MBS báo lãi quý 2 tăng nhẹ, dư nợ margin lập đỉnh lịch sử
MBS lãi sau thuế quý 2 đạt 221 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, nhờ tiết giảm chi phí, dù doanh thu giảm do tự doanh đi xuống.
CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) vừa mở màn mùa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 trong nhóm các công ty chứng khoán, trở thành doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ và lũy kế 6 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, tổng doanh thu hoạt động trong quý 2 của MBS đạt hơn 792 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính đến từ mảng tự doanh khi lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 50% xuống còn 173 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng giảm gần 40%, còn 21 tỷ đồng. Doanh thu tư vấn sụt giảm tới 90%, chỉ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh thu từ hoạt động cho vay và phải thu đạt 309 tỷ đồng – tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán (UTTB) tăng mạnh, trở thành động lực tăng trưởng chính.
Mảng môi giới chứng khoán tiếp tục duy trì đà tích cực với doanh thu đạt 192 tỷ đồng, tăng 7% so với quý 2/2024.
Tổng chi phí hoạt động trong quý 2 giảm 36% xuống còn 282 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tự doanh giảm mạnh do khoản lỗ từ tài sản FVTPL thu hẹp từ 287 tỷ đồng xuống chỉ còn 107 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 63%.
Tuy nhiên, chi phí môi giới lại tăng gần 20%, đạt 162,4 tỷ đồng, còn chi phí lưu ký tăng mạnh 47% lên 8,5 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 40% và gần 30%, lên mức 177 tỷ đồng và 64 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý 2 của MBS đạt 273 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng, tăng 2% so với quý 2/2024 nhưng giảm 18% so với quý 1 năm nay.

Ảnh minh họa
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.461 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu môi giới giảm 11% còn 325 tỷ đồng, trong khi lãi từ tài sản FVTPL giảm 40% còn khoảng 300 tỷ đồng – là hai khoản mục ảnh hưởng lớn nhất đến tổng thu.
Tuy nhiên, nhờ chiến lược tiết giảm chi phí hiệu quả, tổng chi phí trong nửa đầu năm chỉ còn 390 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Nhờ đó, công ty báo lãi trước thuế 611 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận sau thuế đạt 490 tỷ đồng, tăng 23%.
Năm 2025, công ty lên mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy sau 6 tháng, MBS đã hoàn thành 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của MBS đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với các khoản như tiền và tương đương tiền, tài sản FVTPL, tài sản giữ đến ngày đáo hạn (HTM), các khoản cho vay, và tài sản tài chính AFS.
Đặc biệt, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tại MBS đạt mức kỷ lục mới 12.796 tỷ đồng – tăng 1.534 tỷ đồng so với đầu quý, tương ứng mức tăng gần 14%. Trong đó, riêng dư nợ margin đạt 12.634 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh lên 3.109 tỷ đồng, so với 1.900 tỷ đầu năm. Cơ cấu danh mục này bao gồm: giấy tờ có giá khác (1.560 tỷ đồng), trái phiếu (1.011 tỷ đồng), cổ phiếu (480 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ (56 tỷ đồng). Ngoài ra, danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng gần 800 tỷ đồng trong quý, lên mức 5.697 tỷ đồng.
Thị phần môi giới trên HoSE của MBS trong quý 2 đạt 5,39%, tăng nhẹ so với mức 5,19% quý trước, giữ vững vị trí Top 7 toàn thị trường.