Đồng hành nâng tầm vóc cây chè Thái Nguyên

Bà con trồng chè ở La Bằng, Thái Nguyên vừa đón tin vui khi thương hiệu trà sữa CHAGEE quyết định đồng hành cùng người dân nơi đây.

Hành trình tìm vùng nguyên liệu

Từ đầu năm 2025, CHAGEE đã chủ động tìm đến Thái Nguyên - thủ phủ chè của Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên gia kỹ thuật, lãnh đạo địa phương và các hợp tác xã để triển khai quá trình khảo sát bài bản tại các vùng chè trọng điểm.

Hình ảnh vùng trồng nguyên liệu của HTX La Bằng, nơi CHAGEE lựa chọn làm thí điểm hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác.

Hình ảnh vùng trồng nguyên liệu của HTX La Bằng, nơi CHAGEE lựa chọn làm thí điểm hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác.

Thái Nguyên - một trong những cái nôi của cây chè Việt Nam, có hơn 20.000ha diện tích chè, chủ yếu là chuyên canh với sản lượng dồi dào trên 200.000 tấn chè búp tươi hàng năm. Nơi đây, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bí quyết truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đã tối ưu hóa năng suất và chất lượng chè.

Với hàng trăm năm kinh nghiệm trồng, sấy và ướp chè thủ công đã hun đúc nên những nghệ nhân chè tài hoa cùng một văn hóa trà đặc sắc. Chè Thái Nguyên, với hương thơm tự nhiên độc đáo, vị chát dịu và hậu ngọt sâu, đã chinh phục được cả thị trường trong nước và quốc tế, minh chứng rõ ràng qua sự hiện diện tại Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Đông - đều là những thị trường rất khó tính.

Quá trình khảo sát của CHAGEE được thực hiện theo nhiều giai đoạn: xác lập tiêu chí kỹ thuật, rà soát hệ thống HTX, trao đổi chuyên sâu lãnh đạo HTX và bà con nông dân, đến khảo sát thực địa, đánh giá hạ tầng chế biến - vận chuyển - tiêu thụ. Toàn bộ hoạt động được thực hiện với tinh thần cầu thị, công khai và lấy nhu cầu thực tế của người dân làm trung tâm.

Trên cơ sở kết quả khảo sát và tham vấn chuyên gia, HTX Chè La Bằng (Thái Nguyên) được lựa chọn là điểm thí điểm triển khai các hoạt động hỗ trợ toàn diện, từ chuyển giao kỹ thuật đến cải tiến vận hành.

"Sự đồng hành của thương hiệu trà sữa CHAGEE đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chuỗi giá trị chè bền vững cho Thái Nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nền tảng vững chắc để bà con và các hợp tác xã tự tin bước vào kỷ nguyên thương mại điện tử", ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, công ty TNHH MTV Trà Hùng Thái chia sẻ.

Theo ông Dương Văn Vượng, Phó chủ tịch UBND xã La Bằng thông tin, xã có gần 400 ha chè - là vùng nguyên liệu nổi tiếng với sản phẩm chè thơm ngon, đạt chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao. Cây chè là mũi nhọn kinh tế của xã, nhờ chè mà đời sống bà con từng bước được cải thiện, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn khoảng 1,1%.

Chọn mặt gửi vàng

HTX Chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ (cũ) được thành lập năm 2006 dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc) đã phát triển từ 13 thành viên ban đầu lên gần 200 hộ dân liên kết, quản lý vùng nguyên liệu khoảng 30ha (trong đó 20ha VietGAP, 10ha hữu cơ và 6ha có mã vùng trồng).

Nông dân tại vùng chè La Bằng (Thái Nguyên) thu hái chè tại khu vực vùng nguyên liệu được hỗ trợ kỹ thuật bởi CHAGEE Việt Nam.

Nông dân tại vùng chè La Bằng (Thái Nguyên) thu hái chè tại khu vực vùng nguyên liệu được hỗ trợ kỹ thuật bởi CHAGEE Việt Nam.

Việc HTX Chè La Bằng chủ động áp dụng VietGAP từ năm 2012 và mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác hữu cơ cho thấy một tầm nhìn chiến lược và tinh thần cầu thị trong quá trình hoạt động. Nhờ vậy, HTX Chè La Bằng nhận được nhiều giải thưởng, đặc biệt là việc sản phẩm Đinh Tâm Trà được lựa chọn làm quà tặng quốc gia tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và chứng nhận OCOP 4 sao cho Thanh Hải Trà, là những minh chứng không thể thuyết phục hơn về chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.

Tại đây, chính quyền địa phương thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ về kỹ thuật và chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững giúp doanh nghiệp yên tâm hợp tác. Để hỗ trợ cho các thành viên HTX, các chuyên gia CHAGEE đã tổ chức các lớp tập huấn nhận thấy cộng đồng nông dân địa phương cần tiếp nhận các mô hình canh tác tiên tiến, đặc biệt là kinh nghiệm và công nghệ từ các quốc gia phát triển về chè như Trung Quốc rất tích cực, nhằm nâng tầm giá trị cây chè.

Nội dung tập huấn gồm 5 chuyên đề chính: chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến chè từ các chuyên gia của CHAGEE; hướng dẫn đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp; phân tích tiềm năng phát triển vùng chè Thái Nguyên; giới thiệu cách ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng TikTok; và thực hành kỹ năng xây dựng nội dung, bán hàng trực tuyến cho sản phẩm chè.

Khóa tập huấn có sự tham gia của gần 200 người gồm: người dân, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn bó với cây chè địa phương giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh thị trường thay đổi từng ngày.

"Điều đặc biệt của khóa học là học viên không chỉ học lý thuyết mà còn được trực tiếp tham gia thực hành tại chỗ - như quay video sản phẩm, tạo gian hàng số, chụp ảnh quảng bá, xây dựng nội dung "kể chuyện trà Thái"... một cách đơn giản, phù hợp với nông dân, vốn không có thế mạnh về công nghệ", ông Hùng thêm vào.

Việc lựa chọn HTX La Bằng thí điểm và vùng nguyên liệu chiến lược không chỉ mang tính hỗ trợ sản xuất đơn lẻ, mà là bước đi có tính nền tảng trong chiến lược đồng hành lâu dài của CHAGEE tại Việt Nam.

Đức Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dong-hanh-nang-tam-voc-vi-the-cho-cay-che-thai-nguyen-192250704133740896.htm