Mẹ dạy con về tiền, sức lao động và kỹ năng quản lý tài chính từ bé

Dưới đây là những bí quyết mà chị Quế Ngọc dạy con về tiền và sức lao động.

Khi quan sát những gia đình xung quanh, chị Quế Ngọc (sống tại Nhật Bản) nhận thấy phần lớn phụ huynh rất ngại đề cập chuyện tiền bạc trước mặt con. Quan điểm của chị Ngọc thì hoàn toàn ngược lại: Giúp con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền và sức lao động từ bé thì sẽ sớm mang lại kỹ năng quản lý tài chính khi con trưởng thành. Lúc con 3-4 tuổi và dần nhận thức được các khái niệm cơ bản thì bà mẹ 2 con đã bắt đầu dạy các bé về tiền thông qua các hoạt động thường ngày.

Nhờ phương pháp giáo dục của mẹ, 2 em bé Nova Mai Anh (gần 3 tuổi) và Lucian Đăng Khoa (4 tuổi rưỡi) hiểu thêm về tiền và trân trọng sức lao động. Dưới đây là 4 nguyên tắc chị Ngọc áp dụng với các con.

1. Giao cho con việc thanh toán khi đi mua hàng

Cuối tuần mình hay đưa con đi chợ mua đồ ăn, hoặc đi ăn nhà hàng. Lần nào mình cũng để con tự thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ, để con hiểu được rằng tiền là vật để trao đổi hàng hóa, dịch vụ, là một phương tiện thanh toán. Thỉnh thoảng mình đặt ra hạn mức khi đi chợ, chỉ đưa cho con một số tiền nhất định, nếu không đủ để thanh toán thì mình sẽ cùng con cân nhắc chọn ra những món đồ ít cần thiết hơn và gửi trả lại. Việc này nhằm giúp con hiểu được rằng những gì chúng ta cần sẽ được ưu tiên hơn những gì mong muốn.

2. Trò chuyện, giải thích cho con về giá trị của đồng tiền

Có một lần khi con đòi mua đồ chơi, mình từ chối bằng cách giải thích.

Con đã biết rằng, đồ chơi phải được mua bằng tiền. Số tiền mà gia đình mình có là có hạn. Chúng ta dùng tiền để chi trả những thứ yếu duy trì cuộc sống của cả nhà: căn nhà nơi mình trú ngụ, tất cả các vật dụng trong nhà (chỉ cho con thấy các món nội thất, đồ điện, quần áo...), món ngon mình ăn hằng ngày, nước uống, tắm rửa, điện để chạy tất cả các thiết bị trong nhà, internet, sách vở...

Nếu muốn có nhiều tiền hơn để mua nhiều đồ chơi thì mẹ phải đánh đổi thêm thời gian và sức lao động của mình. Mẹ sẽ phải ở lại công ty lâu hơn, mẹ cũng sẽ mệt mỏi mà căng thẳng hơn nhiều. Thế con có muốn có đồ chơi mới hay muốn mẹ ở nhà chơi cùng con hơn?

Thật may mắn là con hiểu và nói rằng con chọn được ở bên cạnh mẹ.

2 em bé được tự thanh toán giỏ hàng.

2 em bé được tự thanh toán giỏ hàng.

3. Dạy con về đầu tư

Theo mình, ở tuổi của con, giai đoạn 3-4 tuổi thì có những khoản đầu tư chính là sức khỏe, giáo dục, và trải nghiệm.

- Mình kiên nhẫn giải thích cho con hiểu rằng sức khỏe chính là tài sản quý giá nhất. Để giữ gìn sức khỏe thì mẹ con mình nên dùng tiền để mua các loại thức ăn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như: trái cây, rau củ, thịt cá, trứng sữa… Bánh kẹo thì rất ngon nhưng ăn nhiều sẽ rất hại cho cơ thể. Con nhớ mỗi lần bị ốm cả người đau nhức, mỏi mệt. Con muốn có sức đề kháng khỏe mạnh để chống lại bệnh tật thì siêng năng ra ngoài trời chạy nhảy, chơi thể thao với ba mẹ nhiều hơn.

- Con rất thích đọc sách về khoa học tự nhiên. Mình luôn dành ra một khoản tiền hằng tháng để mua sách, đồ chơi, phần mềm giáo dục, khuyến khích tính tò mò trong con, động viên con tìm tòi, học hỏi kiến thức mới. Con có hứng thú với các môn năng khiếu đàn, vẽ, ca múa. 2 vợ chồng cũng mua đàn piano, mua bút màu vẽ để nuôi dưỡng trong con tình yêu với nghệ thuật và cái đẹp. Mình tin rằng giáo dục sớm là một khoản đầu tư vững chắc cho tương lai của con.

- Vợ chồng mình cũng cố gắng tiết kiệm tiền đi du lịch, để con được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, đưa con đến những nơi có nhiều điều mới mẻ, thú vị, cùng con gặp gỡ nhiều người, giúp con mở mang tầm mắt, mở rộng cách nhìn nhận, đánh giá thế giới xung quanh.

Bảng điểm thưởng này cũng rất có ích cho việc thay đổi hành vi của con theo hướng tích cực hơn. Ba mẹ có thể dùng để khuyến khích con luyện tập những thói quen tốt: đi ngủ đúng giờ, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi…

Bảng điểm thưởng này cũng rất có ích cho việc thay đổi hành vi của con theo hướng tích cực hơn. Ba mẹ có thể dùng để khuyến khích con luyện tập những thói quen tốt: đi ngủ đúng giờ, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi…

4. Phần thưởng cho sức lao động và tính tiết kiệm

Ở nhà mình luôn khuyến khích con tự làm những việc vừa sức: dọn dẹp đồ chơi, gom quần áo bẩn cho vào máy giặt, dọn chén bát trên bàn sau bữa cơm, tưới cây trong vườn... Mỗi khi con hoàn thành nhiệm vụ thì thay vì tiền, mình sẽ thưởng cho con 1 hình dán (sticker). Khi tiết kiệm được 30 hình dán thì con sẽ được chọn một món quà yêu thích. Hai anh em rất nhiệt tình hưởng ứng và luôn hào hứng khi giúp mẹ làm việc nhà. Anh hai Lucian mong rằng với số hình dán tích cóp được anh sẽ đổi lấy mô hình đoàn tàu shinkansen tsubasa. Em bé Nova thì xin thật nhiều dâu tây để ăn cho thiệt đã cái miệng.

"Dù không phải là chuyên gia tài chính, cũng chẳng giàu có gì nhưng mình luôn mong muốn được đồng hành cùng con học hỏi về cách mà thế giới vận hành, bao gồm cả cách mà chúng ta đối xử với đồng tiền, từ đó có trách nhiệm hơn với cuộc sống của bản thân và có thái độ đúng đắn với các mối quan hệ và vạn vật xung quanh mình. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích một phần nào đó tới các ông bố bà mẹ trẻ nhé", chị Ngọc chia sẻ thêm.

Thảo Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-day-con-ve-tien-suc-lao-dong-va-ky-nang-quan-ly-tai-chinh-tu-be-20230201092710625.htm