May mà có Tết – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Ảnh minh họa: Internet
Ông Hòe chất đống lá dong lên xe đạp chở vòng vèo qua vài con phố về cất ở góc nhà chờ gói bánh tét. Bắt đầu từ hôm nay cả căn nhà rộng rãi này sẽ chỉ có mình ông cai quản cho đến khi Tết thực sự kết thúc. Vợ chồng đứa con trai năm nào cũng vậy chỉ thích ăn Tết ở ngoài. Chúng nói cả năm vất vả rồi, Tết là thời gian được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Thế là vali to, vali nhỏ kéo nhau lên đường. Năm thì tới đảo đón Tết, năm thì lên núi ngắm xuân. Chỉ mình ông già ở lại thờ cúng tổ tiên, trông coi nhà cửa. Những năm đầu mới vào đây ông không chịu nổi những ngày Tết đặc quánh cô đơn. Khi nhìn xung quanh chỉ thấy bốn bức tường không cây lá xôn xao, không bà con thân thuộc.
Thèm được nhào ra khoảng sân trước nhà quét lá mai, đuổi đàn gà, ngó xem gió đang hướng nào, mấy luống rau bao giờ ăn được. Mờ sáng đã thấy tiếng ông Sáu đứng trước cửa nhà xách theo xâu cá gạ nướng nhậu chơi. Cuộc nhậu đông dần, lai rai cho đến khi những bông mai gặp cái nắng vàng tươi là đua nhau rực rỡ. Thỉnh thoảng ông phải chống tay đứng dậy bỏ dở cái cụng ly với bạn nhậu để can thiệp vụ tranh xương của chó, mấy con gà mái giành ổ đẻ, mèo nhà đánh nhau với mèo hàng xóm.
Lũ trẻ con đã chán quấy rầy mấy ông già, rủ nhau ra tít ngoài ngõ chơi bi, đếm lì xì. Bạn nhậu về rồi ông ngồi tựa cửa hít gió căng lồng ngực. Tết vậy mới là Tết, mới đã đời làm sao. Giờ ngó quanh nhà chỉ thấy mấy bó lá dong mới mua ở chợ về, là hình như có chút gì của Tết. Mà quái lạ, sao giờ này vẫn chưa thấy bà Sửu qua chơi…
Nhà bà Sửu ở ngay đầu phố. Cũng là người ở quê vào Sài Gòn trông coi cửa nhà cho con cháu đi làm. Hôm gặp nhau ở ngoài xóm “Xế Chiều” chuyện trò vui quá thế là thành bạn già. Sáng nào cũng đợi nhau đi tập thể dục ngoài bờ hồ. Tầm bảy giờ sáng thì ghé qua chợ cóc ngó hàng cua hàng cá, nắm rau quê. Thỉnh thoảng lúc ông đang cho cá ăn thì điện thoại reo vang, bà gọi chỉ để kể “con mèo vừa đẻ ba con. Trông yêu đáo để”.
Lúc ông ngồi một mình nhá cơm trệu trạo bà gọi khoe mới làm ít dưa món kiểu Huế đảm bảo tốn cơm. “Ðể sáng mai tôi mang biếu ông một ít ăn thử xem sao. Tụi mình già rồi bỗng sợ thịt cá. Nhiều khi chỉ cần ít dưa chua vài con tép khô thế là xong bữa. Hay là tại chúng mình nhớ biển?”. Lại có khi ông ngồi nhìn đăm đắm bức tường trước mặt quên đi mọi thứ xung quanh mình. Nếu không có cuộc điện thoại của bà thì ông đã biến thành tượng đá. Bà hay nói nhiều, đủ thứ chuyện trên đời.
Ông thường chỉ ngồi nghe cũng thấy lòng bớt đi quạnh quẽ. Những người già thường bị bỏ quên đâu đó trong xó xỉnh của thành phố tấp nập này. Nên họ tìm đến nghe tiếng nói của nhau. Tựa như “Xế Chiều” đã gom lại những mảnh đời héo hắt mong manh như sương khói vào một xóm nhỏ nghèo nàn để nương tựa vào nhau. Thành ra mấy Tết vừa rồi ông già và bà Sửu có chỗ để đi. Ðến xóm “Xế Chiều” gói bánh tét, nấu canh khổ qua, kho một nồi thịt thật to. Mấy bà già xúm xít ngào mấy mẻ mứt ngon, cắm vài bông hoa cúc ấy thế là có Tết.
- May mà có Tết ông ạ. Ðể có thời gian ngồi lại với nhau rủ rỉ bao nhiêu chuyện.
- Nghe nói Tết xóm “Xế Chiều” bán được nhiều rau mầm cho người ta ăn lẩu. Trứng gà sạch, đũa gỗ cũng hết veo. Ừ, đúng là mừng thật.
- Mà năm nay mồng mấy các con ông về nhà?
- Chắc là mồng năm. Ở ngoài quê mồng bốn Tết là người ta đã đi biển cả rồi. Nhiều nhà còn ra khơi từ mồng hai Tết. Chuyến đi biển đầu năm vui lắm. Chỉ mong thuyền nào về bờ cũng đầy ắp cá để cả năm ra khơi may mắn và thuận lợi. Tôi nhớ không khí nhộn nhịp, tấp nập ở làng chài. Ðàn ông đi biển trở về với nụ cười tươi rói trên môi. Ðàn bà, trẻ con cùng nhau ngồi gỡ lưới thu cá chuyện trò vui vẻ. Bao nhiêu năm xa quê tôi vẫn nhớ những tiếng cười giòn giã của ngư dân. Nhớ vị tanh nồng của từng sọt cá.
- Ừ, ông nhắc làm tôi nhớ món cá trích nướng muối ớt từng được ăn trong một làng chài miền Trung. Tết này mà kiếm được mớ cá trích để nướng than hoặc kho rục thì ngon cơm phải biết. Ông nhỉ?
- Tôi thì chỉ thèm một ấm trà quê. Trước đây thường buổi sáng trước khi ra biển bao giờ tôi cũng pha một ấm trà đặc. Có khi ngồi uống trà còn nghe thấy tiếng sương rỏ xuống lá. Cảm giác như trên đầu lưỡi của mình có vị ngọt của sương. Mà sao giờ cũng uống trà trong sương lại không thấy vị của ngày xưa nữa. Là do mình hay do trà cũng không rõ nữa.
- Ðến mưa ở thành phố còn thấy có vị khác mưa quê. Cũng có thể là do nước dùng để pha trà. Hay là tại chúng mình già, chúng mình lầm cẩm?
Ông không trả lời, chọn ít bánh kẹo ngon con cháu mang về treo trên ghi đông xe đạp. Tết năm nào cùng thừa mứa đồ ăn. Mình ông ăn uống là bao, có khi cả ngày chỉ ngồi với ấm trà. Con cháu cứ nghĩ mua sắm chẳng thiếu thốn thứ gì là ba đã có Tết đủ đầy. Chúng nào hiểu người già ăn bóng uống hơi. Sống nhờ ký ức và những niềm vui giản dị. Chứ cơm canh ngon đến mấy cũng thường nghẹn ứ trong cổ họng. Bao nhiêu năm nay Tết trong ông là “Tết vọng”.
Ngồi giữa thực tại mà uống từng giọt rượu xưa, nhấp từng ngụm trà xưa, ăn miếng bánh tét ngày xưa vợ nấu. Có khi cả ngày chỉ ngồi ăn ký ức cũng no. Người ở xóm “Xế Chiều” cũng nghiện món này. Ăn riết thành quen. Ông già Tư có hôm tỉnh dậy sau cơn say thấy ruột gan cồn cào. Ăn hết tô cơm to vẫn cứ thấy lòng dạ nôn nao. Hóa ra say ngất ngư nên quên mất món ăn ký ức. Nhắc đến ông Tư, bà già nhớ ra vại dưa giá ở nhà. Ông Tư khoái nhấm nháp món đó, có thêm vài ly rượu thuốc là hết sẩy. Tết mà, ai cũng có quyền say. Nhưng phải là cái say đèm đẹp như ông. Mỗi lần say ông rút ruột rút gan để hát.
“Xế Chiều” những ngày Tết là đông đủ nhất. Chứ thường ngày người này về thì người kia đã quảy gánh đi. Bận bịu mưu sinh có khi cả tuần chẳng nhìn thấy mặt nhau. Tết đến đúng lúc người ta thấy mỏi mệt cần vài ngày nghỉ ngơi lấy sức. Ngồi quây lại với nhau kể chuyện đời, chuyện mình. Chuyện của những người già không gia đình bao giờ cũng làm ông Hòe cay mắt. Dù ở tuổi của ông khóc cho một điều gì đó là điều rất khó.
Ông còn có con cháu ở bên, lúc ốm đau còn có người chăm sóc. Những người bạn già ở đây họ chỉ biết nương tựa vào chính bản thân mình. Nhưng ông yêu lối sống lạc quan của họ. Dù khó khăn đến mấy cũng chẳng bao giờ thấy nụ cười tắt trên môi họ. Ngày Tết lại càng nhiều cớ để vui. Nhất là buổi sáng ngày hai bảy Tết cả xóm túm tụm gói bánh tét. Người tước lá dong, người ngồi chẻ lạt. Ở góc sân vài ông bạn thay nhau bổ củi.
Củi được chuẩn bị trước đó vài tháng. Cứ đi đâu thấy bàn ghế, giường tủ hỏng người ta vứt là chở về chất đầy một xó để dành Tết nấu bánh. Móm mém nhìn nhau cười ha hả. Vui như chưa từng trải qua bao biến cố cuộc đời. Ông Hòe bỗng thấy mình hoạt bát hơn, hăm hở nhận một chân lột vỏ kiệu. Bà Sửu đang cúi gập người cọ rửa chai lọ. Bà ới ai đó “luộc giùm tôi ít trứng bắc thảo. Ngâm giùm tôi ít tôm khô. Thái giùm tôi vài củ cà rốt, thái hoa thật đẹp nghe”. Mỗi người mỗi việc, ai cũng tất bật vào ra phấn khởi ghê lắm. Tết mà…
Ông Hòe pha một ấm trà, mấy ông bạn già ngồi nhìn đám khói bếp bay lởn vởn giữa sân mà mông lung thương nhớ. Ông già Bảy nhớ Tết của những năm vợ mình còn sống. Bà như bị Tết kéo tuột vào gian bếp nhỏ, cắm cúi cả ngày lẫn trong màu khói không thấy thò mặt ra ngoài. Ông Tư nhớ bà vợ mình lẩn mẩn với mâm ngũ quả cũng mất nửa ngày ba mươi Tết. “Nửa ngày còn lại bà ấy dành cho nồi nước tắm tất niên. Cửa nhà toàn tôi dọn thôi à.
Chiều chuộng vậy mà bà ấy vẫn bỏ nhà đi. Giờ này có khi bà ấy đang ngồi gội đầu chải tóc bên mái hiên nào đó. Nhớ quá chừng…”. Bà già bán rau mầm nhớ Tết khi chưa lạc đứa con trai sáu tuổi. “Nó khoái món thịt kho hột vịt cho nhiều nước cốt dừa. Nó khoái mặc áo màu đỏ vì luôn nghĩ đó là màu may mắn. Chợ Tết năm ấy nó mặc áo màu đỏ đi lạc giữa ngàn cánh mai vàng”. Bà già bán trứng gà, trứng cút thì chỉ nhớ những cái Tết “Xế Chiều”. Bởi từ khi đến đây bà mới có gia đình, mới có những ngày tết sum vầy ấm cúng.
Bà Sửu than “khói ghê” khi lấy tay áo lau nước mắt. Tiếng ai đó hát lên khe khẽ giữa tiếng sôi lục bục của nồi thịt kho, tiếng dao thớt đang băm thịt gà ở giữa sân xóm trọ. Ai đó giục “bật đĩa nhạc xuân đi. Hôm qua tui mới mua của xe bán hàng rong vài đĩa hay lắm đó”. Ai đó lôi từ trong tủ ra chiếc đầu đĩa cũ, phủi bụi bay tung tóe. “Cả năm chẳng sờ đến. Bận quá mà, đi bán hàng tối ngày thời gian đâu mà nghe ca nhạc”. Ông Hòe bê tới bê lui chậu mai vì thấy đặt chỗ nào cũng chưa ưng ý.
Tiếng điện thoại reo vang, con trai ông điện hỏi Tết của bố thế nào? Một ông già với một con mèo, đống đồ hộp còn nguyên trong tủ lạnh. Nếu không có “Xế Chiều” thì ông cũng không biết Tết của mình thế nào. Ðâu phải cứ có bánh mứt, có mai vàng là thành cái tết. Ông nhìn quanh “Xế Chiều”, cười bảo với con “Tết của bố cũng đông vui lắm”. Không đông vui sao được, mười bảy con người cùng chuẩn bị cho một cái Tết. Cùng vào bếp, cùng hát ca, cùng nâng ly chúc mừng nhau trong men rượu nồng. Tết mà, ai cũng có quyền vui…