Máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh Tu-160 của Nga đáng sợ như thế nào?
Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nga là một trong ba quốc gia có bộ ba hạt nhân, có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân từ đất liền, biển và trên không.
Ra đời
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, khi tình báo Liên Xô có thông tin người Mỹ đã bắt đầu phát triển máy bay ném bom chiến lược B-1 “Lancer”, giới lãnh đạo Liên Xô vô cùng lo lắng, và ngay lập tức ngân sách quân sự đã được cấp để phát triển một cỗ máy bay chiến lược mang vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó đã giao nhiệm vụ phát triển cho hai phòng thiết kế Sukhoi và Myasishchev. Phòng thiết kế Tupolev đã không tham gia vào quá trình phát triển.
Tuy nhiên, sau đó, bản phác thảo thiết kế, mô hình từ cả hai phòng thiết kế (Myasishchev M-18 và Sukhoi T-4) đã được chuyển đến Tupolev để xem xét. Lấy dự án Myasishchev M-18 làm cơ sở, các kiến trúc sư tại Tupolev sửa đổi và ngày 19/12/1981, Tu-160 “Thiên Nga Trắng” (ký hiệu của nhà sản xuất “aircraft 70” hay “product K”; định danh NATO Blackjack) có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Tu-160 có chiều dài 54,1 m, sải cánh 55,70 m (xòe - nghiêng 20°) và 35,60 m (cụp - nghiêng 65°), chiều cao 13,10 m, trọng lượng rỗng 110.000 kg, trọng lượng có tải 267.600 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 275.000 kg, trần bay 16 km, kíp bay 4 thành viên. Tổng số có 36 chiếc (trong đó có 9 nguyên mẫu) được sản xuất.
Tupolev Tu-160 được thiết kế để sử dụng các loại vũ khí hạt nhân và thông thường, chống những mục tiêu của đối phương ở những khu vực xa xôi. Nhưng không giống như loại máy bay Mỹ là Boeing B-1 Lancer, Tu-160 chưa từng tham gia các chiến dịch quân sự. Từ cuối thập kỷ 80 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tupolev Tu-160 thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tầm xa tại Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhưng không mang theo vũ khí. Ngày 30/12/2005, theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, Tu-160 chính thức được đưa vào sử dụng trong Không quân - Vũ trụ Liên bang Nga và ngày 17/8/2007 - tiếp nối những chuyến tuần tra thời Chiến tranh Lạnh.
Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn
Tu-160 là máy bay ném bom phản lực mang tên lửa rất độc đáo - là máy bay quân sự lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới có khả năng thay đổi hình dạng cánh (với góc nghiêng tùy chọn từ 20° tới 65°) và cũng là máy bay ném bom nhanh nhất, có trọng lượng cất cánh lớn nhất từng được đưa vào sử dụng. Trong khi B-1 sơn màu đen để hấp thụ sóng radar, Tu-160 sơn màu trắng để chống lại các tia phóng xạ phát ra khi một vụ nổ hạt nhân ở gần.
Nếu so sánh Tu-160 với đối thủ chính là máy bay ném bom phản lực B-1B Lancer, sẽ thấy cả hai đều có thân máy bay, cánh thay đổi và vị trí đặt động cơ giống nhau. Nhưng Thiên Nga dài hơn gần 10 mét và cao hơn 3 mét so với “đồng nhiệm” Mỹ. Tu-160 mang đến 148 tấn nhiên liệu (so với 88,5 tấn của B-1) - có thể hoạt động 15 giờ và bay xa trên 15.000 km, và được trang bị hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động.
B-1 được trang bị 4 động cơ General Electric F101-GE-102, còn Tu-160 dùng 4 động cơ NK-32. Sức mạnh của động cơ Tu-160 cho phép đạt tốc độ 2.200 km/h hoặc 2,08 M ở độ cao lớn, với trọng lượng cất cánh tối đa đạt 275 tấn, trong khi tốc độ tối đa của B-1B Lancer chỉ là 1,2 M (một số máy bay ném bom như XB-70 Valkyrie hoặc Sukhoi T-4 có vận tốc cao hơn, nhưng chúng chỉ là mẫu máy bay thử nghiệm chứ không được đi vào sản xuất như Tu-160).
Tải trọng chiến đấu của Tu-160 là 45 tấn, còn của B-1B là 34 tấn trong khoang chứa bom phía sau và 22 tấn trên các giá treo bên dưới cánh. Có vẻ như B-1B có ưu thế, nhưng không phải như vậy - thiết kế khoang chứa bom phía sau của máy bay Mỹ không phù hợp cho các nhiệm vụ chiến đấu; khi treo bom lên các giá treo dưới cánh, hiệu suất bay của máy bay giảm mạnh. Tu-160 được trang bị một radar tấn công (“Obzor-K”, định danh NATO ”Clam Pipe”) và một radar theo dõi mặt đất ”Sopka” riêng biệt, khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp; một máy ngắm ném bom quang điện, và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.
Bán kính chiến đấu bình thường của Tu-160 là 7.600 km, phạm vi bay tối đa 14.000 km (khoảng cách từ Moscow đến Washington qua Bắc Cực chỉ là 6.750 km). B-1B có bán kính chiến đấu 5.543 km và tầm bay tối đa 13.500 km. Máy bay Mỹ có trần bay cao hơn vài km và di chuyển trên mặt đất nhanh hơn. Nhưng Tu-160 không đặt ra yêu cầu như vậy, vì nó mang tên lửa hành trình (Kh-55, tầm bắn trên 2.500 km) vì vậy, khả năng đó không có ý nghĩa.
Hồi sinh
Đáng buồn, Nga chỉ có 16 chiếc Tu-160 đang hoạt động do việc cắt giảm vũ khí trang bị trong giai đoạn trước khi Liên Xô sụp đổ, trong khi Mỹ có ít nhất 61 chiếc. Đáng nói, khi Liên Xô sụp đổ, 19 cỗ máy bay này nằm trên lãnh thổ Ukraine, và chỉ 6 trong số đó hoạt động bình thường. Với đất nước Ukraine mới chia tách, duy trì và bảo dưỡng máy bay là điều không thể khi một chuyến bay huấn luyện, nó cần được nạp khoảng 40 tấn nhiên liệu. Nga đã đề nghị mua lại chúng với giá 3 tỷ USD, tuy nhiên, Ukraine từ chối vì quá “bèo bọt”, đòi 8 tỷ USD.
Ukraine ký một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó, nước này có nghĩa vụ thanh lý máy bay bằng tiền Mỹ với mức giá 1 triệu USD/chiếc. Mỹ sau đó có ý định mua 3 chiếc Tu-160 từ Ukraine, nhưng Nga phản đối và đồng ý xóa khoản nợ khí đốt 285 triệu USD để lấy số máy bay còn lại. Kết quả là phi đội không quân Nga được bổ sung 8 chiếc Thiên Nga Trắng. Có một tình tiết là Naftogaz, đã không chuyển tiền cho Bộ Quốc phòng Ukraine trong một thời gian dài, và bộ này chỉ có thể nhận được tiền sau một loạt vụ kiện cáo, và thậm chí nhận không đủ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc sản xuất Tu-160 đã bị đình chỉ, nhiều dây chuyền sản xuất và công nghệ đã bị mất. Nhưng trong những năm qua, Nga đã không ngừng khôi phục năng lực của mình và đã có thể làm chủ công nghệ tạo ra những cỗ máy độc đáo này. Dù Tu-160 được thiết kế để giảm khả năng bị cả radar và các hệ thống hồng ngoại phát hiện, nó không phải là một máy bay tàng hình.
Các nguồn tin Nga tuyên bố rằng nó có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ hơn chiếc B-1B, nhưng điều này chưa từng được kiểm chứng độc lập, và có lẽ là không đúng bởi vì chiếc Tu-160 có cửa hút khí và diện tích cánh lớn hơn. Tuy nhiên, theo báo chí Nga ngày 25/4/2006, Tu-160 có khả năng xâm nhập bầu trời Bắc Mỹ mà không bị phát hiện, dẫn đến một cuộc điều tra của NATO.
Không quân Nga đã có kế hoạch nâng cấp 5 chiếc Tu-160 mỗi năm, các thay đổi được thông báo bao gồm: hệ thống điện tử toàn kỹ thuật số, dự phòng nhiều lớp, chịu được bức xạ hạt nhân và neutron; hỗ trợ hoàn toàn việc lái và dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS; động cơ NK-32 nâng cấp nhằm tăng độ tin cậy (sử dụng động cơ NK-32 mới, cho phép Tu-160M tăng thêm 1.000 km hành trình); mang được tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân hoặc phi hạt nhân (Kh-55) dẫn đường bằng GLONASS; mang được tên lửa phóng vệ tinh dân dụng hay quân sự; mang được bom dẫn đường bằng laser; radar phát xạ tiên tiến xuyên qua được lớp ngụy trang.
Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shoigu cho rằng cần phải tiếp tục sản xuất Tu-160, và năm 2017, Nhà máy Hàng không Kazan đã khôi phục hoàn toàn công nghệ và bắt đầu sản xuất chúng. Trong những năm tới, Nga có kế hoạch chế tạo và đưa vào vận hành tới 50 máy bay như vậy. Máy bay Tu-160 nâng cấp từ những chiếc máy bay cũ có mã hiệu Tu-160M, còn máy bay lắp ráp mới sẽ có tên mã Tu-160M2. Không quân Nga dự kiến nâng cấp 15 máy bay Tu-160M, chế tạo mới 10 máy bay Tu-160M2 trước năm 2027./.