Mây rừng 'trả ơn'
Ở vùng cao An Vinh, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, người dân được Nhà nước giao cho khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh mây rừng - một loài cây có giá trị kinh tế cao trong ngành mây tre đan xuất khẩu. Lên An Lão lần này, chúng tôi được nghe nhiều người kháo nhau chuyện nhờ cây mây rừng 'trả ơn' mà nhiều hộ dân tộc Hrê, Ba Na ở đây thoát nghèo bền vững, nên đã đến tận nơi để tìm hiểu.
Một thời "làm ẩu"
"Từ lâu, người Hrê, Ba Na ở các xã vùng cao An Lão như An Quang, An Toàn, An Nghĩa, An Dũng, An Vinh… muốn đan cái gùi, hay buộc mái lợp nhà, người ta cứ việc vác dao quắm vào rừng mà chặt lấy bó mây mang về sử dụng. Nhưng rồi, xuôi ngược giao thương, người dưới đồng bằng lên thu mua lâm sản và mây rừng bán rất được giá. Do đồng tiền kiếm được hằng ngày hiếm hoi, người dân địa phương lũ lượt vô rừng khai thác tràn lan nên nguồn lợi mây rừng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt…" - anh Đinh Bớt, nhà ở thôn 6, xã An Vinh kể với chúng tôi về một thời người dân thi nhau triệt hạ cây mây rừng.
Theo anh Bớt, kể từ khi cây mây rừng chưa được đưa vào "vòng ngắm" khoanh nuôi, bảo vệ, bên vách nhà của nhiều hộ dân người dân tộc Hrê, Ba Na ở An Vinh luôn chất đống mây rừng chờ bán. Có những người quanh năm suốt tháng chuyên đi khai thác mây rừng về, chờ các thương lái đánh ô tô trọng tải lớn lên để "tiền trao cháo múc". Anh Bớt cho biết thêm: "Khi giá mây rừng đạt ở mức cao nhất cũng chính là lúc loài cây này bắt đầu cạn kiệt. Cũng vì người ta quá ham lợi nên thi nhau triệt hạ mây rừng, trong khi những cánh rừng có mây không được quy hoạch, không có hướng khoanh nuôi, tái sinh nên dần bị lụi tàn…".
Theo ông Đinh Hê, hàng xóm của anh Bớt thì 10 năm về trước, do việc khai thác mây rừng đem lại lợi nhuận cao và không mất tiền đầu tư, nên người dân đổ xô vào rừng đi chặt. Trung bình mỗi ngày đi rừng, mỗi người ở đây thu nhập khoảng 150-200 nghìn đồng - một khoản tiền khá lớn lúc bấy giờ. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, phải đi khai thác rất xa mà chẳng được bao nhiêu. Theo ước tính của dân khai thác mây, sau mấy năm bị khai thác ồ ạt, diện tích cây mây rừng chỉ còn non nửa so với trước kia. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã khác trên địa bàn huyện An Lão chứ không riêng gì xã An Vinh.
"Dù sẵn đến mấy mà con người chỉ biết làm ẩu, khai thác tràn lan, thì đến lúc nào đó, nguồn lợi mây rừng cạn kiệt cũng phải thôi. Kể từ khi huyện, xã triển khai chủ trương vận động nhân dân khoanh nuôi, trồng bổ sung cây mây rừng nhằm gắn lợi ích của người khai thác với việc tái tạo, phát triển loại cây này, tình hình bắt đầu đổi khác. Như để trả ơn người, những bụi mây rừng phát triển ngày càng tươi tốt, cho thu hoạch nhiều hơn những năm trước, nhờ vậy mà nhiều người dân trong xã có thêm cái ăn, cái mặc…" - ông Đinh Hê bày tỏ sự vui mừng.
Duy trì nguồn lợi lâu dài
Đem câu chuyện mây rừng "trả ơn" đến hỏi Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh Đinh Văn H'lác, chúng tôi được anh vui vẻ cung cấp thông tin: Năm 2005, nghe tin huyện An Lão triển khai phương án khoanh nuôi tái sinh cây mây rừng, đồng bào dân tộc Hrê, Ba Na ở đây rất mừng vì ai cũng hiểu, nếu nguồn mây rừng được duy trì, sẽ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Đinh Văn H'lác phân tích: "Trước đây, con người quá "ác" với loại cây có giá trị kinh tế cao này, nay được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi héc ta, đồng thời cử cán bộ thường xuyên hướng dẫn người nhận khoanh nuôi, bảo vệ chăm sóc mây ngay trên thực địa, ai cũng mừng. Mừng hơn là khi được giao khoanh nuôi tái sinh rừng mây, người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định vì trong hợp đồng ghi rõ, khi cây mây đến tuổi khai thác, người dân nhận khoán được hưởng lợi 100%. Đấy là chưa kể, do được khoanh nuôi, chăm sóc, lâm tặc không còn dám khai thác trộm vì bà con đi thăm hằng ngày…".
Trong thời gian tác nghiệp tại một số xã ở huyện An Lão, chúng tôi cũng được nghe nhiều người nhắc tới thời mây rừng tự nhiên còn bạt ngàn, tươi tốt với vẻ đầy tiếc nuối. Anh Đinh Văn Đán, một người dân ở xã An Quang, huyện An Lão tâm sự: "Cũng vì lợi ích trước mắt, nhiều người không kiên nhẫn đợi cây mây rừng trưởng thành rồi mới khai thác. Thu lợi vô tội vạ mà chẳng nghĩ đến việc bảo vệ, khoanh nuôi thì cạn kiệt nguồn mây rừng là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi biết vậy, nhưng vì cuộc sống lẫn sự mưu sinh hàng ngày, nên cứ nhắm mắt cho qua. Bây giờ, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Kiểm lâm, ngoài việc nhận khoanh nuôi, phát triển cây mây rừng, chúng tôi còn biết khai thác một cách khoa học, chỉ chặt những cây đủ tuổi nhằm duy trì nguồn lợi lâu dài…".
Nghe người đàn ông lực lưỡng với chi chít những vết sẹo trên bàn tay và cánh tay - dấu tích của những ngày đi bảo vệ, khoanh nuôi mây rừng nói, chúng tôi nhận ra sự hào hứng trong ánh mắt anh. Cũng không có gì ngạc nhiên khi biết rằng, anh Đán đã từng trải qua nhiều gian khó trong quá trình duy trì cuộc sống của gia đình "một vợ, ba con", nay đang kỳ vọng về một tương lai mới nhờ "của để dành" của thiên nhiên mà chính anh có công chăm sóc, gây dựng.
Qua câu chuyện với người dân địa phương, chúng tôi được biết, bên cạnh việc khuyến khích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh mây rừng, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cũng quản lý chặt chẽ việc thu mua mây rừng trên địa bàn. Theo đó, mọi thương lái, cơ sở thu mua mây rừng đều phải xin giấy phép, thông báo số lượng cũng như thời điểm thu mua cho cơ quan chức năng, tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
"Cho đến bây giờ, hầu hết người dân trên địa bàn huyện có sinh kế liên quan đến rừng đều đã từ bỏ thói quen triệt hạ cây mây tràn lan và biết cách tái sinh mây rừng bằng cách trồng và chăm sóc thường xuyên. Với người dân nơi đây, tận dụng diện tích rừng tự nhiên để trồng mây rừng đang là một hướng làm kinh tế mang lại hiệu quả cao và bền vững. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, diện tích mây trong các cánh rừng ở An Lão ngày càng được mở rộng, bởi tiềm năng kinh tế cây mây mang lại rất lớn" - chị Nguyễn Thị Sương, chủ một cơ sở thu mua mây tại xã An Vinh cho hay.
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho biết, việc khoanh nuôi tái sinh rừng mây tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn đã mang lại kết quả khả quan với trên 20.000ha rừng tự nhiên có cây mây sinh sống, nhiều gấp 4 lần so với cách đây 10 năm. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm, huyện An Lão sẽ phát triển thêm 100ha mây rừng tự nhiên. Hiện, có hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn được giao khoán bảo vệ rừng kết hợp chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh mây rừng. Bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế, cây mây rừng đang đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở các cánh rừng tự nhiên trên địa bàn huyện.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/may-rung-tra-on/