Mấy vấn đề về chế độ sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa

Có một thời kỳ khá dài do những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan, ở các nước xã hội chủ nghĩa tồn tại một quan niệm rất sai lầm là ở các nước tư bản chủ nghĩa vẫn duy trì quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (tư hữu) không có gì khác với giai đoạn đầu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Còn 'công hữu' dưới hai hình thức 'quốc doanh và tập thể' là đặc trưng riêng có của chủ nghĩa xã hội.

Từ nhận thức sai lầm đó dẫn đến những trạng thái cực đoan trong thực tiễn thậm chí xa rời cả một số luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất. Một trong số đó là sự “lãng quên” hoặc hiểu không đúng những giá trị cốt lõi trong cống hiến khoa học của C.Mác về sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa và của V.I.Lênin về nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa như nhận xét của C.Mác hồi thế kỷ XIX: “Đó chính là sự thủ tiêu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở ngay trong lòng phương thức tư bản chủ nghĩa”(1). Luận điểm này của C.Mác là đúng, xét trong quan hệ với sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thuần túy. Cổ phần hóa sở hữu tư bản là tất yếu đối với chính sự tồn tại và phát triển của các công ty tư bản; góp phần đẩy nhanh quá trình tập trung tư bản cá biệt để thích ứng với yêu cầu cạnh tranh và mở rộng quy mô kinh doanh. Nói một cách khác, cổ phần hóa sở hữu tư bản là một nhu cầu tự thân của chính giới chủ tư bản để đứng vững trong cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Nhưng nó cũng làm cho chủ nghĩa tư bản có thêm sức mạnh để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, sự thay đổi từ sở hữu tư nhân thuần túy thành sở hữu tập thể về tư bản, xét cho cùng cũng mới chỉ là sự thay đổi về lượng, chứ chưa thể đạt đến sự thay đổi về chất của chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Về thực chất, chính quá trình từ tự do cạnh tranh dẫn đến độc quyền trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đồng thời cũng làm cho sở hữu tư nhân thuần túy trở thành sở hữu tập thể về tư bản. Điều cần lưu ý là, sản xuất dưới chế độ sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa được C.Mác gọi là “sản xuất tư nhân không có sự kiểm soát của quyền sở hữu tư nhân”(2).

Ngày nay, hầu như tất cả doanh nghiệp ở các nước tư bản chủ nghĩa đều tồn tại với tư cách là công ty cổ phần, vì một lẽ giản đơn là không có một tư nhân nào cho dù là người giàu nhất thế giới lại một mình sở hữu 100% vốn doanh nghiệp. Ngay cả khi có thể làm như vậy, đó cũng chỉ là một việc làm dại dột chứ không hề khôn ngoan. Thực tế, chỉ còn ở các công ty “siêu nhỏ” hay “các xí nghiệp gia đình” mới tồn tại sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thuần túy.

Chế độ sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa tạo điều kiện để một tư nhân chỉ cần sở hữu số cổ phần vừa đủ (có thể chỉ vài phần trăm - với các công ty lớn) để nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch hội đồng quản trị với quyền phủ quyết trong Hội đồng quản trị công ty là có quyền sử dụng và chi phối toàn bộ số tư bản của các cổ đông còn lại. Đây là một ví dụ điển hình về sở hữu chỉ là phương tiện, là điều kiện để đạt đến mục đích cao hơn là sử dụng, chi phối một lượng tư bản lớn hơn nó nhiều lần nhằm có được phần lợi nhuận tối đa cho mình. Sở hữu tập thể tư bản chủ nghĩa vì thế không thể thủ tiêu chủ nghĩa tư bản được, mà chỉ là một hình thức sở hữu thích hợp hơn với trình độ đã phát triển cao hơn của đối tượng sở hữu trong lòng xã hội tư bản mà thôi.

Sự thích hợp ấy đến lượt nó lại tạo điều kiện để phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đạt đến nấc thang phát triển cao hơn so với các giai đoạn trước. Ngày nay, với xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh, chỉ sở hữu một lượng vốn nhất định, các nhà tài phiệt đã có thể chi phối một khối lượng tư bản khổng lồ của nhiều chủ thể khác ở nhiều quốc gia khác nhau trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, sức mạnh của các tổ chức độc quyền gia tăng rõ rệt so với trước. Thậm chí, sức mạnh kinh tế của một số tập đoàn còn có khả năng thách thức sức mạnh của cả một số cơ chế điều tiết kinh tế quốc gia và quốc tế.

Tất nhiên, sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa là vô lý về mặt đạo đức và không thể nào minh họa được bằng toán học; nhưng chừng nào nó vẫn còn dung hợp được với thể chế pháp quyền tư sản thì chừng đó hãy còn quá sớm để nói về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản với tư cách là một phương thức sản xuất.

Chế độ sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa cũng được giai cấp tư sản độc quyền sử dụng như một công cụ chưa hết tiềm năng trong điều kiện thế giới hiện đại. Về kinh tế, đó chính là cơ chế cổ phần hóa tư bản chủ nghĩa cho phép giới chủ tư bản lớn vừa huy động được cả những nguồn vốn nhỏ của người lao động và trong dân cư để sử dụng; vừa giữ được quyền lực khống chế qua việc nắm giữ cổ phần phủ quyết; đồng thời, che đậy được một cách tinh vi bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa dưới bức màn dân chủ giả hiệu về kinh tế.

Về chính trị, các chính phủ tư sản hiện đại cũng được tổ chức như một công ty cổ phần tư bản chủ nghĩa. Sự tham dự của các đảng đối lập, kể cả Đảng Cộng sản trong Chính phủ hoặc trong Nghị viện cũng chỉ được chấp nhận ở mức độ chưa đe dọa quyền lực khống chế của giai cấp tư sản độc quyền. Nếu xuất hiện nguy cơ bị mất quyền chi phối, thì ngay lập tức sẽ có giải tán chính phủ, quốc hội để bầu cử lại hoặc thiết quân luật, thậm chí đảo chính quân sự. Do vậy, cái gọi là “đa nguyên chính trị” xét cho kỹ chỉ một giải pháp “nhường một chút để giữ tất cả” chứ hoàn toàn không thể mơ hồ coi là biểu hiện của dân chủ hay tiến bộ ở các nước tư bản phát triển. Tuy nhiên, tầng lớp tư bản độc quyền có thể dùng nó để làm dịu và vô hiệu hóa từng bước sức mạnh đấu tranh của các tầng lớp nhân dân tiến bộ chống sự bóc lột, đàn áp của tư bản lũng đoạn.

Thế giới phải trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc và hàng chục cuộc xung đột vũ trang do các cường quốc tư bản chủ nghĩa gây nên, vì “chân lý thuộc về kẻ mạnh” rồi mới đạt được thành tựu chung là lập được một cơ quan bảo vệ hòa bình thế giới là Hội đồng bảo an của Liên hiệp quốc. Nhưng nếu xét về cơ chế hoạt động của tổ chức này, thì cũng vẫn theo nguyên tắc “cổ phần tư bản chủ nghĩa”: Chỉ cần một trong 5 thành viên thường trực phủ quyết thì 14 thành viên còn lại có nhất trí đến đâu cũng trở thành vô hiệu.

Từ những phân tích nêu trên cho phép có thể đi tới một kết luận chung là ở đâu tồn tại quyền phủ quyết của cá nhân hay thiểu số quyết định đa số cho dù là trong kinh tế, chính trị hoặc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của con người, thì cũng vẫn còn tồn tại cái đặc trưng cơ bản nhất của thể chế tư bản chủ nghĩa: chế độ sở hữu cổ phần tư bản chủ nghĩa. Nó đối lập hoàn toàn với chế độ “tập trung dân chủ” mà V.I.Lênin từng khẳng định không chỉ là nguyên tắc tổ chức xây dựng của chính Đảng mác xít mà còn là nền tảng để xây dựng thể chế của chế độ xã hội chủ nghĩa (Xô Viết). Theo ý nghĩa này, một mặt có thể nhận thấy trong lòng xã hội tư sản cũng đã có những nhân tố xã hội chủ nghĩa; tức là ở những nơi, những lúc, mà đa số có thể buộc thiểu số đối lập phải phục tùng, lợi ích của đa số nhân dân được đặt lên trên lợi ích của thiểu số (các nhà tư bản, các quan chức nhà nước); bảo vệ môi trường được ưu tiên so với lợi nhuận của doanh nghiệp,….

Mặt khác, trong các nước lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cũng hoàn toàn có thể xảy ra những sự “chệch hướng” cả trong hoạt động thực tiễn chứ không chỉ trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Ở đâu mà “lợi ích nhóm” được đặt lên trên trên lợi ích đa số; ở đâu mà người đứng đầu “quyết định tất cả” nhưng lại “không chịu trách nhiệm về tất cả”; ở đâu mọi thành viên đều phục tùng vô điều kiện một cá nhân; ở đâu mọi vấn đề đều chỉ có biểu quyết bằng giơ tay mà không hề có bỏ phiếu kín;… thì ở chính nơi đó đã tồn tại cái “linh thiêng nhất” của chủ nghĩa tư bản, chí ít cũng là sự “chệch hướng”, sự mất đoàn kết nội bộ hoặc là sự khởi đầu của “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” sang phái đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin; không phân biệt đó là K.Cauky - người đứng đầu Quốc tế II do Ph.Ănghen chỉ định hay một số người đứng đầu các Đảng cộng sản có hàng triệu đảng viên ở một số nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ trước. Những người đó thực sự đã “chết”, nhưng C.Mác và V.I.Lênin với những lý luận của các ông vẫn “sống” cùng và thậm chí còn hơn cả những người đang sống./.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Thanh

----------------------------------------------------

(1) (2) C.Mác: Tư bản, Nxb. Sự thật, H, 1962, quyển III, t. II, tr.194, 194.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/may-van-de-ve-che-do-so-huu-co-phan-tu-ban-chu-nghia-122966