Máy bay gián điệp U-2 bị bắn hạ như thế nào?

Máy bay do thám U-2 của Mỹ với biệt danh 'Quý bà rồng', dù bay cao, bay xa, hoạt động bí mật nhưng vẫn nhiều lần bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô (cũ), Cuba và Trung Quốc.

Trước khi vệ tinh do thám ra đời, Mỹ dùng máy bay trinh sát để do thám các nước mà họ cho là thù địch, và cái tên nổi bật nhất trong số máy bay do thám của Washington là U-2, có biệt danh Dragon Lady (Quý bà rồng). Ra đời trong thập niên 1950, chiếc máy bay do hãng Lockheed Martin phát triển có thể đạt độ cao 21,3 km, vượt xa tầm bắn của tên lửa phòng không lúc đó. Ở độ cao an toàn, U-2 chụp ảnh có độ phân giải cao lãnh thổ đối phương nhằm mục đích thu thập tình báo. Tuy nhiên, vỏ quýt dày thì sẽ có móng tay nhọn. Mặc dù bay rất cao, nhưng U-2 vẫn bị bắn rơi.

Ngày 1/5/1960, chiếc U-2 do phi công Francis Gary Powers bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô (cũ). Ngày 27/10/1962, một chiếc U-2 khác bị bắn hạ trên đất Cuba. Không chỉ hai vụ đó, nhiều chiếc U-2 khác cũng bị tiêu diệt ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn giữ im lặng về các nhiệm vụ mà trinh sát cơ U-2 thực hiện trên đất Trung Quốc. Hơn nữa, điều làm tăng thêm sự bí ẩn là những chiếc máy bay “siêu gián điệp” tham gia các phi vụ ở Trung Quốc không do phi công Mỹ lái.

Máy bay U-2 ra đời từ thời Chiến tranh lạnh.

Máy bay U-2 ra đời từ thời Chiến tranh lạnh.

Máy bay “siêu gián điệp”

Theo Eurasian Times, ngay cả sau 50 năm, Mỹ vẫn chưa giải mật các nhiệm vụ do Dragon Lady thực hiện, cho thấy tính chất nhạy cảm của chúng. Tuy nhiên, một bộ phim tài liệu được sản xuất và các tài liệu lịch sử được công bố trên các trang web của chính phủ Mỹ tiết lộ rằng các máy bay U-2 đã được sử dụng để bí mật do thám năng lực quân sự đang phát triển của Trung Quốc trong những năm 1960.

Mỹ nghi ngờ rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được Liên Xô hỗ trợ, U-2 đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến gián điệp giữa Mỹ và Trung Quốc, và trong khoảng thời gian 1960-1970, ít nhất 5 chiếc đã bị bắn hạ khi thực hiện nhiệm vụ do thám Trung Quốc, theo CNN. Vào thời điểm thập niên 1950, máy bay U-2 do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) quản lý và vận hành. Họ đưa ra lý do mà không quốc gia nào tin là những chiếc U-2 của họ chỉ đang thực hiện nhiệm vụ thám sát thời tiết.

Mọi ngụy biện của CIA sụp đổ hoàn toàn vào năm 1960, khi quân đội Liên Xô bắn hạ một chiếc U-2 và đưa phi công Gary Powers ra xét xử. Mỹ, lúc đầu lập luận rằng máy bay đang thực hiện nhiệm vụ thám sát thời tiết và bay lạc vào không phận Liên Xô sau khi phi công bất tỉnh do thiếu oxy, đã phải thừa nhận rằng đó là một nhiệm vụ do thám. Powers sau đó đã được đưa về Mỹ thông qua một chương trình trao đổi tù nhân giữa Moscow và Washington.

Trong bộ phim tài liệu nói về một phi đội U-2, phát hành năm 2018, Chris Pocock, tác giả cuốn sách “50 năm máy bay U-2”, coi đây là một bước ngoặt. “Vì Mỹ không muốn phi công của mình một lần nữa bị bắn hạ trên một chiếc U-2 như vụ Gary Powers ở Liên Xô năm 1960, gây ra sự cố ngoại giao lớn, họ đã nhắm tới vùng lãnh thổ khác và chính quyền hòn đảo này rất sẵn lòng cho phép phi công của mình được đào tạo và thực hiện một loạt các chuyến bay dài qua Trung Quốc đại lục”, CNN dẫn lời ông Pocock.

Trước thời điểm này, Đài Loan (Trung Quốc) đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Washington. Sau đó, Mỹ gửi những chiếc U-2 đến. Đài Loan (Trung Quốc) thành lập một phi đội mang tên “Đội trinh sát và nghiên cứu thời tiết”. Các phi công được đào tạo để lái U-2, chương trình được mang bí danh Black cats (Mèo đen).

Theo Eurasian Times, người Mỹ cần thu thập thông tin về Trung Quốc đại lục -điểm mạnh và điểm yếu của nước này, vị trí các cơ sở quân sự, căn cứ tàu ngầm và loại máy bay mà nước này đang phát triển. Và họ cần một vị trí chiến lược để theo dõi các diễn biến ở Trung Quốc. Lloyd Leavitt, Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, mô tả nhiệm vụ này là một hoạt động tình báo chung của Mỹ. “Những chiếc U-2 của Mỹ được sơn phù hiệu không quân khác, các phi công được chỉ huy bởi một đại tá không quân, các nhiệm vụ bay được Washington lên kế hoạch và cả hai bên đều nhận thông tin tình báo thu thập được”, ông Leavitt viết trong cuốn hồi ký về Chiến tranh Lạnh xuất bản năm 2010.

Phi công Francis Gary Powers.

Phi công Francis Gary Powers.

Phi đội Mèo đen

Phi đội U-2 này được mang tên Mèo đen, lấy ý tưởng từ màu sắc của máy bay và thói quen ra ngoài vào ban đêm của loài mèo. Máy bay U-2 thường cất cánh vào ban đêm để bảo đảm yếu tố bí mật. Người Mỹ làm việc cùng các phi công tại căn cứ để xử lý thông tin thu thập được. Tất cả nhân viên Mỹ trên danh nghĩa là nhân viên của Công ty máy bay Lockheed.

Trong số những phi công đầu tiên lái U-2 có Mike Hua, đóng quân ở Căn cứ Không quân Đào Viên hồi đầu năm 1961. Năm 2002, Hua đã viết một bài cho tạp chí Air Force Historical Foundation kể về quãng thời gian lái U-2. Chiến dịch thu thập thông tin tình báo bằng trinh sát cơ U-2 có mật danh là Razor (dao cạo). Theo Hua, thông tin tình báo thu thập được từ các chuyến bay là "rất lớn" và được chia sẻ giữa Đài Bắc và Washington. “Các nhiệm vụ bao phủ vùng nội địa rộng lớn của Trung Quốc đại lục, nơi hầu như chưa từng có bức không ảnh nào được chụp”, ông viết. “Mỗi chuyến bay mang về một bản đồ dạng không ảnh trên diện tích khoảng 518.000 km2, không chỉ cung cấp thông tin vị trí chính xác của mục tiêu mà còn cả các hoạt động trên mặt đất”.

Các cảm biến trên máy bay U-2 thu thập thông tin về năng lực radar, cách bố trí của Trung Quốc. Theo trang web của cơ quan quân sự, phi đội Mèo đen đã thực hiện 220 nhiệm vụ trinh sát từ năm 1962 đến tháng 5/1974, bao phủ “hơn 10 triệu km2 trên 30 tỉnh ở Trung Quốc”. Mặc dù máy bay có thể hoạt động ở tầng bình lưu, U-2 không phải là thứ bất diệt trước hỏa lực phòng không bởi lúc này đã có nhiều loại tên lửa đạt độ cao trên 20 km. Ngày 9/9/1962, tên lửa phòng không của quân đội Trung Quốc lần đầu tiên bắn hạ U-2 khi nó đang thực hiện nhiệm vụ do thám trên bầu trời thành phố Nam Xương. Tên lửa bắn hạ máy bay do thám là loại SA-2 hay còn gọi là S-75 Dvina, do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn 25.000m. Đây cũng là loại tên lửa Việt Nam dùng bắn hạ máy bay ném bom B-52 của Mỹ.

Xác máy bay U-2C số hiệu 56-6691 (bị bắn hạ ngày 10/1/1965) được trưng bày tại Bắc Kinh.

Xác máy bay U-2C số hiệu 56-6691 (bị bắn hạ ngày 10/1/1965) được trưng bày tại Bắc Kinh.

Đi săn “rồng”

Trong những năm tiếp theo, thêm ba phi công U-2 của phi đội Mèo đen thiệt mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Trung Quốc. “Nhờ radar, quân đội Trung Quốc biết các máy bay này sẽ đi đâu, mục tiêu của chúng là gì và họ bắt đầu xây dựng các địa điểm bố trí tên lửa nhưng liên tục di chuyển lực lượng giữa các điểm này”, ông Pocock nói với CNN. “Họ sẽ xây dựng một điểm ở đây, bố trí tên lửa trong một thời gian nhưng nếu họ phán đoán rằng chuyến bay tiếp theo sẽ đến chỗ nào đó, họ di chuyển tên lửa đón lõng. Đó là một trò chơi mèo vờn chuột giữa các chuyến bay do thám đó và lực lượng phòng không Trung Quốc”.

Ngày 1/11/1963, một máy bay U-2 đang thực hiện nhiệm vụ do thám trên bầu trời thành phố Vũ Hán thì bị tên lửa SA-2 của Trung Quốc bắn hạ, phi công bị bắt. Sau này, các phi công U-2 bị bắt được phóng thích ở Hong Kong và CIA đã chuyển họ đến Mỹ. Họ chỉ được phép quay lại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1990. Ngày 7/7/1964, một chiếc U-2 cất cánh từ căn cứ Cubi Point của không quân hải quân Mỹ ở Philippines bị SA-2 bắn trúng trên bầu trời tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Phi công thiệt mạng sau khi phóng dù thất bại. Ngày 10/1/1965, một chiếc U-2C cất cánh từ căn cứ không quân Đào Viên thực hiện nhiệm vụ do thám hình ảnh nhằm xác định tình trạng sản xuất vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Máy bay cũng bị tên lửa đất đối không SA-2 bắn hạ, phi công bị bắt.

Ngày 8/9/1967, một máy bay U-2 đang do thám trên bầu trời tỉnh Giang Tô thì bị tên lửa đất đối không HQ-2 của quân đội Trung Quốc bắn hạ. HQ-2 là một thiết kế sao chép tên lửa SA-2 của Liên Xô. Một máy bay khác mất tích khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát ban đêm trên bờ biển tỉnh Hà Bắc và gặp sự cố điều khiển. Mặc dù Mỹ và đồng minh đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển trong một tuần, nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của máy bay.

Sau này, nhà cầm quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã trả lại các máy bay U-2 còn lại cho Mỹ và Không quân Mỹ vẫn đang vận hành chúng cho đến hôm nay. Ngày 4/1/2024, Lực lượng Không quân Mỹ tại căn cứ Beale ở California đã dàn dựng một cuộc diễu hành với 8 máy bay U-2. Hiện nay Không quân Mỹ còn trong biên chế 27 chiếc. Ban đầu U-2 được giao cho CIA để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát tầm cao trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đặc biệt là sau sự kiện máy bay U-2 của phi công Gary Powers bị Liên Xô bắn hạ vào năm 1960, việc điều hành các nhiệm vụ trinh sát U-2 dần chuyển từ CIA sang Lực lượng Không quân Mỹ.

Từ giữa thập niên 1970, U-2 chính thức được giao lại cho Không quân Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát quân sự, mặc dù CIA vẫn tiếp tục sử dụng U-2 trong một số hoạt động tình báo đặc biệt. Căn cứ Không quân Beale ở California trở thành căn cứ chính của máy bay U-2 từ đó.

U-2 được trang bị động cơ General Electric F118-101 vừa nhẹ vừa tiết kiệm nhiên liệu, có nghĩa là nó không cần tiếp liệu trên không trong các nhiệm vụ kéo dài. Phiên bản U-2S Block 10 được trang bị công nghệ sợi quang tiên tiến và các cảm biến đời mới nhất. Chiếc U-2A đầu tiên được chế tạo hoàn toàn bí mật, bay lần đầu vào tháng 8/1955. Các chuyến bay đầu tiên vào lãnh thổ Liên Xô cuối những năm 1950 cung cấp cho giới lãnh đạo Mỹ thông tin tình báo quan trọng về năng lực quân sự của Liên Xô. Tháng 10/1962, U-2 đã chụp ảnh quá trình tập kết tên lửa hạt nhân tấn công của Liên Xô ở Cuba gây ra Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Trong thời gian gần đây, U-2 cung cấp thông tin tình báo liên quan đến CHDCND Triều Tiên, khu vực Balkan, Afghanistan và Iraq. U-2 cũng có thể được tận dụng để hoạt động trinh sát thời bình, hỗ trợ cứu nạn lũ lụt, động đất, cháy rừng... Năm 2023, U-2 một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát các khinh khí cầu của Trung Quốc bay trên lãnh thổ Mỹ. Phi công của một chiếc Dragon Lady thậm chí còn chụp được ảnh selfie với khinh khí cầu ở độ cao lớn.

Không quân Mỹ có ý định cho U-2 nghỉ hưu vào năm 2026, thay thế bằng các công nghệ do thám mới hơn. Tuy nhiên, lực lượng này tuyên bố rằng cho đến lúc đó, họ vẫn giữ “quý bà” U-2 trong biên chế.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/may-bay-gian-diep-u-2-bi-ban-ha-nhu-the-nao--i746428/