Mẹ bầu mắc sởi nguy hiểm thế nào, có lây cho thai nhi không?

Phụ nữ có thai thường bị suy giảm sức đề kháng nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi, đặc biệt là những người chưa được tiêm phòng sởi trước khi mang thai.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Paramyxoviridae (thường gọi là vi-rút Sởi) gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Một số dấu hiệu nhận biết khi mắc sởi bao gồm: sốt cao, phát ban, nghẹt mũi, ho, hắt xì, khản tiếng và mệt mỏi.

Theo bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, với người bình thường, bệnh sởi có thể dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm màng não, viêm kết mạc và các biến chứng về tiêu hóa. Ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi nội tiết làm cho hệ thống miễn dịch suy giảm khiến cơ thể khó chống chọi lại với vi-rút sởi.

“Mặc dù phụ nữ có thai trước đó có sử dụng mũi tiêm phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng sau khoảng 3 – 5 năm, các kháng thể này yếu dần và không đủ sức để tạo ra hàng rào miễn dịch bảo vệ cho cả mẹ và bé”, Bác sĩ Đào cho biết.

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ thành phố Đà Nẵng

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, giám đốc phòng khám Hội KHHGĐ thành phố Đà Nẵng

Ngoài ra còn do tình trạng thiếu chất ở bà bầu trong thời kỳ ốm nghén. Đây là nguyên nhân khiến virus Paramyxoviridae dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.

Với mẹ bầu, trong từng giai đoạn mang thai, bệnh sởi có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng:

3 tháng đầu (Tam cá nguyệt thứ nhất): Mắc sởi trong giai đoạn này có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng tăng cao do ảnh hưởng của virus sởi.

3 tháng giữa (Tam cá nguyệt thứ hai): Mặc dù nguy cơ dị tật thai nhi thấp hơn, nhưng việc nhiễm sởi vẫn có thể gây thai lưu hoặc sảy thai. Hệ miễn dịch suy giảm trong thai kỳ khiến mẹ bầu dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng hơn.

3 tháng cuối (Tam cá nguyệt thứ ba): Nguy cơ dị tật thai nhi giảm nhưng tỷ lệ sinh non và thai chết lưu lại tăng cao. Hơn nữa, thai nhi có thể đối mặt với các vấn đề như viêm màng não cấp, dẫn đến điếc hoặc khuyết tật trí tuệ sau khi sinh.

Theo bác sĩ Đào, ngoài các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là ho, sổ mũi, mắt đỏ và chảy nước (viêm kết mạc), và các đốm trắng nhỏ (đốm Koplik) trong miệng, tiếp theo là phát ban đỏ, loang lổ, bệnh sởi ở phụ nữ mang thai không được tiêm vắc-xin có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân và có thể tử vong ở bà mẹ do các biến chứng nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi.

Mẹ bầu bị sởi có lây cho thai nhi không?

Bác sĩ Đào cho biết: “Sởi là bệnh truyền nhiễmcó mức độ lây lan rất cao. Mặc dù không lây trực tiếp qua nhau thai nhưng nếu mẹ mắc sởi sát thời điểm sinh, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc sởi bẩm sinh hoặc bị lây nhiễm ngay sau khi chào đời, nguy cơ viêm phổi, viêm não cao hơn và sức đề kháng yếu hơn so với trẻ bình thường”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm gì khi mẹ bầu mắc sởi?

Bác sĩ Đào khuyên khi không may mắc phải bệnh sởi trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thực hiện các bước sau để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi:

- Thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, để được bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

- Uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung chế độ dinh dưỡng cân đối để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể nhanh chóng phục hồi.

- Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt hay kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

- Chú ý theo dõi tình trạng của thai nhi và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời.

Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phụ nữ nên được tiêm phòng sởi trước khi có thai ít nhất 1 tháng.

“Sau khi tiêm vắc-xin ngừa sởi, cần tránh thai ít nhất 4 tuần. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không được tiêm ngừa sởi. Mẹ bầu nên trì hoãn việc tiêm sởi đến khi kết thúc thai kỳ”, bác sĩ Đào khuyên.

Thùy Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/me-bau-mac-soi-nguy-hiem-the-nao-co-lay-cho-thai-nhi-khong-d205662.html