Máy tính cá nhân, hạ tầng Internet phi tập trung
Chia sẻ gần đây của TS. Nicolas Kokkalis, nhà sáng lập Pi Network, đã mở ra một góc nhìn sâu sắc về việc kiến tạo một hạ tầng điện toán chia sẻ toàn cầu, nơi bất kỳ ai cũng có thể đóng góp tài nguyên và nhận thu nhập thụ động.
Tài nguyên nhàn rỗi chưa được khai thác
Theo TS. Nicolas, mỗi Node Pi không chỉ bảo mật và duy trì hoạt động của blockchain, mà còn có thể đóng vai trò như một “trạm điện toán đám mây” phi tập trung. Ba nhóm tài nguyên chính có thể được chia sẻ gồm: dung lượng đĩa, băng thông mạng, và sức mạnh xử lý.
Với dung lượng đĩa, ông ví von Node Pi như một phiên bản phi tập trung của Dropbox. Các tệp tin có thể được lưu trữ an toàn nhờ mã hóa và staking, tương tự cơ chế của BitTorrent. Đáng chú ý, hiện nhóm phát triển Pi phải chi hàng nghìn USD mỗi tháng để lưu trữ dữ liệu trên Amazon S3 - chi phí hoàn toàn có thể chuyển thành thu nhập cho người vận hành Node trong tương lai.
Về băng thông mạng, Pi hướng đến việc thay thế hệ thống CDN (Content Delivery Network) truyền thống bằng một mạng lưới phân phối nội dung dựa trên các Node phân tán toàn cầu. Khi một người dùng mở ứng dụng Pi, thay vì truy cập dữ liệu từ máy chủ xa, họ có thể nhận dữ liệu từ một Node gần nhất - có thể là hàng xóm của chính họ. Điều này giúp giảm độ trễ, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả truyền tải.
Với sức mạnh xử lý, hơn một triệu lõi CPU được thống kê là đang chạy Node Pi mỗi ngày và trung bình không được sử dụng tới 69% thời gian. Những tài nguyên “ngủ quên” này hoàn toàn có thể cung cấp cho các doanh nghiệp thuê theo giờ hoặc theo nhu cầu, giống như mô hình EC2 của Amazon, nhưng với chi phí thấp hơn và mức độ phân quyền cao hơn.
Từ người dùng trở thành nhà cung cấp hạ tầng
Tư duy cốt lõi mà Pi Network theo đuổi là biến người dùng cá nhân trở thành một phần của hạ tầng Internet phi tập trung. Điều này phù hợp với triết lý Web3 - nơi người dùng không chỉ là khách hàng tiêu dùng, mà là chủ sở hữu, là người cung cấp dịch vụ, và cũng là người được hưởng lợi.
TS. Nicolas nhấn mạnh, các chức năng này đã và đang được phát triển bằng các mô-đun độc lập chạy trên Docker, nghĩa là cộng đồng có thể chủ động tham gia xây dựng mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm phát triển cốt lõi.
Nếu trước đây, việc chạy Node chủ yếu gắn với mục tiêu xác thực giao dịch và duy trì mạng lưới, thì với Pi Network, nó còn là cơ hội tạo ra một nền kinh tế tài nguyên, nơi ai cũng có thể cho thuê phần cứng nhàn rỗi, kiếm thu nhập thụ động và đồng thời đóng góp vào sự phát triển của một Internet công bằng, phân tán và thân thiện hơn với cộng đồng.
“Đừng tranh cãi nữa, hãy cùng xây dựng”, thông điệp giản dị nhưng đầy tính hiệu triệu của nhà sáng lập Pi Network có thể là lời mời gọi nghiêm túc nhất cho một cuộc cách mạng Internet từ cơ sở - khởi nguồn từ chính máy tính cá nhân trong mỗi ngôi nhà.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/may-tinh-ca-nhan-ha-tang-internet-phi-tap-trung-post121854.html