Mê đắm điệu Then
Trong tiếng gió xào xạc nơi miền sơn cước, len lỏi qua tán rừng, nương lúa dập dờn, dịu dàng quanh bếp lửa, làn điệu Then, đàn Tính của người Tày từ bao đời nay luôn đắm say lòng người. Tiếng Then đã hóa thành cội nguồn của tình yêu quê hương trong mỗi người.
Du khách đến với Tuyên Quang, ghé thăm những bản làng của người Tày ở Na Hang, Chiêm Hóa…được lắng nghe hát Then sẽ là một trải nghiệm đầy cảm xúc, đậm nét văn hóa vùng cao. Xã Tân An (Chiêm Hóa) không chỉ nổi tiếng bởi những cọn nước khổng lồ mà còn là một trong những cái nôi của làn điệu Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Ở đây, ai cũng có thể hát được một vài lời Then, nhiều em thiếu nhi ngay từ khi 6, 7 tuổi đã tham gia các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của thôn, của xã. Em nào cũng hăng hái học hỏi và cố gắng hát cho thật hay, thật nhuần nhuyễn, bởi đó là niềm tự hào của dân tộc mình.
Mảnh đất này cũng đã sản sinh ra một người con ưu tú là Hà Thuấn - Nghệ nhân nhân dân đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, người có công lớn trong việc khôi phục, bảo tồn các làn điệu Then cổ và đưa nghệ thuật Then trở nên phổ biến, đến gần hơn với công chúng. Ông Thuấn cho biết, lời Then chắt lọc những tinh túy trong ngôn ngữ của người Tày, nó vừa trữ tình, giàu nhạc điệu, bao hàm trong nó là lời khuyên răn, khích lệ, những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... nên ai cũng có thể tiếp cận và thấy mình trong những điệu Then.
Năm nay, ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ông vẫn miệt mài tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu Then, đồng thời mở các lớp dạy hát Then, đàn Tính cho các em nhỏ trên địa bàn xã, nhằm bảo tồn bền vững di sản này. Ông tâm niệm, hát Then là một báu vật văn hóa, nó cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau. Cần phải khuyến khích, động viên thế hệ trẻ để họ hiểu và tâm huyết với Then.
Ngoài những bài Then cổ mang đậm tính nghi lễ, hiện nay ở nhiều địa phương còn sáng tác nhiều bài Then mới theo các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay trên quê hương mới… Những làn điệu Then được đặt lời mới và hát bằng tiếng Việt giúp mở rộng hơn đối tượng khán giả thưởng thức bởi ai cũng có thể hiểu lời và hát theo. Hơn nữa, với nội dung gần gũi và đa dạng, những làn điệu Then mới này đã được trình diễn ở rất nhiều các chương trình, hội diễn văn nghệ.
Chị Vũ Thị Hồng, một người con của mảnh đất Hưng Yên hiện nay đã lấy chồng, làm dâu ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, trong ngày cưới của mình, chị rất ấn tượng với quê hương của chồng vì có làn điệu Then đặc sắc. Dù là lần đầu tiên được nghe các bà, các bác hát Then nhưng chị cảm thấy rất thân quen và gần gũi, nó thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lại hòa cùng tiếng đàn Tính nên càng thêm phần hấp dẫn.
Đàn Tính là một nhạc cụ truyền thống vừa có thể độc tấu, đệm cho hát, múa, vừa có thể hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc khác. Đàn có âm sắc êm dịu, thanh thoát. Hiện nay, có nhiều nghệ nhân ở Tuyên Quang dành nhiều thời gian và tâm huyết để chế tạo đàn Tính. Tại Câu lạc bộ hát Then - đàn Tinh thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang), các thành viên đều dùng đàn do nghệ nhân Hoàng Liên Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ làm, giúp cho các thành viên có thêm tâm huyết. Tiếng đàn, tiếng hát của họ đã vang lên ở nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần đưa làn điệu Then đến với đông đảo nhân dân.
Đối với dân tộc Tày, hát Then luôn hiện diện trong cuộc sống, nhất là trong các nghi lễ tâm linh. Năm 2012, Nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giúp làn điệu Then ngày càng lan tỏa, bền vững trong nền văn hóa Việt Nam.