Mẹ 3 con có 5 sổ tiết kiệm, mỗi sổ dùng cho 1 mục tiêu khác nhau
Phân chia tiền tiết kiệm theo từng mục đích giúp tôi và chồng hạch toán tài chính trong gia đình hiệu quả hơn.
Tôi có hai người con trai và một con gái. Hai con trai là do tôi và chồng sinh ra, con gái là con của một người bạn thân thiết của chúng tôi, đã không may qua đời. Chúng tôi đã đón cô bé về nuôi, coi như con mình dứt ruột đẻ ra.
Vợ chồng tôi luôn chú tâm đầu tư vào chuyện học hành của con cái. Chỉ cần các con muốn và thích học, chúng tôi không bao giờ từ chối. Hiện tại, con gái chúng tôi đang học lấy bằng Thạc sĩ ở London (Vương quốc Anh), con trai lớn của chúng tôi đang học ở một trường tư thục, còn cậu con trai út thì đang học mẫu giáo.
Nuôi 3 đứa trẻ ăn học cùng lúc, con gái lớn lại đang đi du học tự túc, thế nên việc tiết kiệm là điều bắt buộc với vợ chồng tôi. Vì có quá nhiều khoản cần chi, tôi quyết định lập 5 tài khoản tiết kiệm với 5 mục đích quan trọng khác nhau.
Bạn có thể tham khảo nhé!
Khoản tiết kiệm số 1: Quỹ giáo dục dành cho con cái
Đây là tài khoản mà chúng tôi dùng để lo tất cả mọi thứ liên quan tới việc học tập của các con, bao gồm tiền học phí hàng tháng, tiền học thêm của con trai lớn và tiền du học của con gái cả. Thậm chí, chi phí sinh hoạt của con gái hay tiền mua sắm quần áo, giày dép để đi học của 2 cậu con trai cũng được chúng tôi thống nhất là sẽ nằm trong tài khoản này.
Mỗi tháng, vợ chồng tôi dành 8000 Nhân Dân tệ (khoảng 27,1 triệu đồng) để đổ vào tài khoản tiết kiệm "Quỹ giáo dục dành cho con cái".
Có thể cậu con trai thứ hai và cả cậu út cũng muốn đi du học như chị, nên chúng tôi ưu tiên tiết kiệm quỹ giáo dục này.
Khoản tiết kiệm số 2: Tiền an hưởng tuổi già của tôi và chồng
Kể từ khi mới kết hôn, chưa có con, vợ chồng tôi đã thỏa thuận sẽ cùng nhau tiết kiệm để sau này ở tuổi xế chiều, hai thân già này có thể tự lo cho nhau mà không cần phải dựa vào con cái. Hồi đó, chúng tôi thậm chí vẫn nghĩ rằng có thể mình sẽ không có con, nên càng cần phải tiết kiệm tiền từ sớm.
Ban đầu, vợ chồng tôi, mỗi người sẽ chuyển 2000 Nhân Dân tệ (khoảng 6,7 triệu) vào tài khoản "an hưởng tuổi già" này hàng tháng. Sau này, chúng tôi có thể tiết kiệm được nhiều hơn nhưng vì đã có con và ưu tiên việc đầu tư cho con học tập nên chúng tôi vẫn chỉ duy trì việc "đổ" 2000 Nhân Dân tệ/người vào tài khoản "an hưởng tuổi già".
Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình cần rèn luyện một thói quen, sau này chúng tôi sinh được hai đứa con trai, Đối với những gia đình có nhiều con trai thì phải lên kế hoạch trước cho những việc như nghỉ hưu.
Khoản tiết kiệm số 3: Quỹ báo hiếu mẹ cha
Hàng tháng, hai vợ chồng tôi đều gửi 1000 Nhân Dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) vào tài khoản tiết kiệm tạm gọi là tiền dành để lo cho cha mẹ. Cả ông bà nội và ông bà ngoại của tụi trẻ đều đã già, có thể ốm đau bệnh nặng bất cứ lúc nào. Vợ chồng tôi tiết kiệm khoản tiền này để dùng những lúc như thế, hoặc khi ông bà muốn mua sắm, đi du lịch, chúng tôi cũng sẵn sàng chiều bố mẹ ngay.
Khoản tiết kiệm số 4: Quỹ dự phòng trong tình huống khẩn cấp
Nếu không may tôi hoặc chồng gặp tai nạn hoặc các con ốm nặng, chúng tôi cũng không muốn tiêu lẹm vào 1 trong 3 khoản tiết kiệm phía trên. Đó là lý do khoản tiết kiệm số 4 này ra đời: Bất cứ chuyện gì khẩn cấp, ngoài dự tính xảy ra mà cần dùng tới tiền, chúng tôi sẽ dùng trong tài khoản số 4 này.
Khoản tiết kiệm số 5: Cuối tháng vẫn còn tiền thì "thêm vào đây"
Vợ chồng tôi có thói quen đổ tiền vào 4 khoản tiết kiệm phía trên ngay khi nhận tiền lương hoặc tiền lãi từ việc kinh doanh. Tiết kiệm trước rồi chi tiêu với số tiền còn lại là cách mà gia đình tôi đã áp dụng từ rất lâu.
Tuy nhiên, có những tháng, chúng tôi vẫn còn dư tiền ngay cả khi đã đổ tiền vào 4 tài khoản tiết kiệm và chưa tới kỳ nhận lương/lãi mới. Khoản tiết kiệm số 5 ra đời với mục đích "tiết kiệm thêm được đồng nào, hay đồng ấy".
Chúng tôi vẫn chưa tìm ra được mục đích cho khoản tiết kiệm số 5 này nhưng việc có thêm một khoản tiền "dắt túi" thế này khiến vợ chồng tôi cảm thấy an tâm hơn nhiều. Chúng tôi đã từng tiết kiệm hết tiền vào 1 tài khoản mà không chia riêng ra thành các tài khoản với từng mục đích cụ thể và nhanh chóng nhận ra đó là một nước đi sai lầm.
Tiết kiệm thực ra cũng giống chi tiêu thôi, đều cần có mục đích. Mục đích tiết kiệm rõ ràng giúp vợ chồng tôi có thêm động lực cày cuốc, kiếm tiền và kiểm soát chi tiêu. Không phải tháng nào việc "tiết kiệm trước rồi tiêu số dư sau đó" cũng dễ dàng, nhưng vợ chồng tôi đã làm được. Mong rằng gia đình bạn cũng vậy!