỏ, như một lời cầu chúc hạnh phúc cho cuộc sống lứa đôi. Tại Trung Quốc thời xưa, cô dâu mặc áo cưới màu đỏ, cũng như được rước trên kiệu hồng.

Thậm chí, ở Hi Lạp, Albania và Armenia, cô dâu cũng mang mạng che mặt màu đỏ. Xét trên phương diện văn hóa, màu đỏ sẽ đem lại may mắn an lành, và không bao giờ xuất hiện trong các đám tang u buồn. Điều này khiến đa số yêu thích sắc thái ấm nóng và rực rỡ của màu đỏ, đơn giản bởi nó đem lại hi vọng về sức mạnh, bứt phá khỏi những truyền thống nhàm chán.

Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, nhưng lại từng bị coi mang theo bản chất thiếu đứng đắn, ám chỉ mối quan hệ xác thịt thay vì sự kết nối tâm hồn. Không ít quan điểm nghiên cứu nhận định, sắc đỏ tươi hay đỏ tía liên quan đến “nghề lâu đời nhất thế giới” tại những khu phố... đèn đỏ mờ ảo. Đó là nhà thổ với những cô gái làng chơi đang đứng đợi chờ khách đem theo sự ham muốn tột độ.

Vào thời La Mã cổ đại, tóc nhuộm đỏ đồng nghĩa với tai tiếng, tội lỗi và phản bội. Số khác nhận định có một sự hiểu lầm không hề nhẹ, rằng chính màu vàng mới đại diện cho những cô gái làng chơi. Đơn giản vì theo người Hi Lạp xưa, những cô gái làng chơi thường diện trang phục vàng saffron, hay có xu hướng nhuộm tóc vàng tươi.

Lên ngôi, rồi phai tàn

Khởi điểm, thế giới vốn đơn sắc, chỉ gồm hai mảng đen-trắng. Tức là, chỉ tồn tại ngày và đêm, hai yếu tố cơ bản và quan trọng nhất chi phối nhịp điệu cuộc sống của bất cứ sinh vật nào. Thế rồi, điều gì đã diễn ra để màu sắc trở thành thứ ám ảnh thị giác mỗi người, khiến màu đỏ... lên ngôi?

Không ai dám chắc, nhưng các nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến giả thuyết mỗi nền văn hóa đều tự sáng tạo nên từ ngữ miêu tả màu sắc. Điều ngạc nhiên là bên cạnh hai gam đen-trắng chủ đạo, sắc thứ ba luôn là đỏ. Chẳng hạn, đối với ngôn ngữ Yele của Papua New Guinea, xuất hiện năm từ miêu tả màu cơ bản, nhưng kỳ thực chỉ xoay quanh các sắc thái khác nhau của ba gam chủ đạo: đen, trắng, và đỏ.

Vincent Van Gogh mong muốn vẽ nên những khao khát trong con người bằng gam màu đỏ rực cháy.

Vincent Van Gogh mong muốn vẽ nên những khao khát trong con người bằng gam màu đỏ rực cháy.

Cuối thế kỷ 12 trước công nguyên (TCN), nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer đã miêu tả biển Aegean trong sử thi Iliad giống như “rượu vang đỏ”. Trong các văn bản khác như sử thi Ấn Độ Mahabharata của thế kỷ 20 TCN, hay Kinh thánh thế kỷ 8 TCN, không một màu sắc nào khác ngoài đỏ được nhắc đến.

Có lẽ nào tác giả của những tác phẩm này bị... mù màu? Sinh học thần kinh cho rằng, con người cổ đại không hề mù màu. Họ nhìn được các màu cơ bản như người hiện đại, nhưng lại coi chúng như những sắc thái khác nhau của ba gam: đen, trắng và đỏ, đến mức quá... lười để tạo ra từ miêu tả chính xác màu đó.

Khi đôi mắt quen với việc nhìn hai tông màu, chúng ra dấu cho não bộ rằng đó là những màu khác nhau. Bộ não tiếp tục xử lý và phân tích thông tin, phóng đại sự khác biệt đến một mức độ nhất định, đặc biệt là sự sai khác tại ranh giới giữa các mảng màu. Sau đó, cùng với sự phát triển tư duy mạnh mẽ, ngôn ngữ sẽ xuất hiện, trở thành công cụ đặt tên cho màu sắc và tạo nên sự tồn tại cho từng màu. Thế nên, nghe có vẻ kỳ quặc nhưng sự khác biệt giữa các màu thực chất là do bộ não quyết định, từ đó tạo nên vô số quy tắc phân biệt màu, cùng với tên gọi tương ứng.

Sự thực thì, không ai dám chắc màu đỏ xuất hiện từ khi nào, cũng như tại sao lại được ưa chuộng đến vậy. Cũng giống bao màu khác, khi sắc đỏ dần phai tàn, ý nghĩa ban đầu của nó cũng theo đó mà bay đi mất. Điều này gợi nhắc đến tâm nguyện của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh vẽ lên những khát khao cùng cực trong con người bằng gam màu đỏ rực cháy.

Cách ông phối màu đầy ám ảnh, đặt màu đỏ bên cạnh sắc lạnh, tạo ra sự đối chọi hoàn hảo, cho thấy nội tâm biến động dữ dội, cố gắng kìm nén bản thân và vật lộn với những nỗi sợ vô hình. Vậy nhưng, do sắc đỏ dần bị nhạt và có thể đã biến mất ngay cả khi ông còn sống, những gì còn lại ngày hôm nay thường chỉ là màu xanh. Thế nên, việc cảm nhận ẩn ý phía sau bức màn sắc màu mà Van Gogh tạo nên khó có thể được trọn vẹn...

Nguyễn Tuyết

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/mau-do-lieu-mai-mai-la-vedette-609362/