Sử dụng thiết kế cánh quạt lật độc đáo, có thể quay khoảng 90 độ khi hoạt động, chiếc V-22 Osprey về cơ bản là sự kết hợp giữa máy bay cánh bằng với trực thăng.
Đặc biệt linh hoạt, V-22 có thể thực hiện cả cất - hạ cánh thẳng đứng lẫn sử dụng đường băng thông thường, kết hợp tiện ích của trực thăng với vận tốc và tầm hoạt động của máy bay động cơ phản lực cánh quạt.
V-22 cất cánh - hạ cánh ở “chế độ trực thăng” với khối động cơ đặt theo chiều dọc và cánh quạt di chuyển nằm ngang. Khi bay hành trình, kết cấu này được đẩy về phía trước một góc 90 độ cho đến khi chúng định vị giống như một máy bay truyền thống (quá trình này mất khoảng 12 giây).
Nguồn gốc của V-22 nằm ở một trong những sự kiện chính trị và quân sự ám ảnh nhất của nước Mỹ hiện đại: Chiến dịch Eagle Claw năm 1980 nhằm giải cứu các nhân viên người Mỹ bị giữ tại Đại sứ quán ở Iran. Chiến dịch thất bại khi một trực thăng gặp trục trặc kỹ thuật.
Đó không chỉ là một chiếc trực thăng duy nhất gặp sự cố như trong vụ đột kích ám sát trùm khủng bố Osama bin Laden; trong chiến dịch Eagle Claw, 3 trong số 8 máy bay lên thẳng bị trục trặc - cho thấy rõ ràng Mỹ đang vận hành chúng với những công nghệ thiếu sót.
Trong khi chỉ cần 4 trực thăng để hoàn thành Chiến dịch Eagle Claw, các quan chức lại cho rằng nhiệm vụ sẽ bị hủy bỏ nếu có ít hơn 6 trực thăng. Chính vì vậy khi chỉ còn lại 5 máy bay, hoạt động đã bị đình chỉ.
Các nhà hoạch định chiến tranh lấy làm tiếc cho Eagle Claw. Nhưng bài học đã được rút ra. Trong những năm 1980, Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai chương trình JVX nhằm tạo ra một chiếc máy bay có thể thực hiện sứ mệnh tương tự Eagle Claw.
Hai gã khổng lồ Bell và Boeing đã hợp tác để thực hiện chương trình JVX. Bell - nhà chế tạo trực thăng đã nghiên cứu về cánh, khối động cơ, rotor, hệ thống truyền động, bề mặt đuôi và đoạn đường dốc phía sau.
Trong khi đó, Boeing - hãng có một số chứng chỉ về trực thăng nhưng chủ yếu được biết đến với máy bay cánh cố định phụ trách thiết kế phần thân, buồng lái, hệ thống điện tử hàng không và điều khiển trong chuyến bay.
Tuy nhiên thiết kế V-22 - một công nghệ mới - không phải lúc nào cũng là một quá trình suôn sẻ. Nhiều khoản tiền đã được chi tiêu, thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney đã muốn khai tử chương trình. Osprey chỉ được hồi sinh khi Tổng thống Clinton nhậm chức.
Bất chấp tình trạng khó khăn, chương trình V-22 vẫn tồn tại suốt những năm 1980 và đến thập niên 1990 - mặc dù chậm tiến độ nhưng vẫn tiếp tục tiến lên. Khi quá trình bay thử nghiệm diễn ra, các nhà chức trách nhận thấy nó thực sự có nhiều vấn đề.
V-22 rất nguy hiểm khi hoạt động và cực kỳ tốn kém để sản xuất; Sau hai thập kỷ phát triển, chiếc Osprey cuối cùng đã được chấp nhận cho đi vào hoạt động trong thế kỷ XXI. Nhưng máy bay cánh quạt lật liên tục gặp sự cố.
Năm 2000, tổng cộng 23 lính thủy đánh bộ Mỹ đã thiệt mạng khi hai chiếc V-22 gặp sự cố riêng biệt. Khuyến cáo được đưa như sau: "V-22 là một chiếc máy bay mà các phi công phải đặc biệt cẩn thận khi điều khiển".
Sự phức tạp và đầu tư cho việc thiết kế V-22 có lẽ không xứng đáng; Lầu Năm Góc gần đây đã thông báo rằng việc sản xuất đối với Osprey sắp kết thúc.
Bạch Dương