Mẹ bỉm nhận gần 300 triệu tiền thai sản gây 'sốt' MXH

Sự việc một lao động nữ nhận khoản trợ cấp thai sản lên tới gần 300 triệu đồng đang gây 'sốt' mạng xã hội không chỉ vì con số ấn tượng, mà còn làm dấy lên nhiều tranh luận về cách doanh nghiệp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và quyền lợi thực tế của người lao động.

Mới đây, trên nền tảng Threads, tài khoản @manhmanh8668 đã đăng tải hình ảnh từ ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số), thể hiện tổng số tiền trợ cấp thai sản cô được nhận là 285.480.000 đồng cho kỳ nghỉ sinh kéo dài 6 tháng. Bài viết nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ, thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm chỉ trong vòng một ngày.

Mẹ bỉm khoe trợ cấp thai sản gần 300 triệu đồng.

Mẹ bỉm khoe trợ cấp thai sản gần 300 triệu đồng.

Theo chia sẻ, nữ lao động này từng làm việc trong lĩnh vực nhân sự tại một công ty công nghệ thông tin đa quốc gia. Điều đặc biệt là đơn vị sử dụng lao động đã đóng BHXH trên toàn bộ mức thu nhập thực tế, bao gồm cả lương cơ bản và các khoản phụ cấp, thay vì mức tối thiểu như nhiều doanh nghiệp khác. Nhờ đó, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong 6 tháng trước khi nghỉ sinh của cô là 46,8 triệu đồng/tháng, đạt ngưỡng tối đa hiện nay để tính chế độ.

Theo quy định, tiền trợ cấp thai sản được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ x số tháng nghỉ chế độ. Cộng thêm khoản trợ cấp một lần khi sinh con (tương đương 2 lần mức lương cơ sở), tổng cộng cô được hưởng 285,48 triệu đồng.

Mẹ bỉm này giải thích chi tiết số tiền thai sản được hưởng.

Mẹ bỉm này giải thích chi tiết số tiền thai sản được hưởng.

Chính sách không thay đổi, chỉ là cách áp dụng khác nhau

Câu chuyện đã mở ra góc nhìn rõ ràng hơn về sự chênh lệch quyền lợi của người lao động, không phải do quy định pháp luật có sự ưu ái hay phân biệt, mà đến từ cách doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH.

Tại Việt Nam, theo luật hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH dựa trên mức lương và các khoản thu nhập cố định ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ đóng BHXH ở mức tối thiểu hoặc trên phần lương cơ bản, bỏ qua các khoản phụ cấp và thu nhập khác, khiến quyền lợi sau này như thai sản, ốm đau, hưu trí bị giảm đáng kể.

Chính điều này tạo ra sự chênh lệch rõ rệt giữa những người được đóng BHXH “đúng và đủ” và những người chỉ được đóng “cho có”. Việc nữ nhân viên nói trên nhận mức trợ cấp cao là minh chứng cho hiệu quả của chính sách khi được thực thi đầy đủ và minh bạch.

Cần minh bạch và đồng đều trong thực thi

Câu chuyện đang thu hút nhiều mẹ bỉm sữa chia sẻ những trải nghiệm tương tự, từ mức trợ cấp vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự tiếc nuối vì nơi làm việc chỉ đóng BHXH theo mức rất thấp.

Điều này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức về quyền lợi BHXH, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên chủ động tra cứu thông tin đóng - hưởng BHXH trên ứng dụng như VssID để nắm rõ quyền lợi của bản thân.

Vụ việc không chỉ là một hiện tượng mạng xã hội, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo sự công bằng và bền vững trong hệ thống an sinh xã hội.

Theo quy định hiện hành, chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con được tính theo công thức: Tiền thai sản = Trợ cấp 1 lần khi sinh con + Trợ cấp thai sản.

Trong đó: Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x mức lương cơ sở x số con. Trợ cấp thai sản = 100% mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề x số tháng nghỉ. Cách tính này áp dụng cho những người lao động được doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ và đúng quy định. Lao động tự do không đóng BHXH thì không được hưởng chế độ thai sản.

Điều đáng chú ý là từ ngày 1/7/2025, quy định mới cho phép người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng thêm chế độ thai sản, bên cạnh hai chế độ cũ là hưu trí và tử tuất. Không những vậy, nếu chồng tham gia BHXH tự nguyện thì vợ cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản, kể cả khi người vợ không tham gia.

Hiện nay, người lao động có thể dễ dàng kiểm tra thông tin hưởng BHXH của mình thông qua ứng dụng VssID. Công cụ này không chỉ minh bạch hóa thông tin mà còn giúp người dùng chủ động theo dõi các chế độ đang hoặc sắp được hưởng.

Lê Vân (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/me-bim-nhan-gan-300-trieu-tien-thai-san-gay-sot-mxh-19848.html