Máy chơi game cầm tay ngày càng đắt hàng tại Trung Quốc
Từng bị cấm ở Trung Quốc, máy chơi game cầm tay bắt đầu bùng nổ, trở thành thị trường trị giá 49 tỷ USD mà nhiều nhà đầu tư mong muốn chinh phục.
Suốt 14 năm, các máy chơi game của Sony, Microsoft và Nintendo đã bị cấm ở Trung Quốc. Sau cùng, lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 2014.
Thời điểm áp dụng lệnh cấm đã tạo bàn đạp cho những trò chơi trên máy tính hay điện thoại di động phát triển mạnh mẽ. Các nhà phát triển trò chơi điện tử Trung Quốc như Tencent và NetEase nỗ lực không ngừng để tạo ra những tựa game ăn khách trong bối cảnh lệnh cấm kéo dài hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, cục diện dường như đang thay đổi. Sony, Microsoft và Nintendo đều quyết định tung ra thế hệ máy chơi game mới tại Trung Quốc.
“Đối với thị trường toàn cầu, dòng máy chơi game điều khiển chiếm thị phần lớn, khoảng 30% doanh thu. Ở Trung Quốc, con số này chỉ chiếm 1%. Do đó, đây là cơ hội tiềm năng lớn cho các nhà phát triển trò chơi cầm tay”, CNBC dẫn lời Frank Mingbo Li - nhà sáng lập Studio Surgical Scalpel, một studio trò chơi do Tencent hậu thuẫn.
Theo công ty tình báo thị trường Niko Partners, thị trường phần cứng và phần mềm máy chơi game cầm tay tại Trung Quốc đạt 1,84 tỷ USD vào năm 2020. Dự kiến tới năm 2025, thị trường này sẽ đạt 2,46 tỷ USD.
Newzoo cho biết thị trường trò chơi cầm tay toàn cầu dự kiến đạt doanh thu 49,2 tỷ USD, chiếm 28% thị phần trên thị trường trò chơi toàn thế giới.
“Mặc dù máy chơi game bị cấm từ năm 2000 đến năm 2014, chúng tôi nhận thấy nhu cầu về loại trò chơi này ở Trung Quốc vẫn lớn, thậm chí ở thị trường ở nước ngoài còn rộng lớn hơn”, Daniel Ahmad - chuyên gia phân tích cấp cao của Niko Partners - chia sẻ.
Ngay cả Tencent và NetEase cũng đang để mắt đến thị trường máy chơi game cầm tay.
Năm 2019, NetEase ra mắt trò chơi trang phục ở Montreal (Canada) với mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế và thiết lập một studio trò chơi ở Nhật Bản dành riêng cho sản xuất trò chơi cầm tay.
Phó chủ tịch NetEase Hu Zhipeng nhận xét thị trường máy chơi game cầm tay là “khá hấp dẫn”. “Sakura Studio của chúng tôi ở Nhật Bản và Montreal chuyên phát triển các trò chơi trên hệ máy cầm tay bởi dòng máy này chiếm 1/3 thị phần nước ngoài”, ông khẳng định.
Tencent cũng rục rịch bắt tay vào lĩnh vực trò chơi cầm tay. Theo báo cáo của Niko Partners công bố hồi tháng 5, “gần một nửa trong số 51 khoản đầu tư của Tencent trong năm 2021 là vào các công ty có kinh nghiệm phát triển trò chơi trên máy tính và bảng điều khiển cầm tay”. Đặc biệt, phần lớn các công ty này đều đến từ Trung Quốc.