Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk của Mỹ lần đầu cất cánh
Sau một thời gian dài bị trì hoãn do trục trặc kỹ thuật, máy bay huấn luyện phản lực T-7A Red Hawk của Mỹ đã chính thức cất cánh lần đầu vào ngày 28/6.
Tập đoàn Boeing và lực lượng Không quân Mỹ đều xác nhận chuyến bay đầu tiên của T-7A Red Hawk, mang số hiệu 21-7002, đã diễn ra vào ngày 28/6 tại Sân bay quốc tế Lambert–St. Louis, bang Missouri, Mỹ.
Chuyến bay kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ dưới sự điều khiển của Thiếu tướng Không quân Bryce Turner và phi công thử nghiệm T-7, Steve Schmidt.
Evelyn Moore - Phó chủ tịch kiêm giám đốc chương trình T-7 của Boeing, cho biết: "Chuyến bay đã xác nhận các khía cạnh quan trọng, thể hiện sức mạnh cũng như sự linh hoạt của máy bay huấn luyện tiên tiến của Lực lượng Không quân. Nó đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn phát triển kỹ thuật và sản xuất của chương trình T-7A".
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Chuyến bay đầu tiên với Lực lượng Không quân đã thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp một mức độ an toàn và chương trình đào tạo mới cho các phi công máy bay chiến đấu. Chúng tôi vẫn tập trung vào các cách thức kỹ thuật để chuẩn bị tốt hơn cho các yêu cầu nhiệm vụ mới".
Red Hawk dự kiến sẽ thay thế các máy bay huấn luyện phản lực T-38 Talon đã cũ của Lực lượng Không quân. Chuyến bay đầu tiên là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển T-7A sau nhiều lần bị trì hoãn và chậm tiến độ.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, Lực lượng Không quân Mỹ hy vọng sẽ nhận 5 nguyên mẫu T-7A đầu tiên trong năm nay và bắt đầu sự trang bị các máy bay huấn luyện phản lực mới vào năm tới.
T-7A Red Hawk là máy bay huấn luyện được Mỹ cùng Thụy Điển hợp tác nghiên cứu và phát triển. Máy bay bao gồm hai ghế lái trong đó có một ghế của huấn luyện viên và ghế còn lại của phi công học viên.
Chiếc tiêm kích này có trọng lượng 12 tấn, được thiết kế với chiều dài 14 m; chiều rộng 10 m và chiều cao 4 m. Red Hawk trang bị một động cơ GE F404 cho phép bay với tốc độ tối đa 1300 km/h.
T-7 Red Hawk có tốc độ hành trình đạt 970 km/h, tầm hoạt động 1.830 km và trần bay đạt 15.000 m và tốc độ leo cao tối đa 170 m/s.