Máy rút tiền cao nhất thế giới
Trên ngọn đèo Khunjerab cao hơn 4.000 m của Pakistan có một máy rút tiền độc nhất, chuyên phục vụ cho những khách hàng đặc biệt và thu hút lượng lớn khách tham quan.
"Chúng ta sẽ đi đến tận cùng của Pakistan", Aysha Imtiaz - một nhà báo Pakistan - thông báo với các con, chồng thêm lớp áo cho chúng mà ngay cả tôi cũng chẳng nhớ đó là lớp thứ bao nhiêu.
"Chúng ta sẽ đi lên hay xuống?", lũ trẻ hỏi, thể hiện dạng nhận thức địa lý đặc trưng của các bé lớp một.
"Lên", Aysha trả lời. "Lên trên".
Gia đình Aysha đang trên hướng đi đến máy rút tiền được ghi nhận đặt ở nơi cao nhất trên thế giới. Chiếc máy nằm ở đèo biên giới Khunjerab, tỉnh Gilgit-Baltistan, phía bắc Pakistan. Cô muốn cho các con thấy khung cảnh tuyệt đẹp của đất nước, theo BBC.
Ngọn đèo kỳ vĩ
Ở độ cao 4.693 m, con đèo là đường biên giới trải nhựa cao nhất trên thế giới và đường đến đèo là một trong những con đường ngoạn mục nhất hành tinh.
Trên đường lên đèo, du khách có thể nhìn thấy các đỉnh của dãy núi Karakoram phủ tuyết cheo leo với những hàng rào ẩn hiện trong vùng thưa thớt dân cư và vườn quốc gia Khunjerab - nơi sinh sống của báo tuyết và báo đốm, loài động vật đặc hữu của Pakistan - trải dài theo tầm mắt.
Theo Daily Pakistan, đèo Khunjerab nằm trên dãy núi Karakoram và giữ một vị trí chiến lược trên biên giới phía bắc Pakistan. Đèo giáp vùng biên giới phía tây nam của vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Hành trình của gia đình Aysha bắt đầu từ mái ấm nhỏ ở thành phố biển Karachi của Pakistan, cách thành phố Gilgit gần biên giới một đoạn đường dài với máy bay, tàu hỏa và hơn sáu giờ lái xe.
Con đường trải nhựa thẳng tắp dẫn lên đèo khiến việc lái xe khá dễ dàng, và họ chỉ cần lái chiếc ôtô nhỏ thuê được là có thể hoàn thành hành trình.
Đường cao tốc Karakoram có từ năm 1982 và được Trung Quốc tài trợ nâng cấp vào năm 2015. Một loạt đường hầm xuyên qua các ngọn núi được xây dựng đã giúp giảm thời gian lái xe từ Gilgit đến đèo Khunjerab, thủ phủ của vùng Gilgit-Balistan, từ tám giờ xuống còn bốn giờ, theo Reuters.
Nhưng chính độ cao mới là yếu tố khiến chuyến đi trở thành một thử thách.
Trong suốt chặng đường đi lên 2.000 km, gia đình Aysha được người lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch người địa phương hướng dẫn cách giữ những quả mơ khô từ thung lũng Hunza gần đó dưới lưỡi để chống lại chứng say độ cao.
Mặc nhiều lớp áo, nhà Aysha đã chuẩn bị cho việc thời tiết thay đổi nhanh chóng, vốn có thể giảm mạnh đến -5 độ C ngay cả trong mùa hè, cũng như mối đe dọa cháy nắng do bầu không khí loãng và gió lạnh thấu xương.
Khi họ đến biên giới, Mặt Trời chiếu xuống khiến má bọn trẻ đỏ như cà chua. Thung lũng lộng gió, vừa đẹp ngoạn mục vừa hoang vắng tạo nên cảm giác thoáng đãng. Người dân địa phương mô tả nơi đây như một khu vực chỉ có bầu trời ở trên và những đám mây ở dưới, ngoài ra không còn gì nữa.
Máy rút tiền kỳ lạ
Chiếc máy ATM giữ kỷ lục Guinness thế giới này hoạt động như bao chiếc máy ATM khác. Nó có thể được sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán hóa đơn điện nước và thực hiện chuyển khoản liên ngân hàng.
Nhưng khi Aysha và các con tôi đã thích nghi với việc hít thở trên độ cao này, điều khiến ấn tượng nhất là không khí lễ hội mà họ không hề biết trước.
Buổi lễ gần giống như lễ hội hóa trang. Tại đó, nhiều du khách gọi video cho người thân, tạo dáng chụp ảnh và quay quanh máy ATM để có được bức ảnh selfie đẹp nhất.
Cô giáo Atiya Saeed của một ngôi trường tại Karachi đã đưa 39 học sinh cấp hai của cô - tất cả đều là nữ sinh - tới biên giới Pakistan - Trung Quốc.
"Đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài chúng tôi đi du lịch ở Pakistan", cô nói.
Cô cho biết chuyến tham quan biên giới là một bài học mạo hiểm về địa lý, lịch sử và kinh tế trong "lớp học" đẹp và có phần ám ảnh này.
Được Ngân hàng Quốc gia Pakistan (NBP) xây dựng vào năm 2016, máy ATM chạy bằng năng lượng Mặt Trời và gió phục vụ một lượng nhỏ cư dân và nhân viên tại cửa khẩu biên giới. Nhiều du khách ưa mạo hiểm cũng đổ xô đến đây và xem nó như một huy hiệu danh dự chứng minh thành quả di chuyển của mình, theo BBC.
"Tài khoản của tôi bị đóng băng!", bà Ayesha Bayat, hiệu trưởng đã nghỉ hưu người Nam Phi, nói đùa với một vị khách khác. "Chúng tôi đến từ một đất nước có những dãy núi nhưng không phải như thế này. Tôi thấy toàn cảnh tuyệt đẹp trong tầm mắt", bà nói.
“Điều quan trọng là phải có những địa danh như Tháp Eiffel. Chúng trở thành một cái cớ để khám phá phần còn lại của cảnh quan”, ông Farouk, chồng bà Bayat, nói.
Tuy nhiên, việc lắp đặt và duy trì hoạt động của máy ATM này không hề dễ dàng.
Shah Bibi, nhân viên giám sát ATM của NBP, cho biết dự án kéo dài khoảng 4 tháng. Địa điểm ngân hàng NBP gần nhất là ở thị trấn Sost, cách đó 87 km.
Ông Zahid Hussain, Giám đốc chi nhánh ở Sost, thường xuyên đến đây để thêm tiền vào máy, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đèo núi hiểm trở và sạt lở đất thường xảy ra. "Trung bình, khoảng 4 đến 5 triệu rupee (khoảng 18.000 đến 22.000 USD) được rút trong vòng 15 ngày", ông nói.
Trong khi đó, cô Bibi có trách nhiệm giám sát và cung cấp dữ liệu thời gian thực cho chi nhánh ngân hàng ở Sost. Cô cũng phải giải quyết các trường hợp khẩn cấp liên quan đến kết nối vệ tinh, dự phòng năng lượng mặt trời, rút tiền và thẻ bị kẹt.
“Phải mất khoảng từ 2 đến 2 giờ 30 phút để một người từ mặt đất tiếp cận (máy ATM) và sửa chữa”, cô nói.
Những khách hàng đặc biệt
Một số người đặt ra câu hỏi về tính tiện ích của một máy ATM ở địa điểm xa xôi như vậy. "Nhưng chúng ta thường quên những người canh gác ở biên giới 24/7. Số lượng những người này có thể không đáng kể, nhưng họ thường ở trong chính vườn quốc gia rộng lớn và không có bất kỳ phương tiện nào khác để chuyển tiền lương của họ cho những người thân yêu và gia đình", ông Hussain nói.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ biên giới không phải là những người làm việc duy nhất ở đây.
Ông Bakhtawar Hussain đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở vườn quốc gia, nghiên cứu những con báo tuyết hoặc hỗ trợ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đo lượng băng tan.
Ông từng điều hành một quán ăn nhỏ gần máy ATM cho đến khi các quy định hạn chế vì dịch Covid-19 khiến quán đóng cửa. “Tôi đã phục vụ trà, cà phê và cơm trộn biryani. Thời gian đó rất tuyệt”, ông nhớ lại.
Ông đang điều hành các phòng tắm di động giá rẻ tại đèo Khunjerab và trang bị thêm bình dưỡng khí trong ôtô của mình để sơ cứu miễn phí cho du khách.
"Chỉ trong vài giờ qua, tôi đã giúp ba phụ nữ thở oxy. Hôm qua, có bảy người", ông nói. Ông cũng cho hay nguyên nhân của tình trạng này là do du khách ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc khó tiêu trước khi đi lên đèo.
Ông Hussain cũng nhận thấy rằng mối quan tâm lớn của khách du lịch là thẻ của họ bị kẹt, dù điều này vẫn xảy ra ở các máy rút tiền khác. Tại đây, du khách phải chờ ít nhất hai giờ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc phải quay lại vào ngày hôm sau để có thể khắc phục sự cố.
“Lấy lại thẻ không phải là hành trình dễ dàng”, ông nói với một nụ cười.
Tuy nhiên, đối với giám đốc chi nhánh ngân hàng Hussain, đó là một phần của sự hấp dẫn khi làm việc tại máy ATM trên đèo Khunjerab.
Bất chấp tính chất công việc của mình nhiều áp lực, tiêu tốn nhiều tiền và ở đèo cao, ông cho biết: "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi trở thành một phần của sự thay đổi mô hình công nghệ và thiên nhiên tinh tế này".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/may-rut-tien-cao-nhat-the-gioi-post1361989.html