Máy bay Nga 'gãy cánh giữa trời' chỉ vì một phát bắn có giá 1 USD?
Không cần đến đạn pháo hay tên lửa, chỉ tốn 1 USD cho một phát bắn, thứ vũ khí này đang trở thành mối đe dọa lớn nhất của Nga.
Vũ khí 1 USD
Bước vào kỷ nguyên hiện đại, vũ khí laser trong các bộ phim khoa học viễn tưởng đã trở thành thứ được quân đội Mỹ sử dụng phổ biến.
Tại sao lại cần đến vũ khí laser khi quân đội đã có đạn pháo và tên lửa thông thường? Câu trả lời trên thực tế rất đơn giản, vũ khí laser có lợi thế hơn các loại vũ khí nói trên ở một số điểm, đó là rẻ tiền và sử dụng được nhiều lần.
Mục đích chính của các hệ thống laser được thiết kế chống lại máy bay không người lái UAV, đạn pháo, mìn và thậm chí cả tên lửa hành trình của đối phương.
Mary Miller, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Nghiên cứu và Phát triển, xác nhận rằng sự phát triển của chúng là ưu tiên của Lầu Năm Góc: “Một lần bắn laser tương đối rẻ. Chúng là giải pháp thay thế cho một tên lửa dẫn đường trị giá hàng triệu đô la”.
Điều này xuất phát từ việc để bắn hạ những chiếc máy bay không người lái đang thống trị chiến trường trong những năm gần đây là điều đắt đỏ. Quân đội Mỹ buộc phải tính đến thực tế là cả Trung Quốc và Nga hiện đều có các UAV tấn công và trinh sát.
Ngoài ra, Mỹ cũng thường xuyên bị tấn công bằng súng cối và rocket ở Iraq và Afghanistan. Một hệ thống phòng không dựa trên việc sử dụng tia laser chiến đấu đang rất được quan tâm. Người ta ước tính rằng chi phí cho một lần bắn chỉ là 1 USD. Con số không thể nào tuyệt vời hơn.
Theo Topwar, Mỹ đã phát triển theo hướng đi này từ lâu. Năm 2010, Kratos Defense & Security Solutions bắt đầu thực hiện dự án Hệ thống Vũ khí Laser (LaWS) cho hải quân Mỹ.
Hai năm sau, hệ thống tia laser chiến đấu đã có thể bắn trúng mục tiêu trên không. Kể từ năm 2014, một hệ thống laser 30 kW đã được thử nghiệm trên tàu USS Ponce ở Vịnh Ba Tư.
Năm ngoái, tại Thái Bình Dương, một UAV đã bị tiêu diệt thành công từ tia laser có công suất ước tính 150 kW từ tàu đổ bộ USS Portland. Và vào năm 2021, hệ thống phóng tia laser Lockheed Martin HELIOS đã được lắp đặt để thử nghiệm trên tàu USS Preble.
Mỹ đang tích cực phát triển vũ khí laser tiên tiến có thể chống lại máy bay không người lái, tên lửa và tàu thuyền nhỏ. Nhưng Lầu Năm Góc không có ý định chỉ giới hạn việc sử dụng chúng cho các tàu sân bay cỡ lớn trên biển.
Song song với đó, một cuộc thử nghiệm hệ thống phòng không laser 5 kW cũng được tiến hành trên các xe chiến đấu Stryker. Năm 2017, tại khu huấn luyện quân sự Fort Sill, hệ thống tia laser MEHEL đã bắn trúng mục tiêu trên không.
Người Mỹ khẳng định rằng các hệ thống phòng không như vậy có khả năng bắn hạ các máy bay không người lái cỡ vừa và nhỏ. Đồng thời, MEHEL hoạt động rất yên tĩnh và có thể lắp đặt đồng thời hệ thống laser và radar trên một xe bọc thép trong việc phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Có lẽ hạn chế duy nhất của một tổ hợp phòng không như vậy là điều khiển sức mạnh cường độ cao của tia laser trong việc tiêu diệt mục tiêu. Chùm tia của nó hoạt động giống như một mỏ đèn hàn, làm tan chảy bề mặt của UAV hoặc tên lửa, gây ra vụ nổ nhiên liệu hoặc phá hủy hệ thống điều khiển.
Kíp vận hành cũng cần phải tập trung vào một điểm cụ thể trong vài giây, điều này không hề dễ dàng với các mục tiêu đang bay. Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, người Mỹ đã đi một con đường khác biệt.
Theo Popular Mechanics, một loại laser xung siêu ngắn chiến thuật - USPL (Ultrashort Pulse Lasers) được phát triển cho quân đội Mỹ có khả năng tạo ra một xung năng lượng với công suất 1 terawatt trong khoảng thời gian 200 femto giây.
Không giống như các loại laser xung dài thông thường, tia laser mới này không chỉ có thể tiêu diệt một mục tiêu vật lý đang bay và còn làm mù các cảm biến của nó, cũng như tạo ra nhiễu điện từ cục bộ.
Tức là về bản chất, USPL sẽ hoạt động như một quả bom điện từ định hướng, gây quá tải và phá hủy các thiết bị điện tử. Ngay cả khi tia laser chiến đấu không có đủ thời gian để đốt cháy UAV hoặc tên lửa hành trình và các cảm biến điều khiển của nó, một xung điện từ cục bộ sẽ vẫn đảm bảo hoàn thành công việc.
Với những tính năng trên, tia laser chiến đấu của Mỹ là một mối đe dọa đối với máy bay không người lái non trẻ của Nga.
Tia laser chiến đấu của Nga
Kể từ năm 2017, Nga đã nghiên cứu tia laser chiến đấu của riêng mình có tên "Peresvet", và kể từ năm 2018, chúng đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thử nghiệm.
Hầu hết thông tin về các hoạt động này vẫn còn bí mật, nhưng có thông tin cho rằng tổ hợp laser này tiêu thụ rất nhiều năng lượng và để tạo nên tính cơ động cho nó vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Tia laser chiến đấu hiệu quả nhất trong điều kiện thời tiết tốt, trong khi sương mù, tuyết và mưa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nó. Năm 2020, Peresvet đã được thử nghiệm ở Syria. Có thể, trong tương lai, một hệ thống phòng không dựa trên tia laser chiến đấu sẽ được sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga.
Rõ ràng, hệ thống laser của Nga cần được cải tiến hơn nữa để tính đến những thách thức mới của thời đại.