May mà… thiếu điện?!

Câu chuyện thiếu điện nóng bỏng hơn cả mùa hè miền Bắc suốt vài tuần qua. Ở góc độ nào đó, đây là dịp may vì nó bộc lộ toàn diện những hạn chế, vướng mắc của ngành điện và thôi thúc Chính phủ đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan như: phát triển các nguồn, triển khai các dự án nguồn và lưới truyền tải, hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh…

Trời không mưa và nắng nóng kéo dài khiến các hồ thủy điện đã về mực nước chết không thể phát điện. Nguồn: EVN.com

Trời không mưa và nắng nóng kéo dài khiến các hồ thủy điện đã về mực nước chết không thể phát điện. Nguồn: EVN.com

Thoạt nhìn, miền Bắc thiếu điện trong thời gian qua là do… ông Trời và sự đen đủi. Trời không mưa và nắng nóng kéo dài dẫn đến 2 hệ quả. Một là nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột ngột. Hai là nguồn thủy điện – chiếm 43,6% trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc – không thể phát điện bởi hầu hết các hồ đã về mực nước chết.

Trong lúc đó, nhiệt điện – nguồn cung cấp điện lớn thứ 2 – lại gặp trục trặc “làm phức tạp thêm vấn đề”, như lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. Bên cạnh những tổ máy đã bị sự cố dài ngày trước khi xảy ra căng thẳng trong cung ứng điện thì nhiều nhà máy nhiệt điện “ngon lành” cũng gặp sự cố thiết bị do huy động với công suất cao trong thời gian dài.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở việc triển khai các dự án nguồn điện và lưới điện. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cho biết 7-8 năm qua, miền Bắc không có dự án nguồn điện mới nào được khởi công.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác. Thời gian qua, các dự án nguồn điện trọng điểm của EVN đều bị chậm tiến độ do quá trình triển khai gặp rất nhiều vướng mắc.

Cụ thể, Quy hoạch Điện VIII chậm được phê duyệt nên EVN chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo của hai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II (trên địa bàn tỉnh Quảng Bình). Trong đó, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I công suất lắp đặt 1.200 MW bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng khởi công tháng 1-2021 và cơ bản bám sát tiến độ cho đến thời điểm xảy ra sạt trượt khu vực hố móng dự án. Sau thời gian cân nhắc “rất dài” của Bộ Công Thương, dự án được thi công trở lại vào tháng 9-2022 song gặp mùa mưa nên mục tiêu vận hành vào quí 4-2023 càng trở nên khó khăn. Cũng vậy, nhiều dự án điện của các nhà đầu tư khác không thể về đích như dự tính trong Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh vì nhiều lý do.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, thị trường điện vận hành chậm chạp, với thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ các chi phí theo thị trường chính là nguồn cơn khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về an ninh năng lượng.

Về lưới truyền tải, Việt Nam hiện có hệ thống truyền tải 220 KV, 500 kV lớn nhất Đông Nam Á, lưới điện 110 KV chỉ thua Thái Lan và đều do EVN nắm giữ – theo lời lãnh đạo EVN. Trong đó, lưới điện truyền tải Bắc – Nam gồm hai đường dây 500 kV mạch 1, mạch 2, nhưng mạch 3 mới đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) và chưa có đường truyền tải ra ngoài Bắc. Vì thế, giả sử 85 dự án năng lượng tái tạo – tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam – có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hoàn tất đàm phán bán điện với EVN thì cũng không thể đưa ra miền Bắc để giải cơn khát điện.

Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên và khép kín mạch vòng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Trước tình thế cấp bách hiện nay, EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngay dự án này. Lãnh đạo EVN cho biết, nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000-1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc, song cũng dự báo rằng việc hoàn thành hệ thống truyền tải mạch 3 sẽ gặp nhiều khó khăn và cần thời gian.

Theo tính toán của EVN, để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 9%/năm với kịch bản cơ sở. Ở kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh thì mức tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là khoảng 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm. Với miền Bắc, số liệu thực tế của EVN cho thấy nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Hiện tại, hệ thống điện miền Bắc có công suất lắp đặt là 29.500 MW; công suất khả dụng (gồm cả điện nhập khẩu) chỉ đạt 17.500-17.900 MW; và mất điện trên diện rộng đã xảy ra khi nhu cầu sử dụng điện vượt 20.000 MW trong những ngày vừa qua.

Hoặc, theo thông tin trong tọa đàm gần đây về giải bài toán thiếu điện, miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3%/năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.

Tất cả dữ liệu ở trên sẽ giúp trả lời cho câu hỏi: tình trạng thiếu điện trầm trọng, cúp điện liên miên ở miền Bắc liệu có tiếp diễn trong thời gian tới không hay chỉ mang tính gián đoạn, tạm thời khi thời tiết cực đoan?

Với Chính phủ, đây lời cảnh báo về việc đảm bảo điện cho nền kinh tế và tiêu dùng. Chỉ đạo cả nước tiết kiệm điện hay thanh tra EVN là cần thiết nhưng không phải là giải pháp gốc rễ cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc. Trước thềm triển khai Quy hoạch Điện VIII, giờ là lúc phải đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan như phát triển các nguồn (đặc biệt là nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của năng lượng tái tạo), triển khai các dự án nguồn và lưới truyền tải, hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh… và đặc biệt là ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra thiếu điện? Nếu không làm được những việc này, nền kinh tế sẽ “lãnh đủ” vì thiếu điện!

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/may-ma-thieu-dien/