Mẹ cựu Tổng thống Barack Obama truyền đạt giá trị sống cho con mỗi ngày
Học cách dạy dỗ con của mẹ cựu tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama - nuôi con một mình và tạo cảm hứng chính trị cho con.
Barack Obama là cái tên quá quen thuộc không chỉ với những người dân nước Mỹ mà còn với cả bạn bè thế giới. Ông là vị tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ với 2 nhiệm kì từ năm 2008 đến 2017. Đặc biệt, những gì ông đã làm cho chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh và các vấn đề khác của nước Mỹ cũng như thế giới mới khiến người ta cảm thấy nể phục vị tổng thống này.
Và để có tổng thống Obama từng làm rạng danh một nước siêu cường của thế giới, không thể không kể đến công sinh thành và nuôi dưỡng của Stanley Ann Dunham - mẹ của vị lãnh đạo nước Mỹ.
Người có tiếng nói quan trọng trong các chương trình hỗ trợ phụ nữ
Stanley Ann Dunham sinh ra tại Wichita, Kansas, Hoa Kỳ vào năm 1942 và cùng gia đình nhập cư ở Hawaii từ khi còn nhỏ. Tên của bà - Stanley thực chất đã phản ánh khao khát có con trai của cha mẹ bà. Cũng vì nó mà suốt quãng thời gian đi học, bà luôn bị bạn bè châm chọc. Bỏ qua những lời nói đó, Stanley đặc biệt rất ham học hỏi và yêu thích triết học. Một người bạn trung học của bà đã nhận xét: “Stanley là một cô gái thông minh, nhưng có vẻ hơi trầm.”
Trái ngược hoàn toàn với tính cách khép mình của bà, cha ruột của Obama - Barack Obama Sr., lại là một người da màu gốc Phi vô cùng sôi nổi và tích cực trong lớp. Cậu học sinh này luôn là tâm điểm của đám đông, thường xuyên được phát biểu trong các cuộc tọa đàm tôn giáo, được một số tờ báo địa phương mời phỏng vấn và viết bài. Ông còn là tâm điểm trong các cuộc trò chuyện, luận bàn về chính trị, chiến tranh, bình đẳng. Trong khi cậu bé da màu này tỏa sáng, Ann lại chọn cho mình một góc khuất để lắng nghe những câu chuyện của ông.
Nếu như ở các bang khác, tình yêu và hôn nhân của người da trắng và da màu bị lên án gay gắt thì ở Hawaii - vùng đất đa sắc tộc, việc kết hôn với người da màu được luật pháp hoàn toàn chấp thuận. Từ đó, Stanley quyết định bỏ học, mang thai và kết hôn với người đàn ông gốc Kenya này. Một năm sau, cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Kenya. Nhưng khi Obama được 2 tuổi, cuộc hôn nhân của cha mẹ ông cuối cùng lại chấm dứt.
Sau ly hôn, người phụ nữ này phải gồng mình để trang trải tiền thuê nhà và nuôi con một mình. Thay vì nhồi nhét vào đứa trẻ Obama về lòng hận thù cha, Ann vẫn dạy con yêu cha và thường xuyên cho cha con giữ liên lạc. Khi con lên 2 tuổi, bà Ann tiếp tục quay lại trường đại học. Trong giai đoạn khó khăn này, một lần nữa, bà đã gặp và đem lòng yêu một sinh viên ngoại quốc tên là Lolo Soetoro - là một người đàn ông hiền lành và rất yêu thương Obama.
Di chuyển đến Jakarta sinh sống với chồng, Ann và con trai là những người ngoại quốc đầu tiên sinh sống ở khu ổ chuột này. Obama nhanh chóng kết thân được với những đứa trẻ trong xóm. Là người ngoại quốc, lại thông minh sáng dạ hơn các bạn, Obama lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Bị gọi là “thằng da đen”, nhưng cậu bé đã không để bụng, trái lại còn vui đùa và tham gia đầy đủ những hoạt động với những đứa trẻ nơi đây.
Sau này, bà học lên, nghiên cứu và đạt học vị tiến sĩ nhân chủng học. Không những vậy, bà còn có tiếng nói quan trọng trong các chương trình hỗ trợ cho phụ nữ, người lao động và dành nhiều thời gian để gặp gỡ, lắng nghe những khó khăn của người dân.
Truyền đạt giá trị sống và kiến thức cho con
Dù luật pháp ở Hawaii cho phép kết hôn với người da màu, nhưng Stanley không thể tránh khỏi sự phản đối của cha mẹ cũng như sự phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ thời điểm đó. Nhưng cô đã vượt lên trên định kiến để tìm đến hạnh phúc của mình. Sau này dù có tái hôn, Stanley cũng muốn con trai mình giữ liên lạc với cha ruột và biết về tài trí, tài năng của ông.
Chưa hết, bà cũng là người gần gũi cũng như định hình những hiểu biết ban đầu cho Obama về thế giới. Saman, người giúp việc từng làm thuê cho gia đình bà ở Jakarta cho biết, dù bận rộn, bà vẫn dành thời gian sửa bài tập về nhà cho Obama và đánh thức con trai dậy trước buổi bình minh để học tiếng Anh.
Bên cạnh đó, để con trai có ý niệm rõ ràng hơn về thế giới của những người da màu ở Mỹ, bà thường mang sách về phong trào quyền công dân sang phòng con đọc vào buổi đêm. Chính bà là người dạy cho Obama những hiểu biết về sự hòa hợp sắc tộc, bình đẳng giới, và truyền cho Obama niềm đam mê này.
Khi Obama lên 10, để con được tham dự khóa học tài năng Punahou mà cậu bé xuất sắc đạt học bổng, bà quyết định cho con mình về lại quê nhà, ở với ông bà ngoại ở Hawaii và chấp nhận sống xa con.
Em gái cùng mẹ khác cha của Obama cho biết: “Bà ấy là kiểu người luôn thấu cảm. Bà ấy có khả năng đặt bản thân mình vào vị trí của nhiều kiểu người khác nhau và bà ấy rất nghiêm khắc với chúng tôi. Chúng tôi không được phép thô lỗ, chúng tôi không được phép hèn hạ, chúng tôi không được phép kiêu căng. Chúng tôi phải có thái độ khiêm tốn và tư tưởng phóng khoáng...”.
Bà qua đời ở tuổi 52 vì ung thư buồng trứng và cổ tử cung. Sự ra đi của bà là điều hối tiếc lớn đối với cựu tổng thống Mỹ, nhưng ông luôn dành thái độ trân trọng và tri ân người mẹ của mình.