Máu hoa
Chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm ấy. Cha tôi và bác Hiểu là hai chàng trai tuấn tú. Làng tổ chức lễ hội có màn đấu võ, thu hút trai tráng mấy xã tham gia. Cha tôi và bác Hiểu cùng học chung một thầy. Mối hiềm khích có phải khởi nguyên từ khi đó thì tôi không dám đoán. Nhưng trận đấu võ đó chính là nguồn nảy lửa những trận đánh đổ máu sau này. Cha tôi thua bác Hiểu ở vòng cuối. Bác Hiểu với nụ cười mãn nguyện đăng quang vô địch. Nhiều người nói cha tôi thua đau đớn, một nỗi nhục nhã chưa từng xảy ra. Cha tôi ôm hận, từ đó ông cấm các con không được sang nhà bác Hiểu, cũng không được qua lại với Lan và Quyền.
Lễ hội xuân từ đó bỏ qua trò thi võ nghệ, vì từ khi cha tôi thua thì hai người luôn có những cuộc hẹn đấu tay bo gay cấn ở bãi sông. Làng sợ đổ máu. Khi tôi mười bốn tuổi, sức khỏe cha suy yếu đột ngột, làng lại có quyết định mở hội thi võ cho thanh, thiếu niên. Tôi nghi ngờ nguyên nhân này đủ cho hận thù âm ỉ, thổi bùng ngọn lửa lớn. Cha tôi ngấm ngầm truyền hết những gì ông học được thời thanh niên để đào tạo tôi thành một võ sĩ xuất sắc. Ông để nhiều thời gian nghiên cứu những chiêu thức hiểm hóc bác Hiểu tung ra đối phó với cha. “Con nên nhớ, trên cơ thể chỉ có ngần ấy huyệt chủ đạo, thắng hay thua chỉ bởi một vài đòn quyết định”.
Quyền là con trai bác Hiểu, võ nghệ chẳng kém tôi, nhưng cách đánh thì có vẻ nhu, tôi đoán hắn nhường. Vì lý do gì hắn không muốn tranh giành giải nhất với tôi, mà chỉ dừng ở giải nhì? Hỏi, cha nói: “Họ đâu có miếng độc chiêu cao bằng nhà ta”, ông vuốt râu mãn nguyện, cười ha hả. Chiều cha, tôi học. Tôi khinh rẻ gia đình bác Hiểu, coi thường Quyền. Cả tuổi thơ tôi và những đứa em được đào tạo để căm ghét, hận thù. “Các con nên nhớ, nhà đó có mối thù với nhà ta. Nhà đó rất xấu, không được chơi với con cái họ, nghe chưa? Còn Thăng, cha đặt hy vọng vào con, con có sức khỏe...”.
* * *
Cha tôi đổ bệnh. Ông ho khù khụ, tiếng ho khan lẫn tiếng lá đêm rơi buốt lòng. Mẹ tôi lo lắng nhưng không dám lại gần. Từ ngày tôi có trí khôn, chưa thấy cha cười với mẹ. Một cử chỉ ân ái vợ chồng thường nhật cũng không có. Hỏi, mẹ ứa nước mắt. Cha tôi vô tình nghe thấy hai mẹ con nói chuyện. Mẹ lại bị mắng té tát, bị cha đuổi ra ngoài. Mẹ vừa bước khỏi thì cơn đau tim của cha tôi lại đổ về, mặt cha bị căn bệnh hành hạ, tím tái…
Tôi và Quyền cùng yêu Hoa. Nhà Hoa ở làng bên, tiếp giáp làng tôi. Cả ba lớn lên bên nhau. Hoa hiểu hai chúng tôi hơn ai hết. Đến giờ, dù cả hai từng tỏ tình, nhưng em chưa nghiêng về ai. Em là người phụ nữ sinh ra với nhiều nỗi đau, mâu thuẫn đan chéo, chứng kiến hai người yêu quý của mình đánh nhau.
- Anh Thăng, em đã nói với anh Quyền, hai anh có thể dừng mọi chuyện lại. Cha anh bệnh nặng thế, các anh đừng đổ thêm dầu vào lửa.
Tôi làm bộ vòi vĩnh:
- Em hãy nhận lời anh đi. Có em, anh sẽ từ bỏ tất cả.
Đồi ông Toách. Chiều hoàng hôn đỏ ối. Hai chúng tôi nói chuyện. Hoa bước xuống một mỏm đất, hai tay dang ra, tóc xổ tung, nửa muốn bay lên trời. Tôi lao xuống, định ôm ngang người em, nhưng Hoa đã đẩy tôi ra. “Em còn chưa trả lời anh, Hoa”. “Các anh coi em là cái thứ có thể tranh giành ư? Đàn ông các anh ai cũng ích kỷ. Các anh chỉ nghĩ cho mình. Các anh có nghĩ cho mẹ, cho Lan, cho em và tất cả mọi người không? Anh hãy nghĩ lại đi, em không thể nhận lời yêu người đàn ông lúc nào cũng chứa chất hận thù”. Hoa vuốt lại những sợi tóc bồng lên như muốn vuốt mềm cơn giận dữ. Tôi bỗng nhớ một nụ hôn vào má Hoa làm với tôi, khi tôi bị xổng mất trâu ngày bé. Nụ hôn bảo tôi đừng khóc, cho tôi sự kiên cường sau này…
Bác Hiểu sang nhà thăm cha tôi. Nhìn điệu bộ ông, tôi chỉ thấy một sự thách thức. Cha tôi nằm trên giường, mỏi mệt. Thấy bác Hiểu, ông bị kích động. Cơn đau tim đổ về, tay ông rờ ôm ngực.
- Ông vác xác sang đây làm gì?
- Tôi nghe nói ông bệnh, nên thăm.
- Không cần, tôi chưa chết sớm vậy đâu. Ông hãy làm những gì cần thiết. Tôi đủ khả năng để truyền dạy cho con những cái nó cần.
Bác Hiểu lựa:
- Ông đừng cố chấp nữa được không? Chuyện của hai chúng ta, đừng bắt các con phải gánh chịu. Chúng không có lỗi. Tôi và ông có thể tự giải quyết.
- Đừng nhiều lời, tất nhiên ta sẽ giải quyết với ông. Còn bọn trẻ, chúng sẽ chứng tỏ khả năng của cha chúng. Hãy đợi đấy, nếu ông không phải là kẻ hèn nhát. Ta và ông sẽ giải quyết sớm.
Cha tôi khiên cưỡng hẹn một ngày quyết đấu với bác Hiểu. Bác Hiểu không muốn chuyện này diễn ra, nhưng đến lúc cần phải kết thúc. Đống rơm đã phơi khô bao ngày nắng hanh heo, cũng nên cho nó một mồi lửa!
- Ông đã muốn vậy thì tôi sẽ chiều. Ông đừng thất vọng nếu là người thua trận.
Cha tôi gắt:
- Im đi, đừng khoác lác.
Bác Hiểu đi rồi, cha vít đầu tôi xuống: “Con thấy chưa, ông ta sang xem cha có thể sống được bao lâu nữa đây mà”. “Cha sẽ đấu với ông ta?”. “Con đừng tỏ ra lo lắng thế. Dù sao con cũng phải tỏ ra bản lĩnh, không được coi thường địch...”.
Tôi nói với cha tin thằng Hân con bác Hiểu vừa chết vì sốc thuốc phiện. Thằng Hân chơi bời với mấy thằng trên thị trấn, mắc nghiện. Nó bị nặng, bỏ đi mấy ngày không về. Người ta tìm thấy nó nằm bất động vào một buổi sớm ngoài chợ. Cha tôi chợt nhếch mép. Ông sợ tôi nhìn thấy sự nhẫn tâm này, quay đi.
Người làng vẫn nhắc chuyện xưa, đôi khi thằng Quyền mang chuyện đó ra đay nghiến, đổ lỗi lên đầu cha tôi, trước mặt tôi. Đó là khi sự hận thù lên đỉnh cao. Một hôm lũ trẻ trong làng tắm ở ao Văn Nghệ thôn, có Vĩnh là con cả bác Hiểu. Vĩnh bị chuột rút, chới với trong nước. Người làng nói lúc đó cha tôi đi qua, mấy thằng nhóc kêu cứu nhưng ông không nhảy xuống. Khi Vĩnh được một người trong làng vớt lên thì đã tắt thở. Chuyện cha tôi làm ngơ không cứu người được nói đến tai bác Hiểu. Nhưng ông cố cho êm chuyện. Ngày đó tôi học ở thị xã nên không biết.
Có lần, tôi hỏi cha: “Thằng Quyền nói cha đã không cứu anh nó bị đuối dưới ao Văn Nghệ?”. Cha khua tay, giọng phũ phàng: “Cái giống ấy đáng chết”. Tôi nhắm nghiền mắt. Nỗi đau này, tiếp một sự mất mát khác gia đình bác Hiểu chịu đựng, không oán thán, họ biết nói với ai. Nên khi thằng Quyền nhắc chuyện này, tôi từng nghĩ cha mình quá nhẫn tâm.
Cha tôi và bác Hiểu kiềng mặt nhau. Trong cuộc họp thôn, hôm nào có bác thì không có cha tôi, mà có cha tôi thì không có bác. Trong người cha tôi luôn có một bức ảnh. Nhiều đêm thấy cha một mình trong đêm, lôi ảnh ra, rồi có lúc tất cả sự căm giận ném vào đó. Đôi khi thấy nước mắt ông chảy dài, đặt tấm ảnh xuống, ra sức đập mạnh vào nó như muốn làm tan tành hình ảnh trong đó. Nhưng bức ảnh không tan được. Tôi nhìn được ảnh trong một lần cha để quên trên bàn. Đó là bức ảnh của vợ chồng bác Hiểu. Hai người rạng rỡ cười trong hạnh phúc tròn đầy. Một đêm, cha mím chặt môi, rồi thở hắt như thể đang quyết định một việc gì nghiêm trọng. Bất ngờ ông đem bức ảnh ra đốt. Bức ảnh cong cong tan thành tro.
* * *
Mẹ nhìn cha ái ngại, khi bệnh trong người ông không mấy thuyên giảm.
- Ông định đánh nhau với ông ấy thật ư?
- Bà lo cho hắn ư? Vậy thì hãy về bên đó với hắn đi.
Điều đó chạm vào nỗi đau đớn đã được bưng kín bao lâu trong mẹ, giờ vỡ ra. Mẹ quỳ thụp dưới chân cha, khóc lóc.
- Tôi biết mình đã sai, nhưng hai mươi năm qua, tôi hết lòng phục tùng ông. Chẳng lẽ như thế còn chưa đủ...
- Hãy cút khỏi nhà này. Tôi không muốn nhìn thấy ai nữa. Bà được tự do. Chậm chân tôi sẽ ra đòn.
Tôi chưa bao giờ thấy cha giận dữ và giọng nói nhẫn tâm như vậy.
Mẹ quày quả đứng dậy. Lúc cha tôi nóng, không ai có thể cản được. Tôi đứng chặn ngoài ngõ. Bóng mẹ lúp xúp: “Mẹ hãy về quê ngoại, cha nguội bớt thì về”. Bà buông một câu: “Hãy chăm ông ấy” rồi tất tả bước. Trước đây, mẹ tôi từng gặp bác Hiểu, xin bác bỏ qua cho cha tôi. Ông không trách cha tôi, mà trách mình đã quyết định một việc sai trái, để không bao giờ sửa được. Bác Khiết, vợ bác Hiểu và mẹ tôi từng gặp nhau, tính cách để hai người chủ gia đình hiểu mọi chuyện, nhưng thất bại. Hai người phụ nữ ôm nhau khóc.
Có phải vì thế bác Khiết gầy yếu quá, tàn tạ? Có một lần tôi vô tình nghe được chuyện của cha tôi và bác Khiết: “Ông đừng hành hạ tôi nữa, tôi đã thành một bà già, dù ông còn ôm hận mãi thì chẳng lấy lại được gì. Chẳng lẽ ông muốn chúng nó khổ sở mãi, rồi chết thì ông mới yên lòng?”. “Im đi, bà không có quyền giáo hóa tôi. Trong chuyện này, lỗi là do hai người phụ nữ các bà. Tôi chỉ đòi lại sự thanh thản”. “Thanh thản? Với ông giết nhau mới là thanh thản? Vậy thì ông giết tôi đi”.
Trận đấu không diễn ra ngoài bãi sông như tôi dự định mà ngay trong bãi chuối. Tôi nhập cuộc trong bải hoải. Hai đấu sĩ lao vào nhau như hai con mãnh hổ. Lá chuối gãy gập, đổ rào, cả những thân chuối trúng đòn, nát ngang thân, đổ gục. Hai bên cùng tấn công, tới tấp. Chảo đòn, đả thế, dụ công. Tiếng lá, tiếng tay chân va đập. Bác Hiểu đẩy tôi và Quyền mỗi đứa một nơi. Bác nói:
- Cha cháu đã chết rồi. Hãy dừng lại.
- Không, tôi đã nhận lời với cha, sẽ làm gọn chuyện này. Tôi sẽ khiến cha con ông thua thảm hại. Nếu cha con ông sợ đau đớn, hãy xin thua, tôi tha cho.
Quyền nghiến răng:
- Cha, để con cho hắn biết lễ độ.
Bác Hiểu ngăn Quyền, nhưng hai chúng tôi đã lao vào nhau. Tôi thấy khuôn mặt bác Hiểu đau đớn. Ông luôn miệng hét chúng tôi dừng tay.
Có lẽ Hoa biết chúng tôi không thể dừng đánh nhau, đã trở về. Nên khi cả hai cùng trúng đòn, cùng ngã xuống thì em lao tới, ngăn. Quyền bị phân tâm khi Hoa xuất hiện, bị trúng một đòn, ứa máu miệng. Tôi nghiến răng, tung ra một đòn chí mạng, tôi muốn sớm kết thúc chuyện này. Bất ngờ Hoa đưa thân mình ra đỡ cho hắn. Hự! Tôi không kịp dừng tay. Hoa đổ nhào như cây chuối. Tôi hét lên. Quyền hốt hoảng. Hắn đỡ Hoa. Mặt em méo bệch, hơi thở thoi thóp. Miệng muốn nói điều gì nhưng không cất thành lời. Đôi mắt hiện lên sự van nài. Máu từ miệng không ngừng ứa ra. Hoa, Hoa, em có sao không? Anh không cố tình, anh không cố tình.
Đòn trúng bụng. Hẳn Hoa đã bị thương nặng. Tôi quay sang nhìn ông Hiểu, nói: “Giờ thì đến lượt ông”. Dự định giải quyết xong, tôi sẽ mang Hoa đi. Tôi cầm dao, như một cơn gió, dồn tất cả sức mạnh vào cánh tay gân guốc. Phập! Ông Hiểu không tránh, con dao cắm vào cạnh ngực phải, mắt ông không chớp. Tôi vẫn giữ con dao trong tay, con dao trên ngực ông Hiểu. Mẹ tôi và bác Khiết từ đâu chạy đến.
- Thăng, Thăng ơi, dừng lại đi con - tiếng mẹ tôi thê thiết - Bác ấy là cha con đấy. Con ơi.
Tôi đánh mắt sang phía mẹ:
- Mẹ nói gì?
- Bác ấy là cha con đấy. Bác ấy chính là cha đẻ của con. Mẹ đã giấu kín. Cha con vì ôm hận mà làm biết bao chuyện, gây nên nghiệp chướng này.
Khi nhìn thấy máu nhỏ và con dao trên ngực ông Hiểu thì mẹ tôi tái mặt, tay chân run lập cập. Mẹ nói trong nước mắt:
- Ngày đó, mẹ và bác Khiết vào trạm xá sinh con và Quyền, hai con sinh ra cùng ngày. Bác Khiết sinh khó nên khi xong bị mê mệt. Lợi dụng lúc không ai để ý, cha con bí mật đem hai đứa trẻ của hai bà mẹ đổi cho nhau. Mẹ thì nhận ra, cha con cấm không cho mẹ nói. Từ đó mẹ nuôi con bác Khiết và bác Khiết nuôi con của mẹ. Con có biết cha làm như vậy là sao không? Ông ấy muốn lấy tay của con để đấu lại với cha đẻ của mình, nên ra sức bắt con luyện võ. Cha con đấy, bác Hiểu và bác Khiết mới là cha mẹ đẻ của con. Còn Quyền là con ta.
Tay tôi lỏng dần, rời khỏi con dao trên ngực máu. Tôi cắm mặt chạy trong vô thức. Những tàu chuối tầm thấp phất vào mặt, nước mắt tôi chảy dài. Tôi lao ra sông cho đến khi hai cẳng chân rệu rã, ngã phục xuống cát...
Truyện ngắn của Diên Khánh
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/truyen-ngan-mau-hoa-580310.html