Máy bay ném bom hạng nặng của Nga có thể không cất cánh được vì vướng trừng phạt
Là máy bay chiến đấu lớn đầu tiên của Nga trong nhiều thập kỷ, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược PAK-DA cuối cùng cũng có thể chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm vào năm 2024. Tuy nhiên, hy vọng của các nhà thiết kế và kỹ sư Nga có thể bị các lệnh trừng phạt dập tắt.
Theo trang Popular Mechanics, chương trình PAK-DA của Nga bắt đầu vào năm 2009, khi Nga tổ chức một cuộc thi thiết kế máy bay ném bom tầm xa mới. Tupolev, một đơn vị thiết kế máy bay có trụ sở tại Moskva, đã giành chiến thắng trong cuộc thi. Tupolev đã thiết kế toàn bộ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Nga, trong đó có cả máy bay ném bom Tu-95, Tu-22M3 và Tu-160.
Cả ba máy bay ném bom trên ra mắt từ những năm 1960 đến 1980, đều là những thiết kế cũ, lỗi thời. Tu-95 sử dụng bốn động cơ dẫn động bằng cánh quạt. Tupolev đã thiết kế máy bay ném bom này trước khi thế giới nghĩ tới tính năng tàng hình. Do đó, máy bay bị hạn chế và chỉ mang tên lửa hành trình, phóng bên ngoài tầm radar của đối phương. Máy bay này gần giống với máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Tu-22M3 sử dụng cánh xoay có hình dạng thay đổi và có thể mang cả bom không dẫn đường và tên lửa hành trình. Tu-160 là loại máy bay ném bom cỡ lớn có cánh xoay, được chế tạo với các đặc tính tàng hình khiến nó trở thành một đối thủ ngang hàng với máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ.
Nga không có loại tương đương với B-2 Spirit - máy bay ném bom tàng hình Mỹ ra mắt năm 1988.
Theo tạp chí Aviation Week & Space Technology, PAK-DA được thiết kế để vượt lên trước B-2 và cạnh tranh trực tiếp với máy bay ném bom B-21 Raider sắp ra mắt. Máy bay ném bom này sẽ là thiết kế cánh bay đầu tiên của Nga. Máy bay sẽ nặng 145 tấn khi cất cánh, có thể mang theo vũ khí nặng tới 30 tấn. Trong khi đó, B-2 Spirit có trọng tải cất cánh tối đa là 150 tấn và có thể mang tới 40 tấn vũ khí.
PAK-DA sẽ có tầm bay gần 15.000km, trong khi máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit có tầm chiến đấu hơn 10.000km. Nga có ít máy bay tiếp liệu trên không để hỗ trợ các nhiệm vụ tầm xa, điều này đòi hỏi tầm bay của máy bay phải đủ xa để có thể quay trở lại Nga mà không cần tiếp nhiên liệu. Khi về điểm xuất phát, các máy bay ném bom có thể được trang bị lại vũ khí và tiếp liệu cho nhiệm vụ tiếp theo. Máy bay ném bom Mỹ được hỗ trợ lớn từ máy bay tiếp liệu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tầm xa, cho phép các nhà thiết kế ưu tiên tải trọng hơn nhiên liệu.
Nga có kế hoạch trang bị cho máy bay PAK-DA 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-BD mới. Giống như PAK-DA, Kh-BD đã được phát triển trong nhiều năm mà không có tiến bộ cụ thể nào. Các tên lửa này, giống như tên lửa hành trình Kh-101 thế hệ hiện nay, sẽ mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Chúng cũng sẽ có tầm bắn xa hơn cả Kh-101. Tầm bắn của Kh-101 là gần 5.500km - tầm bắn xa nhất trên thế giới đối với tên lửa hành trình.
Nga cần Kh-BD, vì có những dấu hiệu Kh-101 không hiệu quả như người ta tưởng. Các tên lửa Kh-101 có độ quan sát thấp, có nghĩa là chúng được chế tạo với một số tính năng tàng hình để giảm khả năng bị phát hiện.
Bất chấp những đặc điểm này, quân đội Ukraine tuần trước tuyên bố rằng họ đã bắn hạ 7 trong số 8 chiếc Kh-101 được phóng từ một máy bay ném bom. Các tên lửa Kh-101 cũng có tỷ lệ hỏng hóc cao. Điều này cho thấy rõ ràng PAK-DA cần tên lửa hành trình mới và hiệu quả trong chiến đấu.
Việc phát triển máy bay ném bom mới của Nga đã gặp khó khăn ngay cả trước xung đột ở Ukraine và quá trình này có thể đi vào bế tắc. Các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga và những lệnh trừng phạt đó sẽ không sớm được dỡ bỏ. Suy giảm kinh tế chắc chắn sẽ làm giảm ngân sách quốc phòng của Nga và Nga sẽ buộc phải ưu tiên trang thiết bị hiện có hơn phát triển vũ khí mới.
Các lệnh trừng phạt quốc tế cũng sẽ làm giảm khả năng chế tạo máy bay và tên lửa mới của Nga. Theo tình báo Ukraine, tên lửa Kh-101 chứa các bộ phận mà các công ty công nghệ Mỹ chế tạo, như Texas Instruments, Cypress Semiconductor, Infineon Technologies, Intel và Micron Technology.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ phương Tây đã loại Nga ra khỏi thị trường vi mạch để tuân thủ chế độ trừng phạt. Để giải quyết tình hình, tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã bắt đầu lấy vi mạch của máy giặt và tủ lạnh để sử dụng trong sản xuất vũ khí mới.
PAK-DA có khởi đầu đầy sóng gió và cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến máy bay này khó cất cánh.
Đây sẽ là tin xấu với lực lượng máy bay ném bom của Nga. Phi đội máy bay ném bom Tu-95, Tu-22 và Tu-160 hiện có đã cũ và cần được thay thế. Nếu không thể có máy bay thay thế, Nga sẽ phải từ bỏ máy bay ném bom trong bộ ba hạt nhân của mình.
Máy bay ném bom hạng nặng cũng là một dấu hiệu thể hiện vị thế cường quốc. Chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc là có thể triển khai. Nếu Nga không tìm ra cách nào đó để “cứu” dự án máy bay ném bom của mình, câu lạc bộ cường quốc có thể trở ít thành viên hơn vào những năm 2040.