'Máy' theo dõi lái xe sẽ hiện đại đến mức nào?
Để ngăn ngừa các vụ tai nạn xảy ra do lỗi của tài xế, nhiều quốc gia đang áp dụng hoặc xem xét áp dụng các quy định bắt buộc lắp đặt hệ thống giám sát người lái trên mọi loại phương tiện.
Số liệu báo động
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải Vương quốc Anh cho hay, năm 2021, có tổng cộng 18.045 vụ tai nạn xảy ra do tài xế suy giảm sức khỏe, mệt mỏi và mất tập trung.
DMS giám sát tài xế. Nguồn: Valeo.
Trong khi đó, theo báo cáo chuyên đề an toàn đường bộ về tình trạng lái xe mệt mỏi do Ủy ban Châu Âu thực hiện và công bố hồi đầu năm 2023, ước tính tình trạng mệt mỏi của lái xe là nguyên nhân gây ra khoảng 15-20% số vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng. Số liệu thậm chí còn cao hơn đối với tài xế xe tải liên vận, tài xế ca đêm, tài xế taxi và tài xế trẻ.
Trung bình, cứ 5 người lái xe ô tô thì có một người cho biết họ cảm thấy buồn ngủ khi điều khiển phương tiện đến mức phải cố gắng mở mắt và tập trung vào đường đi. Ngoài ra, hơn 50% người lái xe đường dài cho biết đã ngủ quên hoặc suýt ngủ quên khi đang lái xe.
Nếu mệt mỏi, lái xe sẽ phản ứng chậm hơn, đánh lái kém chính xác hơn, thay đổi khoảng cách và tốc độ đi một cách ngẫu nhiên. Nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra nguy cơ va chạm ô tô tăng trung bình từ 1,29 đến thậm chí 3,4 lần khi người lái xe mệt mỏi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra các vụ tai nạn như vậy có thể được ngăn ngừa phần nào bằng cách sử dụng hệ thống giám sát người lái (DMS). Nghiên cứu của Viện Bảo hiểm an toàn đường cao tốc tại Mỹ (IIHS) cho thấy, những ứng dụng phát hiện và ngăn tài xế đã uống rượu có thể góp phần cứu sống hơn 9.000 người mỗi năm, ngăn ngừa khoảng 1/4 số ca tử vong xảy ra trên đường ở Mỹ.
Hiện, nhiều hãng xe như: Ford, BMW, Mercedes, Volkswagen, Volvo, Polestar và những hãng xe trẻ như Fisker đang dần giới thiệu những mẫu xe mới tích hợp hệ thống giám sát lái xe DMS.
Quy định về giám sát người lái trên toàn cầu
Hệ thống giám sát người lái (DMS) có thể nhận biết khuôn mặt, cử chỉ của lái xe để đưa ra cảnh báo phù hợp. Ảnh: Telusinternational.
Vào tháng 11/2019, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua các quy định bắt buộc phải có hệ thống lái xe an toàn trên ô tô. Theo quy định mới, các mẫu xe mới từ tháng 7/2024 bắt buộc tích hợp hệ thống giám sát người lái (DMS). Sau đó, tất cả phương tiện bắt buộc phải triển khai DMS từ tháng 7/2026.
Hệ thống giám sát người lái bao gồm tính năng cảnh báo buồn ngủ và mất tập trung. Theo Ủy ban Châu Âu, với quy định mới được áp dụng, người dân tin rằng sẽ tránh được ít nhất 140.000 trường hợp thương tích nghiêm trọng vào năm 2038.
Ngay từ tháng 1/2023, Chương trình đánh giá xe mới của Châu Âu (Euro NCAP) đã đưa tính năng DMS vào danh sách tiêu chí để xếp hạng xe 5 sao.
Tại Mỹ, đã có một số dự luật được đưa ra tại Quốc hội nhằm phân bổ kinh phí cho việc nghiên cứu và phát triển DMS. Đây là bước đầu tiên trong quy trình lâu dài nhằm hướng tới việc đưa công nghệ này trở thành bắt buộc đối với tất cả các phương tiện mới được bán ở Mỹ.
Mỹ cũng đã xây dựng Đạo luật giữ sự cảnh giác cho mọi người (SAFE) và đã được nộp lên Thượng viện Mỹ để thảo thuận và bỏ phiếu thông qua.
Đạo luật này sẽ cung cấp kinh phí cho Bộ Giao thông vận tải liên bang (DOT) nghiên cứu tác động của việc lái xe mất tập trung đối với tỷ lệ tai nạn và xác định tính hiệu quả của DMS.
Trong quá trình chờ luật hóa, đã có nhiều nỗ lực khác nhằm đẩy nhanh việc áp dụng DMS tại Mỹ.
Viện Bảo hiểm an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) cũng cho biết, đang phát triển chương trình xếp hạng mới để đánh giá các biện pháp hỗ trợ người điều khiển phương tiện tập trung vào quá trình lái xe.
Cách vận hành và tương lai của DMS
DMS - đôi khi được gọi là hệ thống cảm biến theo dõi trạng thái người lái xe (DSS) - là một tính năng an toàn sử dụng camera gắn trên bảng điều khiển để theo dõi tình trạng của người lái xe.
DMS thường sử dụng một camera hồng ngoại (LED) hoặc tia laser hướng về phía người lái để nhìn thấy khuôn mặt của người điều khiển phương tiện ngay cả vào ban đêm và nhìn thấy mắt người lái xe ngay cả khi đeo kính râm.
Hệ thống sẽ thu thập dữ liệu hàng ngày của người lái xe để xây dựng tiêu chuẩn về trạng thái chú ý bình thường của tài xế.
Nếu hệ thống xác định người lái xe đang mất tập trung hoặc buồn ngủ, sẽ có động thái để thu hút sự chú ý của tài xế bằng cách đưa ra cảnh báo bằng âm thanh, bật đèn báo trực quan trên bảng điều khiển hoặc rung ghế.
Nếu các cảm biến bên trong xe cho biết người lái xe đang bị phân tâm trong khi các cảm biến bên ngoài của xe xác định xe sắp xảy ra va chạm thì hệ thống này có thể tự động phanh xe.
Theo các chuyên gia, hệ thống giám sát người lái xe phát hiện tình trạng buồn ngủ hoặc mất tập trung chỉ là bước khởi đầu. Những hệ thống DMS tối tân đang được nghiên cứu phát hiện nhịp tim, nhịp thở và có thể đưa ra hướng dẫn cho người lái xe đến bệnh viện hoặc thông báo cho bác sĩ nếu họ có triệu chứng đau tim.
Trong những năm tới, DMS sẽ hiểu rõ hơn về hành vi của tài xế và sẽ hỗ trợ tăng mức độ thoải mái của người dùng lên tối đa. Ví dụ như nhận dạng cử chỉ để thay đổi nhiệt độ trong xe, giảm âm lượng nhạc hoặc cho phép người lái trò chuyện với trợ lý giọng nói.
Khi được phát triển hiện đại hơn nữa, DMS sẽ trở thành một phần trong nền tảng cảm biến nội thất của xe, mang lại khả năng cá nhân hóa, nâng cao an toàn, đáp ứng nhu cầu giải trí và thậm chí là kết nối với hệ thống nhà thông minh.
Bà Chelsey Colbert, cựu cố vấn chính sách tại tổ chức tham vấn Diễn đàn Tương lai về quyền riêng tư, cho rằng khi ứng dụng hệ thống giám sát người lái (DMS), cần quan tâm kỹ về vấn đề thu thập dữ liệu và quyền riêng tư của tài xế.
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô là đơn vị thu thập và lưu trữ dữ liệu trên xe để có thể cải tiến và phát triển DMS.
Do đó, theo bà, các nhà sản xuất ô tô cần phải thông báo rõ ràng cho người lái xe về dữ liệu cá nhân họ đang thu thập, để người lái xe có thể tự đánh giá những lợi ích đó có xứng đáng hay không.
Người lái sẽ phải xem xét việc thu thập dữ liệu như vậy sẽ có tác động gì đến bảo hiểm, công việc, hồ sơ lái xe của họ hay không.