Mẹ đang đi chống dịch, chỉ dám nhìn con từ sau cổng bệnh viện

Mẹ đi chống dịch hơn một tháng nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, con trai nữ điều dưỡng Hạnh đòi đến nhìn mẹ, nức nở mong được bế.

Chứng kiến con trai khóc, gọi mẹ bên ngoài cổng bệnh viện, điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh chỉ biết dặn chồng giữ con ở xa. Vì đang trực chiến, chị không thể ôm con vào lòng.

Khoảnh khắc đoàn tụ đặc biệt này được một đồng nghiệp của chị Hạnh chụp lại, đăng lên mạng xã hội.

Chia sẻ với Zing, điều dưỡng Hạnh cho biết làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương. Từ khi nơi này bị cách ly do xuất hiện cụm Covid-19, nhiều nhân viên y tế bị nhiễm, một số y bác sĩ tiếp xúc phải cách ly, chị Hạnh được điều động tăng cường sang cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

 Điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh chỉ dám nhìn con trai từ xa.

Điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh chỉ dám nhìn con trai từ xa.

Chỉ dám nhìn con từ xa

Dù đã hết thời hạn cách ly, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều ca chuyển biến nặng, các y bác sĩ có kinh nghiệm phải tiếp tục cắm chốt, làm nhiệm vụ.

Không thể về nhà, trong ngày 1/6, chị Hạnh chỉ có thể gửi quà rồi gọi điện động viên cậu con trai 3 tuổi.

“Qua điện thoại, con chỉ khóc, đòi mẹ, rồi bắt bố đưa đi gặp mẹ. Do yêu cầu công việc, khi gặp con, tôi chỉ dám đứng từ xa, an ủi cháu ở nhà nghe lời bố và bà nội", chị Hạnh kể lại.

Công việc vất vả

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang có khoảng 40 bệnh nhân Covid-19, phần lớn có mức độ bệnh lý từ trung bình đến nặng. Sau thời gian điều trị, vài người đã âm tính nhưng tình trạng vẫn nguy hiểm.

Trong khi đó, lực lượng trực chiến chỉ có 25 người gồm 5 bác sĩ và 20 điều dưỡng, việc chăm sóc bệnh nhân ngày đêm rất vất vả.

Ca làm việc của chị Hạnh thường bắt đầu từ trưa, kéo dài tới 19h30. Một ngày làm việc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 rất khác bình thường, theo chế độ 3 ca 4 kíp. Mỗi ca kéo dài khoảng 8 tiếng, luân phiên thay đổi nhân viên.

 Nữ điều dưỡng mong sớm kiểm soát được dịch bệnh để về với gia đình.

Nữ điều dưỡng mong sớm kiểm soát được dịch bệnh để về với gia đình.

Thế nhưng, hết ca không có nghĩa là chị được rời nhiệm vụ. Số lượng bệnh nhân đông, chị và các đồng nghiệp sẽ mặc quần áo bảo hộ, sẵn sàng làm việc bất cứ khi nào cần tăng cường. Họ luôn phải để ý xem bệnh nhân thiếu gì, cần gì để hỗ trợ kịp thời.

Đối với chị, bộ đồ kín bưng gây vướng víu và khó chịu nhất vì khó di chuyển, nước từ hơi thở làm mờ lớp kính bảo hộ, khẩu trang chống dịch gắn chặt vào mặt.

Trong khi đó, thời tiết nóng nực, phòng bệnh lại không thể sử dụng điều hòa để đảm bảo thông thoáng khí.

"Trời nóng nực, mồ hôi đổ như tắm, tôi kiệt sức rất nhanh, thường xuyên bị khó thở, ù tai, mọi thao tác công việc cũng mất nhiều thời gian hơn".

Nữ điều dưỡng tiết lộ chị tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ năm 2020.

Tuy nhiên, đây là lần chị xa nhà lâu nhất. Chính vì thế, cuộc sống gia đình không ít xáo trộn.

"Con gái lớn rất thiệt thòi vì năm nay thi đại học. Thời khắc quan trọng như vậy mà không được mẹ quan tâm, hướng dẫn, phải tự lập, chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Đôi khi tôi hết ca, rỗi việc thì con còn học bài, lúc con rỗi thì tôi phải làm việc".

Chị Hạnh phải tranh thủ từng phút gọi về nhà, hướng dẫn con gái lớn làm việc nhà, chăm sóc em thay phần mẹ, động viên con học.

Mong ước lớn nhất của điều dưỡng Hạnh là dịch bệnh sớm được kiểm soát, các bệnh nhân hồi phục, chị được về với gia đình.

"Mong thời gian tới con gái lớn thi đạt kết quả tốt, con trai út cũng khỏe mạnh hơn. Dịch bệnh hết, mẹ sẽ về với các con", chị nhắn nhủ.

Kiều Trang

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/me-dang-di-chong-dich-chi-dam-nhin-con-tu-sau-cong-benh-vien-post1224134.html