May Sông Hồng: Nối liền chuỗi giá trị dệt may đứt gãy
Những nỗ lực bền bỉ trong việc dịch chuyển sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu) tiếp tục đem đến kết quả kinh doanh vượt trội cho Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) trong 6 tháng đầu năm 2019. Trước những diễn biến phức tạp của thương chiến Mỹ - Trung, ưu tiên số một của Công ty lúc này là nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Ðiểm sáng kết quả kinh doanh
Báo cáo tài chính quý II/2019 của May Sông Hồng cho thấy những con số rất ấn tượng: doanh thu thuần đạt trên 1.164 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 132,6 tỷ đồng, tăng trưởng 38,8% so với cùng kỳ.
Biên lãi gộp cao, lên tới 20,5% là lý do giải thích cho sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận, dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ đều nhích lên. Ðây là kết quả của việc tập trung vào sản xuất theo phương thức tự chủ về đơn hàng sản xuất xuất khẩu trực tiếp (FOB), với khoảng 60% số đơn hàng hiện nay của Công ty được thực hiện theo phương thức này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, May Sông Hồng đạt doanh thu thuần 2.165 tỷ đồng, tăng trưởng 23,7% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 52%, đạt trên 219 tỷ đồng; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt gần 4.400 đồng.
Doanh thu quý II cũng như nửa đầu năm nay tăng trưởng ở mức hai con số, được Công ty lý giải, chủ yếu là nhờ các khách hàng FOB tăng giá trị đơn hàng theo kế hoạch dự kiến, trong đó nổi bật phải kể đến Haddad, Columbia Sportswear, Express, GIII.
Báo cáo tài chính quý II/2019 cũng cho thấy tình hình tài chính tích cực của May Sông Hồng. Cụ thể, tổng nợ phải trả của Công ty tại thời điểm cuối quý II/2019 còn 1.335 tỷ đồng, giảm 272 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Chi phí tài chính giảm được gần 10 tỷ đồng, còn 7,6 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng hơn 7 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 13,1 tỷ đồng chủ yếu do tăng lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận tài chính không đáng kể.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh lành mạnh cũng là một điểm cộng trong báo cáo tài chính của Công ty.
Ngành dệt may Việt Nam được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, khi mức thuế áp cao hơn sẽ khiến hàng dệt may Trung Quốc đắt đỏ hơn, mất lợi thế vào thị trường nhập khẩu số 1 toàn cầu.
Bên cạnh đó là hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có EVFTA đã được ký kết cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường mới khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, Ban lãnh đạo Công ty đã có những phân tích và chuẩn bị trong tình hình mới. Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của May Sông Hồng với tỷ trọng lên tới 70%, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn xây dựng kịch bản phòng thủ trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Quang tiết lộ, thời gian qua, do lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, một số nhãn hàng cắt giảm một phần đơn đặt hàng, tuy nhiên, May Sông Hồng vẫn đảm bảo số lượng đơn hàng cho năm 2019 và đã chuẩn bị cơ bản các phương án tăng trưởng cho năm 2020.
Với việc Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, ông Quang cho rằng, có hiệu lực trong thời gian tới là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có May Sông Hồng cạnh tranh công bằng hơn với các đối thủ đến từ các quốc gia được hưởng tối huệ quốc về thuế quan như Myanmar, Bangladesh, Cambodia.
Thông tin được vị CEO tiết lộ, May Sông Hồng bắt đầu tiếp xúc với nhiều khách hàng EU mới để mở rộng xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe này. Công ty cũng tiếp một số đoàn khách từ Nam Phi đến tìm hiểu, nhưng hiện các bên mới dừng ở giai đoạn thăm dò lẫn nhau.
R&D sẽ là từ khóa mới
Sản xuất hàng FOB đang là trụ cột của May Sông Hồng và theo lãnh đạo Công ty, tỷ trọng doanh thu từ mảng này sẽ được nâng lên 80% trong năm 2021 khi nhà máy mới tại xã Nghĩa Phong, Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh đi vào hoạt động.
“Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, góp phần tăng 20% sản lượng của Công ty khi đạt 100% công suất vào năm 2021”, ông Quang nói.
Vậy nhưng, trong ngành dệt may Việt Nam, đâu phải doanh nghiệp nào sản xuất theo phương thức FOB cũng cho lợi nhuận gộp cao? Thậm chí, có doanh nghiệp còn tham gia vào nhiều công đoạn khác trong chuỗi giá trị dệt may như xe sợi, dệt, đan, nhuộm, nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn thấp hơn so với May Sông Hồng vài phần trăm.
Lý giải cho điều này, ông Quang cho biết: “Lợi nhuận hàng FOB đến từ kinh nghiệm được tích lũy và đúc rút qua nhiều năm, hệ thống quản trị minh bạch, tiết kiệm chi phí đầu vào, đầu tư hiệu quả, đúng hướng, tìm kiếm được các đối tác chiến lược lớn, lâu dài và ổn định”.
Hơn 30 năm tham gia thị trường dệt may, từ một xí nghiệp may nhỏ 100% vốn nhà nước tại thành phố Nam Ðịnh vươn lên Top 4 doanh nghiệp may lớn nhất Việt Nam, May Sông Hồng hiểu rõ sự đứt gãy của chuỗi giá trị dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp may chủ yếu hoạt động gia công cho các thương hiệu nước ngoài với biên lợi nhuận rất thấp do yếu về nguyên phụ liệu, về công nghệ…
Chặng đường hơn 10 năm đầu trong lịch sử hoạt động, May Sông Hồng cũng chỉ tham gia khâu gia công trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, tuy nhiên, Công ty đã nỗ lực chuyển dịch phương thức sản xuất, tham gia sâu hơn vào các công đoạn trong chuỗi giá trị dệt may.
Ðặc biệt, hai năm nay trở lại đây, Công ty đã mạnh tay đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), với ngân sách chiếm tới 5% trên doanh thu. Những kết quả bước đầu đã mang lại khả năng cạnh tranh cao hơn cho Công ty, nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty cũng dành ngân sách để nghiên cứu các dự án đầu tư cho chuỗi phụ trợ và đang chờ thời điểm thích hợp để triển khai.
May Sông Hồng có sẵn lợi thế về các mặt hàng quần áo dệt kim và chăn ga gối đệm có thể sử dụng vải xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Công ty có khả năng liên kết, hợp tác hoặc thậm chí liên doanh với các nhà máy dệt vải lớn tại Việt Nam để tạo thành nguồn cung cấp ổn định về chất lượng và giá thành cho các khách hàng châu Âu. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình cần đầu tư nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu thị trường và khách hàng.
Dẫu bối cảnh chung có nhiều thách thức, triển vọng ngành dệt may Việt Nam tiếp tục được nhận định lạc quan. Song, có một điều chắc chắn rằng, các doanh nghiệp có thể hưởng lợi như thế nào và đến mức nào từ những cơ hội trên không hẳn sẽ giống nhau. Ðây cũng là yếu tố giải thích khẩu vị của các nhà đầu tư và đánh giá của thị trường với cổ phiếu dệt may trên thị trường chứng khoán.
Nếu tiếp tục duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa cuối năm 2019, May Sông Hồng sẽ duy trì tỷ lệ ROE cao (xấp xỉ 45%), đảm bảo khả năng duy trì mức cổ tức tiền mặt 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu/năm. Thị giá cổ phiếu MSH do vậy đã tăng mạnh thời gian qua, hiện cao hơn 50% so với hồi đầu năm.