Màu xanh của trang sách cũ
Hồi nhỏ, anh em tôi hay có thói quen mỗi cuối tháng trông ngóng ba về từ chuyến xe đò liên tỉnh. Hành trang người lính là chiếc ba lô vải màu xanh, ba mở ra cho bọn tôi một thế giới diệu kỳ.
Với chị tôi, đó là con búp bê, hay chiếc lược từ miếng sừng trâu láng bóng; với anh tôi, là quả xoài của đơn vị ba trồng. Và với tôi, là những quyển sách ba mượn từ thư viện. Thế nào ba cũng sẽ đọc cho tôi nghe, trước khi tôi chìm vào giấc ngủ nhuốm màu cổ tích.
Hình như tuổi thơ chính là thế giới thần tiên duy nhất có thật ở trên đời. Thế giới ấy lúc nào cũng dịu ngọt và lấp lánh những niềm vui đơn sơ mà đầy ắp tình người. Những trưa hè nhớ ba, anh tôi đem những quyển tạp chí cũ ba mang về ra đọc. Những câu thơ, câu chuyện chở đầy tính nhân văn, bám rễ sâu vào lòng những đứa trẻ quê từ dạo ấy, nào ai biết. Để khi đứa trẻ lớn lên, chúng vẫn không sao quên được những câu chuyện đầu đời. Hay vô tình nghe đâu đó vẳng lên câu thơ cũ, lòng chợt xuyến xao nhắc nhớ đến lạ kỳ.
Khi lên bốn, lên năm, tôi không đòi quà bánh mỗi khi mẹ ra chợ huyện bán mớ trứng gà, rau cải. Bù lại, tôi ngóng trông những quyển truyện tranh ở sạp báo nơi mẹ trải thành quả một tuần ra bán. Những quyển truyện tranh đáng giá bằng chục trứng gà, là những quyển sách đầu tiên trong đời tôi có được. Chúng chắp cánh cho một niềm đam mê mùi giấy, mùi mở ra những chân trời trong đôi mắt trẻ thơ...
Thuở ấy, những buổi chiều theo anh trai ra đồng coi người ta lùa trâu về nhà. Những tấm lưng trâu vẽ đầy con chữ, mà sao có một sức hút mê hoặc với tôi. Có lẽ chính vì sự tò mò và thích thú ấy mà tôi học và nhớ mặt chữ sớm hơn chúng bạn. Khi ấy, trong tâm trí đứa trẻ lên năm, chỉ muốn biết thực ra trên lưng trâu viết những gì?
Anh tôi bảo, những đứa trẻ chăn trâu biết chữ, đã dạy cho những đứa không biết những con chữ đầu tiên của đời mình. Không có trường lớp hẳn hoi, tụi trẻ đã lấy đất ải làm cây viết, lấy lưng trâu là bảng mà học thuộc những bài ca dao bằng con chữ đầu đời. Và bầy trâu đi qua cánh đồng đang rộ mùa khói mới, với tôi là một quyển sách diệu kỳ, mà mỗi cái lưng trâu là một trang thơ sống động. Tôi tập đánh vần bài thơ, “Con trâu có một hàm răng, ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao”...
Sáu tuổi, mẹ sắm sửa cho tôi quần áo và sách vở để vào lớp 1. Quyển sách giáo khoa đầu tiên của tôi là quyển sách đã qua ba năm học của các anh, các chị. Anh tôi tháo bỏ bọc bìa cũ, thay áo mới cho sách bằng những trang giấy báo. Vậy mà với tôi, vẫn mới tinh tươm. Không biết do chất liệu giấy ngày xưa tốt, hay do lòng người trân trọng, giữ gìn, mà những quyển sách sau bao năm vẫn vẹn nguyên màu sắc và chứa đầy sự hấp dẫn trong từng khung hình, con chữ.
Khi vừa biết ghép vần con chữ, tôi như cầm được chiếc chìa khóa trong tay để mở những kho tàng trong góc sách gia đình. Đó là những quyển Tạp chí Văn nghệ Quân đội cha mang về từ đơn vị. Những câu chuyện trong tạp chí được anh đọc cho tôi nghe gần như đã thuộc lòng, mà sao khi chính mình đọc thì cứ như mới lần đầu tiên bước vào không gian câu chuyện. Tôi đọc hết mớ tạp chí ở nhà, có chuyện hiểu, chuyện không, nhưng sức hút của sách vẫn không bao giờ cạn.
Khi bước vào học kỳ thứ hai của năm học đầu tiên, tôi khám phá ra thêm một thế giới mới ở cạnh mình, đó là phòng thư viện. Với tôi, thư viện nhà trường với những dãy tủ chất đầy sách là một kho báu màu nhiệm và hấp dẫn. Những buổi ra chơi, tôi túc trực ở thư viện với những quyển truyện cổ tích thần kỳ. Những câu chuyện được đứa trẻ hấp thu ngấu nghiến no nê. Chúng lại tái sinh một lần nữa vào mỗi đêm, khi đám trẻ chăn trâu tụ hội lại ở sân nhà. Những câu chuyện cứ thế từ sách vở truyền qua môi, rồi ghi lên lưng trâu mà lan qua đứa này đến đứa khác.
Trò chơi với sách (thay vì chơi đá bóng, trèo cây như chúng bạn) trở thành thói quen của đứa trẻ vùng quê. Sách trở thành người bạn thân thiết, đến mức lâu lâu, lấy được cây đèn pin của ba, là thể nào cũng chờ cho đến lúc nhà tắt đèn hết rồi, sẽ chui vào mùng để soi mà đọc tiếp câu chuyện dang dở, rằng người ở hiền thì cuối cùng có được gặp lành hay không?
Thế hệ chúng tôi lớn lên khi thế giới trở mình từ những trang sách, báo giấy sang trang mạng. Một thư viện đồ sộ thuở thiếu niên của tôi, chẳng qua cũng chỉ nhỏ xíu bằng mấy thư mục trong cái thẻ nhớ nhỏ như móng tay. Khó có thể phủ nhận rằng, những ưu việt của sách mạng, chúng vừa nhanh nhạy, vừa bao la đến khôn cùng. Tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác hồ hởi khi bước vào trang mạng tìm kiếm sách. Cảm giác không khác gì khi tôi bước chân vào thư viện trường. Tôi cứ nghĩ rằng, mọi thứ trong tầm tay (cầm điện thoại).
Nhưng lang thang trên mạng, tôi vẫn không cách nào tìm được cảm giác mùi giấy thơm lừng ở quyển truyện tập mới nhất vừa được mẹ mua cho. Mớ tiền ấy ngang với chục trứng gà, mà con gà mái mơ phải ròng rã đẻ gần hai tuần mới được. Cảm giác những dòng chữ được người thợ sắp dấu chì cẩn thận để vào khuôn, dập đi dập lại mấy mươi lần, sửa nát cả bản thảo mới ra được một mẻ sách đến tay mình. Cảm giác những bữa mê đọc đến ngủ quên, úp trang sách vào mặt mà giấc mơ vẫn dìu dịu như cổ tích. Những cảm giác vừa quen vừa nên thơ ấy, tuyệt nhiên không thể nào có ở sách mạng bao la như biển không chạm tới bờ.
Tôi bắt đầu đọc lại sách giấy, không quá khó khi một người “nghiện” sách mạng quay sang đọc sách giấy. Cái cảm giác thân thuộc năm nào ùa về, như chiếc tàu dừng ở sân ga, chỉ cần nổ máy là có thể chạy re re trên đường ray thân quen có sẵn.
Ngày tôi vào bộ đội, hành trang mang theo nhiều nhất có lẽ là những trang sách. Những quyển sách trở thành “đồng đội” sau những giờ ở thao trường. Những trang sách lại chuyền tay nhau từ đại đội này sang đại đội khác không thôi lan tỏa câu chuyện gieo vào lòng người. Những quyển sách mang vào đơn vị đọc, cứ sau một tua, tôi lại tặng cho thư viện đơn vị mình. Cứ thế, niềm đam mê đọc sách được truyền đến nhiều đồng đội nữa, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu sau những giờ học tập và rèn luyện.
Tôi vẫn nhớ cảm giác cái kệ sách của đơn vị cứ dần nở ra. Những cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được giữ lại đây một cách cẩn thận, bởi thế nào cũng sẽ có người lên mượn đọc suốt cho mà xem. Hay những trang truyện ở Báo Quân đội nhân dân cũng được chúng tôi lưu lại bằng cách chép sang một quyển vở để dễ “lưu truyền”. Tôi không nghĩ rằng, vì môi trường quân ngũ không được dùng điện thoại cá nhân tùy tiện nên chúng tôi không có gì để “lướt” ngoài những trang sách, báo. Mà chính những trang sách, báo tự thân đã mang một sức sống và sự thu hút trong mình. Sức sống ấy không chỉ nằm trong trang sách mà nó còn có sức lan tỏa và tiềm tàng gieo những hạt giống tâm hồn vào lòng người lính.
Những quyển sách của nhà xuất bản Quân đội nhân dân trang bị cho đơn vị, đã mở ra trong tôi thêm niềm tin và tình yêu thương nơi quân ngũ. Mãi sau này, tôi vẫn nhớ như in những trang thơ mà mỗi lần cất lên là nghe lòng đầy tự hào dân tộc. Những câu chuyện nhân văn về người lính xa nhà, cầm súng bảo vệ biên cương vẫn sáng ấm ý chí một lòng với nước. Dường như sách không dừng lại ở việc chở những trang văn, sách còn chở cả nhân văn, đạo lý và tình yêu đất nước, con người.
Ngày xuất ngũ, tôi mượn thư viện đơn vị quyển “Việt Nam đất nước anh hùng” để photo lưu giữ. Đấy là quyển sách dày, được in từ rất lâu, với chất liệu giấy tốt nhất lúc bấy giờ. Với một “con mọt sách” như tôi, quyển ấy thuộc hàng “quý hiếm”. Lúc sắp bước chân ra đến cổng, thủ trưởng từ xa đến trao tay tôi quyển sách gốc, màu bìa lót ngả vàng, có mấy dòng chữ ký. Đấy là quyển sách đã theo thủ trưởng và các đồng đội ông suốt những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, từng chữ ký đồng đội hằn lên từng kỷ niệm, người còn, người mất. Nhưng điều quý hóa nhất là sách được giữ gìn kỹ lưỡng và trao lại cho tôi, vừa là một món quà, vừa là một sự gieo trồng mới cho trang sách.
Người ta nói, sách làm từ bột gỗ, qua nhiều công đoạn cầu kỳ mới đến được tay bạn đọc. Cứ mỗi lần nhìn những quyển sách thẳng tắp trên kệ, tôi lại hình dung ra một cánh rừng đang xanh. Phải chăng, khi lòng người còn rộng mở “học, học nữa, học mãi", thì sách là thứ bột gỗ có thể sinh sôi và xanh mãi ngàn đời...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mau-xanh-cua-trang-sach-cu-655927