'Mẹ' đặc biệt của những đứa trẻ khác biệt
Có em bị tăng động, tự kỷ, cũng có trẻ bị khiếm thính kiêm luôn khiếm thị…, thế nhưng bà Hường đều coi chúng là con. Bà đem nỗi nhớ thương và khát khao được gần, chăm sóc con của mình để bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ 'đặc biệt' trên.
Bà Hường trong lần cho trẻ ăn sáng
Duyên đến bất ngờ
Khi ông mặt trời đỏ lừ nhô cao, rọi những tia nắng đầu tiên vào ngôi trường mang tên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) nằm chênh vênh trên ngọn đồi, cũng là lúc “bà mẫu” Phan Thị Hường cặm cụi dọn dẹp Khu nội trú trước khi đánh thức 20 đứa trẻ dậy đi học. Bà Hường cho biết, sáng nào cũng vậy, cứ 5h30 sẽ đi từng phòng gõ cửa báo thức. Nhiều cháu chỉ cần nghe tiếng động là dậy nhưng có em bị khiếm thính, bà phải tới tận giường lay mạnh mới biết.
Khi những đứa lớn xếp chăn màn cho vào tủ thật gọn gàng, bà Hường bế ra một đứa trẻ còi cọc đang “mít ướt”. “Cháu này mới vào trung tâm, tuổi cũng nhỏ nhất, chưa quen giờ giấc sinh hoạt ở đây, đêm hay tè dầm nên sáng nào tôi cũng tắm rửa sạch sẽ”, bà Hường vừa kể, đôi tay thoăn thoắt chăm chút cho cậu bé kịp giờ lên lớp. Vừa rời vòng tay “mẹ” Hường, cu cậu lại òa khóc. Như một phản xạ tự nhiên, anh cả Ngọc Bảo chìa tay bế ôm cu em nhỏ vào lòng. Bà tâm sự, mỗi đứa trẻ ở trung tâm đều bị khiếm khuyết song chúng rất yêu thương nhau và thể hiện tình cảm ấy bằng các hành động như xoa đầu, níu tay… rất đặc biệt. Đó cũng là một trong những lý do khiến bà thêm gắn bó với các cháu tại trung tâm này.
Đôi mắt u sầu, hằn sâu vết châm chim, bà Hường kể lại cơ duyên gắn bó với trung tâm bằng chất giọng đậm chất Quảng Trị. Năm 2017, bà đang làm công nhân tại Đồng Nai, thì nghe người quen bảo trên Đắk Nông tuyển người chăm sóc trẻ tiểu học ở nội trú. Thấy công việc này khá phù hợp, lại có thể đón đứa con út đang gửi ở quê lên chăm cùng nên bà đồng ý. Khi gặp hiệu trưởng, bà mới hay mình sẽ chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật. Khá bất ngờ song bà vẫn chấp nhận và coi như cơ duyên.
“Lần đầu gặp tôi, các cháu rất háo hức, tuy không thể hiện bằng lời nói nhưng ánh mắt, khuôn mặt đã nói lên tất cả. Nhìn bọn trẻ tôi lại nhớ đến cảnh đứa con trai út của mình phải chịu cảnh xa mẹ từ nhỏ, chính sự khát khao tình thân của các cháu đã đồng điệu với nỗi nhớ con trong tôi, tạo nên mối dây bền chặt”, bà Hường nhớ lại.
Một mình chăm 20 đứa trẻ khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng nhận thức như mới lên 2-3 tuổi khiến bà Hường gặp nhiều khó khăn. Những lúc đau ốm, một mình bà cùng lúc chăm nhiều trẻ. “Đêm hôm đường xa, gọi gia đình các con không được, mình tôi tự xoay. Vừa chườm nước nóng cho đứa này, tôi lại xoa đầu dỗ dành bé kia. Lúc đó rất mệt nhưng tôi lại thấy thương các cháu nhiều hơn. Lúc hết bệnh, chúng lại sà vào lòng, ôm chặt tôi từ phía sau rồi thỏ thẻ gọi bà mẫu khiến tôi ấm lòng”, bà Hường kể.
Mong tình thương bù đắp thiệt thòi
Làm “mẹ” của 20 đứa trẻ khiếm khuyết song bà Hường thuộc tên, nhớ mặt và nắm rõ hoàn cảnh gia đình mỗi cháu. Theo bà Hường, hầu hết các em ở nội trú tại trung tâm đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Có cháu bố mẹ ly hôn, có cháu người dân tộc thiểu số; thậm chí có cháu nửa năm bố mẹ mới đến đón 1 lần. Lúc này, người thân duy nhất, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu là bà.
Anh trai Ngọc Bảo bế khi em bé khóc
Gần 5 năm gắn bó với trung tâm, tự tay chăm sóc nhiều đứa trẻ khác biệt, bà Hường vẫn nhớ nhất về một cậu học trò bị tự kỷ song rất thông minh. Cậu bé học giỏi, nhưng vì gia đình không phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp thường xuyên nên bệnh càng nặng, trong lớp hay đánh bạn. Ngày đưa vào trung tâm, cháu lầm lì, ít nói, không chịu chơi với các bạn trong lớp. Các thầy cô giáo phải kiên trì, dùng nhiều phương pháp khác nhau để hỗ trợ cháu.
Sau giờ học, bà Hường lại thủ thỉ bắt chuyện. Dần dần, cậu bé trở nên thân mến bà hơn và bắt đầu chơi cùng chúng bạn. “Bỗng một ngày, tôi đang dọn dẹp thì cháu ôm chằm tôi từ phía sau. Cảm giác lúc đó rất đặc biệt, tôi đã rơi nước mắt. Đó cũng là cái ôm cậu bé dành tặng tôi trước khi chia tay trung tâm về với gia đình. Chỉ từng ấy thôi, tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, bà Hường rưng rức. Dù không gặp nhau nhiều năm nhưng lâu lâu gia đình và cậu bé vẫn hay gọi điện cho bà. Bà vui nhất là được nghe chuyện cậu bé đã hòa nhập tốt với môi trường học tập mới.
“Những khiếm khuyết đều có những tài năng riêng và người lớn phải kiên trì, tạo cho chúng môi trường để khám phá. Thế nhưng quá trình tiếp xúc, tôi thấy vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thật sự dành sự quan tâm đặc biệt với con mình. Dù tôi có chăm sóc tốt bao nhiêu, các cháu vẫn cần tình thân mẫu tử để yêu thương, vỗ về, đó chính là liều thuốc tốt nhất để các cháu sớm khỏi bệnh, hòa nhập với cộng đồng”.
Bà Hường mong muốn
Nhìn lại quá trình gắn bó, chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt tại trung tâm, bà Hường chia sẻ thật, nhiều lúc muốn từ bỏ nhưng không đành lòng. Bà tâm sự, nếu cho lựa chọn lại, bà vẫn quyết định gắn bó với trung tâm, dành tất cả tình thương và sức khỏe của mình để bù đắp phần nào thiệt thòi của các cháu. Thước đo tình yêu thương của bà đối với bọn trẻ chính là 3 tháng nghỉ hè. Ngày thường rộn ràng nhưng đến hè là về hết, khiến bà rất nhớ khoảnh khắc các con nô đùa, hay ôm bà từ phía sau. Trẻ sinh ra không may bị khiếm khuyết đã kém may mắn, nay lại thiếu vắng tình thương của cha, sự chăm sóc của mẹ, bà Hường thấy rất xót xa. Điều bà mong mỏi là các cháu thật khỏe mạnh, được gia đình yêu thương để sớm đoàn tụ, bắt đầu hòa nhập với cộng đồng.
Ông Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đắk Nông cho biết, trung tâm có 37 học viên nhưng có 20 em ở lại khu nội trú. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho trẻ, bà Hường còn kiêm luôn việc “giữ trẻ” ban đêm. Chăm sóc trẻ bình thường đã vất vả, trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ càng khó khăn hơn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/me-dac-biet-cua-nhung-dua-tre-khac-biet-post1330023.tpo