'Mẹ đỡ đầu' một chương trình nhiều ý nghĩa

Chia sẻ về chương trình này, bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người. Theo số liệu rà soát của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh, đến nay có hàng trăm trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ, người thân.

“Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, của tỉnh đã được triển khai thực hiện, các tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ các em vượt qua mất mát bằng sự chăm sóc tận tình, ấm áp của cộng đồng, với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp cho trẻ em và không để trẻ em nào phải nghỉ học vì Covid-19”, bà Nga nói.

Các em mồ côi được nhận hỗ trợ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này cũng như tích cực hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Ban Thường vụ Hội LHPN, Hội Nữ Doanh nhân tỉnh thống nhất thực hiện hỗ trợ, nuôi dưỡng, đỡ đầu cho các trẻ em mồ côi. “Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, khảo sát và lập danh sách trẻ em thường trú có hoàn cảnh khó khăn, mất mẹ, cha, người thân bởi dịch bệnh. Sau khi có danh sách người hỗ trợ và các bé, hội đã tiến hành tổ chức ký kết phối hợp giữa hai đơn vị. Chương trình kết nối Ngân hàng Vietcombank mở tài khoản cho người giám hộ của các bé để nhận hỗ trợ”, bà Nga chia sẻ.

Tính tới thời điểm này, có 38 nữ doanh nhân đã nhận làm mẹ đỡ đầu, hỗ trợ 105 em từ 1 đến 16 tuổi do Hội LHPN tỉnh giới thiệu. Hình thức thống nhất theo quy định chung là hỗ trợ các em hàng tháng 1 triệu đồng trong 12 tháng, với tổng số tiền 1,260 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ, tùy theo điều kiện của mỗi nữ doanh nhân có thể hỗ trợ thêm tập sách, đồ dùng học tập, sữa, quần áo, máy vi tính học online. Các “mẹ đỡ đầu” cũng có thể cho các em được tham gia các lớp học năng khiếu ngoại ngữ, vi tính, học võ, học múa…

Sau một năm thực hiện chương trình, hai đơn vị sẽ có đánh giá kết quả hỗ trợ, những khó khăn thuận lợi trong quá trình thực hiện cũng như nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của các em, người giám hộ để điều chỉnh tăng hoặc giảm số lượng các em được nuôi dưỡng. Có những “mẹ đỡ đầu” nếu không đủ điều kiện để nuôi dưỡng tiếp thì lãnh đạo hai bên sẽ điều chỉnh phân công cho nữ doanh nhân khác nhận hỗ trợ tiếp tục cho các em.

Bà Vũ Kiều Nữ, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, cho biết khi được Tỉnh hội đề xuất chương trình làm “Mẹ đỡ đầu”, chỉ trong 2 ngày, các chị trong Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã kêu gọi nhau cùng chung tay giúp các em và có 38 chị đăng ký tham gia. Đây là một điều rất đáng mừng bởi có như thế các em sẽ được chia sẻ, giúp đỡ để nguôi ngoai nỗi đau, để yên tâm cho việc học…

Nữ doanh nhân Lê Thị Minh, một người tích cực tham gia chương trình cho rằng đi cùng các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trong các chương trình từ thiện từ ngày đầu dịch bệnh bùng phát, chị rất thấu hiểu những khó khăn và muốn chia sẻ, hỗ trợ giúp các em được ổn định cuộc sống. Chị nhận hỗ trợ 23 em thường trú ở TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên. Chị Nguyễn Thị Bình, chủ một doanh nghiệp nhận hỗ trợ 4 em, cho rằng “Đây là một việc nên làm để phần nào giúp các em vơi bớt nỗi đau”.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao những việc làm ý nghĩa, tấm lòng nhân ái của các nữ doanh nhân. Ông cho rằng sau này trong cuộc sống, nếu các em có bất cứ khó khăn gì, người giám hộ cần nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương, Ban giám hiệu trường nơi các em học, các tổ chức hội, đoàn thể để được hỗ trợ kịp thời. Mục đích lớn nhất là không để các em nghỉ học giữa chừng do điều kiện kinh tế quá khó khăn.

QUỲNH NHƯ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/me-do-dau-mot-chuong-trinh-nhieu-y-nghia-a260616.html