Các máy bay không người lái cảm tử của Nga thuộc dòng Lancet đã trở thành yếu tố quan trọng trên chiến trường Ukraine, khi phá hủy rất nhiều phương tiện tác chiến của đối phương.
Những loại đạn tuần kích tiên tiến như Lancet lấp đầy một vị trí quan trọng khi thu hẹp khoảng cách giữa các máy bay không người lái tương đối lớn loại Geran-2/Shahed 136 và những chiếc UAV 4 cánh loại nhỏ chỉ có thể bay được vài km.
Hơn nữa, Lực lượng vũ trang Ukraine vẫn chưa tìm ra công thức tốt để chống lại loại vũ khí đơn giản những hiệu quả này của người Nga, tờ nhật báo tiếng Đức của Thụy Sĩ có tên Neue Zürcher Zeitung đưa ra nhận xét.
Ấn phẩm lưu ý rằng các thiết bị rẻ tiền như Lancet bay ở tốc độ thấp nên thực tế không bị radar của hệ thống phòng không nhận ra và các cuộc tấn công của chúng thường bất ngờ đồng thời gây ra hậu quả lớn.
Lực lượng vũ trang Ukraine đang cố gắng chống lại mối đe dọa này tốt nhất có thể. Họ đang cố gắng cải thiện khả năng ngụy trang của thiết bị, đồng thời che phủ bằng màn lưới và các cấu trúc khác. Nếu Lancet bị mắc kẹt trong đó, hiệu quả sẽ giảm đi.
Đồng thời người Nga có lẽ đã cải tiến Lancet vì tầm bay của chúng đã tăng gấp đôi. Hơn nữa, Moskva tiếp tục phát triển các thiết bị mới và tăng năng lực sản xuất. Những tình huống này khiến bộ chỉ huy Quân đội Ukraine rất lo ngại.
"Đánh giá của Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine đưa ra vào đầu tháng 7/2023 từng đưa ra nhận định là Nga đã sử dụng gần hết Lancet và chỉ còn lại 50 chiếc, hóa ra rất sai lầm".
"Trong tháng này và tháng 8/2023, hoạt động của các máy bay không người lái cảm tử thuộc lực lượng vũ trang Nga đã đạt đến đỉnh điểm - 260 cuộc tấn công và phần lớn được ghi lại trên video".
"Rõ ràng là các máy bay không người lái cảm tử như Lancet sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh trong thời điểm hiện tại và thậm chí cả tương lai", tờ báo Thụy Sĩ đưa ra nhận xét.
Các quốc gia đã bắt đầu cuộc chạy đua về công nghệ tiên tiến với khả năng và nguồn lực tốt nhất của mình. Đồng thời, Ukraine đang thử nghiệm các loại máy bay không người lái thậm chí còn rẻ hơn và có thể sản xuất với số lượng lớn.
Đổi lại, Nga tuyên bố phát triển thành công dự án Izdeliye 53 - thế hệ Lancet mới sẽ triển khai theo bầy đàn, trao đổi thông tin, phát hiện và tấn công độc lập các mục tiêu khác nhau.
"Đó là một kịch bản đáng sợ có thể khiến một số nhà hoạch định quân sự phương Tây mất ngủ nhiều đêm", ấn phẩm Neue Zürcher Zeitung kết luận.
Để chống lại máy bay không người lái cảm tử như Lancet, việc sử dụng các tổ hợp phòng không xem chừng chưa mang lại hiệu quả vì rất khó phát hiện cũng như bắn trúng vũ khí này.
Thay vào đó, đề xuất sử dụng những hệ thống tác chiến điện tử tạo ra "bong bóng chống tiếp cận" quanh mục tiêu cần bảo vệ tỏ ra đáng để quan tâm hơn và cần được thử nghiệm trong khoảng thời gian sắp tới.