Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Nga khác biệt hoàn toàn phương Tây
Nga đang rất nỗ lực để không bị tụt lại sau phương Tây trong cuộc đua nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.
Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu hệ thống hàng không nhà nước (GosNIIAS) - Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga - ông Evgeny Fedosov khẳng định việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đang tiến triển tích cực.
Dự án đầy tham vọng này liên quan đến việc tạo ra một nền tảng hàng không có khả năng đáp ứng những thách thức của mọi cuộc xung đột vũ trang trong tương lai, đồng thời duy trì mô hình có người lái, được bổ sung bởi khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo.
“Chúng tôi hiện đang nghĩ đến khái niệm máy bay thế hệ chiến đấu thứ sáu khi tiến hành nghiên cứu thăm dò, trao đổi ý kiến với các chuyên gia quân sự".
"Hàng không có người lái sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì chưa có ai vượt qua được bộ não con người. Tôi tin chắc rằng con người không thể bị loại khỏi hoạt động chiến đấu”, ông Fedosov lưu ý trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TASS.
Máy bay chiến đấu mới dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2050. Một đặc điểm của chiếc phi cơ đầy hứa hẹn là khả năng phối hợp với máy bay không người lái.
Thiết kế như vậy sẽ cho phép nó giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu trong khu vực được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đối phương, giảm thiểu rủi ro đến tính mạng phi công.
Việc nhấn mạnh sẽ duy trì máy bay có người lái trong đội hình tác chiến tương lai của Nga làm nổi bật tầm quan trọng đối với yếu tố con người và những khả năng độc đáo mà con người mang lại trong việc quản lý các hệ thống chiến đấu phức tạp.
Cách tiếp cận phát triển này giúp phân biệt chương trình của Nga với các dự án do Mỹ hay châu Âu tiến hành, khi khả năng của các phương tiện chiến đấu tự động hoàn toàn đang được tích cực khám phá.
Theo TASS