Mẫu tàu ngầm hạt nhân Nga vừa tới Cuba khiến phương Tây lo ngại

Nga triển khai tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M đến Cuba, loại khí tài từng khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng phương Tây và Moscow leo thang.

Biên đội tàu hải quân Nga, gồm tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov, tàu ngầm Kazan, tàu dầu Pashin và tàu kéo Nikolai Chiker, ngày 12/6/2024 cập cảng Cuba, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày đến quốc đảo.

Nga tuyên bố đây là hoạt động hợp tác quân sự theo thông lệ với Havana. Bộ Quốc phòng Cuba cho biết, không tàu nào mang theo vũ khí hạt nhân và chuyến thăm không phải mối đe dọa với khu vực.

Tuy nhiên, động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang leo thang, sau khi Washington cho phép Ukraine sử dụng vũ khí nước này cung cấp để tập kích lãnh thổ của Moscow, vốn được coi là "lằn ranh đỏ" với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Giới chức Mỹ và NATO từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về năng lực của Kazan và các tàu ngầm lớp Yasen cùng loại.

Nga bắt đầu đóng lớp tàu ngầm này vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song chiếc đầu tiên chỉ được biên chế vào năm 2013, mang tên Severodvinsk.

Sau khi chiếc tàu ngầm này xuất hiện, chuẩn đô đốc Dave Johnson, giám đốc điều hành chương trình tàu ngầm của Bộ Tư lệnh hệ thống biển hải quân Mỹ (NAVSEA), cảnh báo Washington sẽ phải đối mặt với "những đối thủ khó nhằn" trong thời gian tới, đặc biệt nhấn mạnh tới tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen.

Các tàu ngầm lớp Yasen tiếp theo đã được cải tiến về thiết kế và gọi chung là lớp Yasen-M.

Tàu ngầm Kazan là sản phẩm đầu tiên của lớp này, có kích thước nhỏ hơn đáng kể, hệ thống định vị thủy âm (sonar) mới và lò phản ứng hạt nhân chạy êm hơn.

Tàu ngầm lớp Yasen-M có chiều dài 130 mét, chiều rộng 13 mét, lượng giãn nước khi lặn khoảng 13.800 tấn.

Nó có thể hoạt động ở độ sâu 520 m, tốc độ di chuyển dưới nước khoảng 60 km/h, vận hành trong lòng biển 100 ngày liên tục với thủy thủ đoàn 64 người.

Mỗi tàu được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng với 32 tên lửa P-800 Oniks hoặc 40 tên lửa 3M-54 Kalibr, cùng cụm 10 ống phóng cỡ 533 mm có khả năng mang tối đa 30 quả ngư lôi hoặc thủy lôi.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống phòng không vác vai Igla-S hoặc Verba để đối phó các mối đe dọa trên không.

Trong tương lai, nó sẽ có thể khai hỏa cả tên lửa siêu vượt âm Zircon.

Tàu ngầm lớp Yasen-M vẫn có thể trang bị tên lửa hạt nhân Rk-55 Grannat có tầm bắn trên 2.500km. Mỗi tên lửa này mang đầu đạn có đương lượng nổ lên tới 200kt.

Tàu cũng có khả năng triển khai ngư lôi không người lái mang đầu đạn hạt nhân Poseidon, đủ sức xóa sổ mọi căn cứ gần bờ.

Số vũ khí trên cho phép tàu ngầm lớp Yasen-M một mình đương đầu với cả biên đội tàu chiến đối phương.

Rõ ràng đây là một kho vũ khí di động trên đại dương của Nga đủ để hủy diệt bất cứ thành phố nào trong tầm tác chiến của nó.

Hệ thống cảm biến hiện đại giúp con tàu có thể phát hiện mục tiêu dưới nước ở khoảng cách lên tới 300 km.

Tàu di chuyển dưới nước ở tốc độ là 31 hải lý/h với thủy thủ đoàn 64 người.

Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo hạt nhân được coi là cú đấm thép trên đại dương của các cường quốc.

Tuy nhiên hiện nay chúng chỉ mang tính chất răn đe là chính. Việc sử dụng đến những vũ khí này trong chiến tranh hiện đại thường rất hiếm.

Trên thực tế các cuộc chiến tranh gần đây đều là các xung đột nhỏ lẻ và là các cuộc chiến tranh quy ước sử dụng vũ khí thông thường, nơi lên ngôi của các tên lửa hành trình tấn công.

Mỹ là nước đi đầu trong việc trang bị tên lửa hành trình cho tàu ngầm tấn công hạt nhân.

Ngay sau khi Liên Xô tan rã, nhận thấy rằng không nhất thiết phải duy trì một số lượng lớn tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Ohio, Mỹ đã cải tiến để một số tàu này chuyển sang trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.

Ống phóng tên lửa hạt nhân đã được Mỹ chỉnh sửa lại để mang theo 7 tên lửa hành trình Tomahawk.

Ống phóng tên lửa hạt nhân đã được Mỹ chỉnh sửa lại để mang theo 7 tên lửa hành trình Tomahawk.

Nhận thấy hiệu quả của phương pháp tác chiến này, Nga cũng liền cho ra đời các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen-M trang bị các tên lửa hành trình Kalibr

Theo giới chuyên gia quân sự nhận định, tàu ngầm lớp Yasen-M của Nga là một trong những dòng tàu ngầm tấn công hàng đầu thế giới và là đối thủ xứng tầm của tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Theo báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhờ năng lực "khai hỏa cả tên lửa diệt hạm và tên lửa tấn công mặt đất", tàu lớp Yasen và Yasen-M nhiều khả năng sẽ được ưu tiên triển khai để thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa, thay vì các nhiệm vụ truyền thống của tàu ngầm như ngăn chặn và cắt đứt các tuyến liên lạc, vận chuyển trên biển (SLOC) của đối phương.

Truyền thông Mỹ năm 2018 dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết tàu Severodvinsk đã di chuyển tới Đại Tây Dương và né tránh thành công các nỗ lực theo dõi của hải quân phương Tây trong nhiều tuần.

Một quan chức quốc phòng Anh cũng tiết lộ các lực lượng NATO thường xuyên mất dấu tàu ngầm lớp Yasen khi chúng hoạt động trên biển.

Tướng không quân Mỹ Glen VanHerck, lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Bắc và Bộ Tư lệnh phòng thủ hàng không Bắc Mỹ, cùng năm cho biết các tàu ngầm lớp Yasen của Nga được thiết kế để hoạt động ở khu vực có thể phóng tên lửa hành trình vào bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện.

Loại tàu ngầm này đủ sức đe dọa các cơ sở hạ tầng quan trọng của Washington trong trường hợp khủng hoảng leo thang giữa hai nước.

Tướng VanHerck, cùng nhiều quan chức khác của Mỹ, cũng khẳng định các tàu lớp này "ngang tầm" với tàu ngầm của Washington và nhiều lần cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của chúng ở ngoài khơi bờ biển Mỹ.

Nga hiện biên chế 4 tàu ngầm lớp Yasen/Yasen-M và dự kiến chế tạo ít nhất 9 chiếc thuộc lớp này.

Một nguồn tin thân cận với hải quân Nga tháng 11/2023 cho biết Moscow đang lên kế hoạch đóng thêm ba chiếc nữa để nâng tổng số tàu lớp Yasen/Yasen-M lên 11 chiếc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mau-tau-ngam-hat-nhan-nga-vua-toi-cuba-khien-phuong-tay-lo-ngai-post579867.antd