'Máy kiếm tiền' của Tập đoàn Bảo Sơn đang hoạt động ra sao?
Tới năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Thiên đường Bảo Sơn quay lại mốc nhỉnh 300 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng nên trong năm, doanh nghiệp đem về hơn 100 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tính trung bình mỗi ngày trong năm, Chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn 'bỏ túi' hơn 300 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư &Du lịch Nghi Tàm năm 1991. Trải qua 30 năm, Tập đoàn Bảo Sơn do ông Nguyễn Trường Sơn làm Chủ tịch hiện tại đã trở thành doanh nghiệp có tiếng khi Đầu tư kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn, khu resort, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, quỹ khuyến học, y tế....
Trong hệ sinh thái với hàng chục đơn vị thành viên mà Bảo Sơn Group tạo dựng, phải kể đến Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn và Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn. Theo giới đầu tư, đây là hai cỗ “máy kiếm tiền” của tập đoàn khi đem về nguồn thu thường xuyên từ các dịch vụ giải trí, du lịch và chăm sóc y tế, khám, chữa bệnh.
Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn (Công ty Thiên đường Bảo Sơn) được gắn liền với thương hiệu Thiên Đường Bảo Sơn. Trước đó, Tập đoàn Bảo Sơn gây chú ý khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.
Dự án này là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh, Hà Nội và được giới chủ Bảo Sơn kỳ vọng là cửa ngõ du lịch của thủ đô.
Công ty Thiên đường Bảo Sơn do bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1978, con gái doanh nhân Nguyễn Trường Sơn) đang là người đại diện pháp luật với chức vụ Tổng Giám đốc.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 - 2019, Công ty Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận doanh thu thuần từ 200 tỷ đồn tăng lên 303 tỷ đồng vào cuối năm 2019, lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.
Bước sang năm 2020, Công ty Thiên đường Bảo Sơn có doanh thu tăng vọt lên 374 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong năm 2020 cũng bám đuổi sát nút khi tiêu tốn của doanh nghiệp tới 293 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp chỉ báo lãi 36 tỷ đồng.
Tới năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Thiên đường Bảo Sơn quay lại mốc nhỉnh 300 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng nên trong năm, doanh nghiệp đem về hơn 100 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tính trung bình mỗi ngày trong năm 2021, Chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019 – 2021, quy mô của Công ty Thiên đường Bảo Sơn giảm từ mức 1.500 tỷ về hơn 950 tỷ đồng.
Ngoài Thiên đường Bảo Sơn, “gà đẻ trứng vàng” khác của Bảo Sơn Group là Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn với pháp nhân kinh doanh là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn (Công ty Bệnh viện Bảo Sơn).
Cấu trúc tỷ lệ sở hữu của Công ty Bệnh viện Bảo Sơn hiện tại gồm: Tập đoàn Bảo Sơn sở hữu gần 40%, ông Nguyễn Trương Sơn sở hữu gần 30 %, bà Nguyễn Thanh Thủy (con gái ông Sơn) sở hữu gần 15 %, bà Lê Thị Tuyết Hoa (vợ ông Sơn) sở hữu gần 2,4%. Đại diện pháp luật của Công ty cũng là con gái ông Nguyễn Trường Sơn – bà Nguyễn Thị Thu Hà với chức danh Giám đốc.
Trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, doanh thu thuần của Công ty Bệnh viện Bảo Sơn liên tục tăng giảm. Cụ thể, năm 2019 ở mức 55 tỷ đồng, năm 2020 vọt lên 71 tỷ đồng và giảm về mức 69 tỷ đồng. Lợi nhuận trong năm 2019 của bệnh viện âm gần 3 tỷ đồng và có đều lãi khoảng 7 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 202.
Liên quan đến hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, vào năm 2020, thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra hàng loạt vấn đề. Cụ thể, Về hồ sơ quản lý nhân lực, tại thời điểm thanh tra, Bảo Sơn có 157 nhân viên, trong đó có 107 nhân viên làm công tác chuyên môn các vị trí bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh... Tuy nhiên có 17 người không có chứng chỉ hành nghề gồm 6 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên, 2 nữ hộ sinh và 2 dược sỹ.
Tại kết quả kiểm tra thực tế 14 hồ sơ nhân lực thuộc Bảo Sơn cho thấy, 1 hồ sơ bác sỹ, 2 hồ sơ kỹ thuật viên được ký hợp đồng trước lúc có chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ 1 nữ hộ sinh, 2 kỹ thuật viên chưa có chứng chỉ hành nghề, Bảo Sơn đã ký hợp đồng thực hành nhưng chưa rõ là thực hành, còn hợp đồng lao động các điều khoản được thể hiện vị trí làm việc theo văn bằng chuyên môn, vi phạm Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Đặc biệt, hệ thống Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại bệnh viện này chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt và giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC theo quy định. Hồ sơ theo dõi và quản lý về PCCC chưa thay đổi phù hợp với người đứng đầu.
Cụ thể, giấy chứng nhận thẩm duyệt PCCC năm 2013, Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cấp cho Phòng khám đa khoa Bảo Sơn chứ không phải mô hình bệnh viện hiện tại.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế còn ghi nhận một số tồn tại khác tại BVĐK Bảo Sơn về bệnh án chữ viết xấu, tấy xóa, nhiều nội dung không đọc được. Một số bệnh án không thực hiện đánh số theo dõi thuốc hướng dẫn theo quy định, bác sỹ chỉ ký không ghi rõ họ tên. Phiếu ghi kết quả xét nghiệm cận lâm sàng dán trong bệnh án không có chữ ký của khoa xét nghiệm, nội soi hoặc có nhưng sử dụng photocopy là sai quy định. Bệnh cạnh đó, hồ sơ cũng không có chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng dán trong bệnh án.