Máy bay tiếp dầu - 'Gót chân Achilles' của không quân Mỹ trước hệ thống phòng không Nga?
Không quân Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng máy bay tiếp nhiên liệu trên không, đồng thời đây cũng là mục tiêu rất dễ phát hiện trước hệ thống phòng không của Nga.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Học viện Quân sự Mỹ (USMA), tuổi thọ trung bình của những máy bay tiếp dầu hiện nay của Mỹ như KC-10 Extender và KC-135 Stratotanker là 52 năm. Trong đó, những chiếc KC-10 Extender được đưa vào trang bị cho quân đội từ những năm 1981, vẫn có thể tiếp tục hoạt động được. Còn những chiếc KC-135 Stratotanker được sản xuất từ những năm 1954 và 1965, thì đã đến lúc "hết date".
Hoạt động tìm kiếm phương tiện thay thế cho những máy bay tiếp dầu đã lỗi thời đã được Lầu Năm Góc tiến hành cách đây 20 năm.
Từ năm 2001, Mỹ đã khởi động dự án KC-X và dự án KC-Y. Trong đó KC-X là dự án phát triển máy bay tiếp dầu thay thế cho dòng KC-135 Stratotanker, KC-Y là dự án phát triển máy bay tiếp dầu thay thế cho KC-10 Extender.
Năm 2011, hãng Boeing nhận được hợp đồng thực hiện dự án KC-X, đã phát triển máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus dựa trên nền tảng của máy bay trở khách Boeing 767. Theo thiết kế, trọng tải của KC-46 là 96 tấn nhiên liệu (nhiều gấp đôi so với KC-135), phiên bản mới KC-46 Pegasus được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như kính 3D chuyên dụng – đơn giản hóa việc tiếp nhiên liệu trên không.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng chiều theo lòng người. Giới truyền thông đã khẳng định những máy bay tiếp dầu mới của hãng Boeing KC-46 Pegasus là những sản phẩm không đảm bảo độ tin cậy. Đội ngũ phi công phàn nàn, các thiết bị trên KC-46 Pegasus bị rung lắc và từ chối lên những chiếc máy bay này. Việc thiết bị bị rung lắc sẽ làm máy bay mất độ ổn định và dễ dẫn đến tai nạn hàng không.
Thiết kế ống tiếp nhiên liệu không đạt yêu cầu suýt chút nữa đã gây nguy hiểm cho chiếc tiêm kích ném bom F-15E Strike Eagle (Đại bàng tấn công). Nguyên nhân được cho là ống tiếp dầu quá cứng, máy bay tiếp dầu quá tải, giảm khối lượng nhiên liệu mang theo.
Mỹ đã bỏ ra 55 triệu USD để khắc phục sự cố này. Việc cung cấp máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus cho quân đội sẽ bị chậm lại ít nhất là đến năm 2024. Thời gian hoàn thành dự án KC-X và KC-Y cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài việc tăng cường số lượng máy bay tiếp dầu, các chuyên gia của Học viện Quân sự Mỹ cho rằng, Washington cần phải xây dựng nhiều sân bay quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tiếp nhận máy bay hạng nặng và tích trữ nhiên liệu.
Đặc biệt, các chuyên gia này lưu ý phải đề phòng hệ thống phòng không tối tân của Nga và Trung Quốc hiện nay. Lý do bởi máy bay tiếp dầu là mục tiêu rất dễ phát hiện trước hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt là hệ thống S-400 và máy bay đánh chặn Mig-31.
Một lí do nữa khiến không quân Mỹ lo ngại là khi tiếp nhiên liệu trên không cho tiêm kích thế hệ 5, như F-22 hoặc F-35, thì những tiêm kích tàng hình này sẽ mất khả năng tàng hình. Như vậy, hệ thống phòng không của Nga có thể dễ dàng thực hiện "một mũi tên bắn trúng hai hoặc ba con thỏ".
Hiện nay Mỹ đang phát triển máy bay tàng hình tiếp nhiên liệu trên không, trong đó có cả máy bay không người lái. Nhưng chưa biết khi nào quân đội Mỹ mới được trang bị những vũ khí này.
Những phân tích trên của các chuyên gia thuộc Học viện Quân sự Mỹ vô tình đã làm lộ "gót chân Achilles" của không quân Mỹ.