Mây hồng trên biển Trường Sa
Làm việc ở Tiền Phong, tôi được tham gia vào nhiều phần việc, sự kiện rất xúc động liên quan đến thương binh, liệt sĩ.
Đó là lần gần trưa ngày 23/11/2014, nắng gắt, đoàn của báo Tiền Phong, đối tác Sen Vàng và các thí sinh chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2014 hạ cánh xuống sân bay ở đảo Phú Quốc và đến thẳng Nghĩa trang Liệt sĩ trên đảo. Tôi đã nói với tất cả mọi người: “Ở đây có gần 3.000 ngôi mộ đơn và tập thể, nơi yên nghỉ của 3.700 liệt sĩ tù Phú Quốc. Trời rất nắng nhưng chúng ta không được bỏ sót việc cắm hương trên bất kỳ ngôi mộ nào”. Và chúng tôi đã cắm hương cho đến ngôi mộ cuối cùng.
Đó là buổi tối giao lưu nghệ thuật “Ánh lửa từ trái tim” mà Tiền Phong chủ trì ngày 14/7/2017. Khi đó, báo đã mời 100 thương binh nặng đang được chăm sóc nuôi dưỡng suốt đời từ 9 trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công từ Bắc Giang đến Nghệ An về thăm Hà Nội, báo công trước Lăng Bác và giao lưu với 2.000 sinh viên các trường đại học đang được huấn luyện quân sự tại Trung tâm Đào tạo Quốc phòng – An ninh ĐH Quốc gia Hà Nội. Một cuộc giao lưu mà MC Hồng Nhung của Đài Truyền hình Việt Nam và tôi dẫn chương trình. Nhiều thời điểm, người trên sân khấu và rất đông người ngồi dưới đều khóc.
Đó là cảnh tượng kỳ vĩ, xúc động đến nghẹn ngào vào tối ngày 23/7/2018, khi 11.000 ngọn nến và từng ấy nữa nén hương được các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2018 với sự giúp sức của 500 đoàn viên, thanh niên Nghệ An thắp lên trên 11.000 ngôi mộ liệt sĩ có tên và vô danh trong Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Một biển những đốm lửa lung linh rọi vào tim những người chứng kiến ánh sáng của những con người từ quá khứ hào hùng của dân tộc.
Hay chỉ đơn giản là trong một lễ bàn giao ngôi nhà tình nghĩa nho nhỏ mà báo Tiền Phong vận động chút kinh phí hỗ trợ ở Yên Bái, nữ cựu Thanh niên Xung phong được hỗ trợ không nói được lời nào, người họ hàng đại diện phát biểu: “Số tiền các anh chị ủng hộ chỉ là một phần chi phí của ngôi nhà này thôi, nhưng nếu không có thì chị tôi cũng không thể xây nhà được” rồi bật khóc.
Còn nhiều, còn nhiều những thí dụ như thế nữa.
Mới đây nhất, ngày 27/6/2022, tôi được tham gia vào, hay nói chính xác hơn là được chứng kiến từ khoảng cách một vài trăm mét Lễ tưởng niệm và thả hoa trên biển Trường Sa cho các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma.
Tham gia đoàn công tác đến gần 200 người trong đó có 40 nhà sư do Quân chủng Hải quân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Doanh nghiệp Xuân Trường tổ chức có hai người từ báo Tiền Phong là Trần Tuấn – trưởng ban Miền Trung của báo và tôi. Tối hôm trước khi làm lễ, Trần Tuấn, vốn đã lấy của con trai cái máy Leica hiện đại mang đi bỗng nói với tôi: “Em nhường cho anh xuống xuồng với phóng viên ảnh để trải nghiệm cảnh thả hoa cho liệt sĩ Gạc Ma từ dưới biển lên. Chuyến đi trước em đã được xuống rồi”.
Thành thử, chiều tà hôm đó, giữa một dàn PV máy móc ống kính lỉnh kỉnh, tôi là người duy nhất xuống con xuồng thả từ tàu HQ 571 xuống biển Trường Sa với chỉ một chiếc điện thoại Iphone trên tay. Thực ra cũng có cái hay của nó vì với chiếc điện thoại thông minh có đến 3 camera, góc chụp ảnh rất rộng đó, tôi có thể vừa chụp ảnh rất nhanh vừa quay các clip.
Giữa ánh hoàng hôn với chân trời phía tây vàng rực, con tàu màu xám trắng đứng uy nghi trên biển mênh mông, mặt nước loang loáng ánh tà dương và vọng ra từ đó tiếng tụng kinh của 40 nhà sư, trong đó có những yếu nhân của Giáo hội. Một cảnh tượng tạc vào trí nhớ.
Chiếc xuồng di chuyển để chọn cho chúng tôi chỗ thuận tiện nhất. Trên boong dạo ở tầng thứ 5 trên cùng của con tàu, đoàn công tác đã tập hợp đông đủ. Áo cà sa đại lễ của các nhà sư vàng rực trên nền áo trắng của của các sĩ quan, chiến sĩ hải quân và các màu sắc khác của trang phục các đại biểu. Đứng dưới xuồng cách con tàu đôi ba trăm mét, chúng tôi không nghe, không nhìn thấy những gì diễn ra trên đó. Bỗng tiếng nhạc Hồn tử sĩ thoang thoảng vọng đến, tất cả phóng viên ảnh trên xuồng đều đứng thẳng dậy, trang nghiêm đứng hướng về phía tàu trong một phút mặc niệm thiêng liêng khác thường. Tiếp đến là tiếng tụng kinh của các nhà sư.
Giữa ánh hoàng hôn với chân trời phía tây vàng rực, con tàu màu xám trắng đứng uy nghi trên biển mênh mông, mặt nước loang loáng ánh tà dương và vọng ra từ đó tiếng tụng kinh của 40 nhà sư, trong đó có những yếu nhân của Giáo hội. Một cảnh tượng tạc vào trí nhớ.
Rồi các sĩ quan và các nhà sư chuyển vòng hoa, đồ lễ từ boong dạo theo các cầu thang sắt xuống. Một con rồng uốn lượn các bóng áo trắng của hải quân và áo vàng của các nhà sư, khúc đuôi là đoạn các màu khác của các thành viên đoàn công tác từ các tỉnh thành.
Xuống đến chỗ thả, đại tá Hồ Thanh Hoàn – Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác và Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng thả vòng hoa kết ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ xuống trước. Tiếp đến là 4 sĩ quan Hải quân cùng Hòa thượng Thích Thanh Điện – Ủy viên HĐ Trị sự, Chánh Văn phòng 1 của Giáo hội, ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc DN Xuân Trường, đơn vị phát tâm tu tạo 9 ngôi chùa ở Trường Sa thả đồ lễ xuống biển. Rồi mọi người thả những con hạc giấy màu trắng.
Con tàu rúc lên những hồi còi dài. Rồi nhạc buồn hòa lẫn tiếng mõ và tiếng tụng kinh của các nhà sư đứng vàng rực lan can các tầng tàu vang lên.
Mặt biển sẫm dần lại, ánh hoàng hôn lịm đi phía chân trời, buổi lễ trên tàu kết thúc, xuồng phóng viên của chúng tôi định trở về tàu thì bất ngờ, chân trời phía Tây bỗng nổi lên lung linh một một dải mây hồng tuyệt đẹp. Có lẽ buổi lễ của chúng tôi đã ứng nghiệm.
Nhìn những con hạc giấy trắng trôi trên biển, trong một giây tôi nhớ đến lần đến Công viên tưởng niệm ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ở đó có một chỗ để rất nhiều hạc giấy. Một cô bé Hiroshima chịu hậu quả rất nặng của vụ Mỹ ném bom nguyên tử biết mình không còn sống được bao lâu nữa đã ngày ngày gấp hạc giấy nguyện cầu cho hòa bình, trong lòng chỉ mong kịp gấp đủ 1.000 con. Nhưng thời gian còn lại của em là không đủ. Từ khắp nơi trên thế giới, cho đến tận ngày nay, người ta vẫn gấp hạc giấy và gửi về Hiroshima để làm tiếp công việc đang dang dở của cô bé nạn nhân xưa nguyện cầu cho hòa bình. Và lúc đó, những người lính hải quân Việt Nam, các nhà sư Việt Nam, những con dân nước Việt Nam có mặt trên tàu HQ 571 mặc dù ra biển với quyết tâm rất cao bảo vệ chủ quyền của đất nước những vẫn rất khát khao có hòa bình qua những con hạc giấy trắng thả xuống biển Trường Sa…
Xuồng của chúng tôi vòng lại để có thể chụp rõ đủ cả vòng hoa, chiếc bè đồ lễ và con tàu. Nhìn chiếc bè nhỏ để hoa, tiền vàng, bánh kẹo và nghi ngút khói hương, một người trong chúng tôi kêu khe khẽ: “Ai có thuốc lá châm thả vài điếu đi!”. Chúng tôi, ai cũng cố gắng chụp, ghi nhiều nhất hình ảnh con tàu như đang lặng lẽ trôi về phía hoàng hôn rực rỡ trên một mặt biển bao la hút mắt chân trời bốn phía, đằng sau nó là một vòng hoa cùng một bè đồ lễ dập dềnh trên sóng. Chúng tôi ai cũng hiểu đó là tấm lòng thành của thế hệ bây giờ gửi tới các liệt sĩ Gạc Ma hy sinh gần 35 năm trước và không chỉ có vậy, cũng là gửi tới tất cả những con dân nước Việt thuộc nhiều thời đại, nhiều chính thể khác nhau đã bỏ mình, đã vong thân để khẳng định, củng cố và bảo vệ chủ quyền của đất nước hoặc đơn giản chỉ vì mưu sinh trên các vùng biển đảo.
Mặt biển sẫm dần lại, ánh hoàng hôn lịm đi phía chân trời, buổi lễ trên tàu kết thúc, xuồng phóng viên của chúng tôi định trở về tàu thì bất ngờ, chân trời phía Tây bỗng nổi lên lung linh một một dải mây hồng tuyệt đẹp. Có lẽ buổi lễ của chúng tôi đã ứng nghiệm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/may-hong-tren-bien-truong-sa-post1456771.tpo