Mẹ hy sinh hạnh phúc riêng, bảo vệ con thoát khỏi bạo hành

Nếu phát hiện trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại thì người thân, cộng đồng và nạn nhân cần lên tiếng mạnh mẽ. Tất cả phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi và an toàn cho trẻ nhỏ.

Mặc dù, chính sách pháp luật ban hành những quy định rõ ràng, có chế tài nghiêm khắc nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại vẫn còn tồn tại.

Trẻ em có thể bị bạo hành về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đó là những hành vi đánh đập, bỏ đói, xúc phạm, gây thương tích…

Tuy nhiên, nhiều em nhỏ không nhận thức được những hành vi kể trên là bạo hành. Các em nghĩ do mình mắc lỗi nên cha mẹ nóng nảy, dạy dỗ… bằng đòn roi. Một số khác sợ kêu cứu thì càng bị bạo hành nhiều hơn.

Vì vậy, các em chọn cách im lặng, không trình báo, không nhờ người khác hỗ trợ.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, UVBCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận và hỗ trợ các vụ việc trẻ em bị bạo hành trong quá trình hành nghề và tham gia Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Mỗi vụ việc đều khiến ông có những trăn trở nhất định.

Việc nạn nhân và cộng đồng (cha mẹ, bạn bè, hàng xóm…) không lên tiếng khi phát hiện hành vi bạo hành hoặc xâm hại là căn nguyên khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng.

Gia đình và xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ em

Gia đình và xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ em

Luật sư Cường cho biết: “Pháp luật quy định rõ bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô mà của cả cộng đồng. Khi chứng kiến trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bất kỳ ai cũng phải can thiệp, hỗ trợ, trình báo với cơ quan chức năng.

Nạn nhân cũng phải lên tiếng để tự bảo vệ mình. Khi bị bạo hành, các em cần lên tiếng, gọi đến tổng đài 111 để có chuyên viên tư vấn, tiếp nhận, hỗ trợ.

Các em cũng có thể gửi lời cầu cứu đến trang của những tổ chức bảo vệ trẻ em. Hoặc các em nhờ bạn bè, người thân, thầy cô, hàng xóm… giúp đỡ.

Trẻ cần có đủ nhận thức mình là đối tượng được cả xã hội quan tâm, bảo vệ. Nếu các em cứ âm thầm chịu đựng bạo hành thì về sau sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.

Hiện tại, các em được nhà trường, cơ quan chức năng phổ biến nhiều kiến thức về quyền trẻ em. Khi các em dũng cảm kêu cứu, mọi người chắc chắn bảo vệ”.

Ngoài nạn nhân, người thân và cộng đồng cũng cần nhạy cảm để phát hiện, bảo vệ trẻ trước vấn nạn bạo hành, xâm hại.

Luật sư Cường đưa ra ví dụ: “Tôi từng hỗ trợ một trường hợp trẻ bị cha dượng đánh đập và bỏ đói. Người cứu bé thoát khỏi bạo hành chính là mẹ ruột.

Mẹ bé nhận thấy con riêng có những biểu hiện bất thường nên nảy sinh nghi ngờ. Chị âm thầm lắp camera để theo dõi hành động của chồng. Thì ra, cha dượng giận dỗi, ghen tuông nên trút giận lên con riêng của vợ

Khi có chứng cứ rõ ràng, người mẹ chuyển cho luật sư để xử lý theo pháp luật. Sau đó, cha dượng phải nhận án tù”.

Một trường hợp khác, người phụ nữ đã phải ôm con bỏ trốn khỏi người chồng bạo lực. Chồng chị thường xuyên đánh đập, sỉ nhục con cái.

“Chị tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn và hỗ trợ. Chúng tôi rất băn khoăn và tìm hiểu xem có thể hòa giải cho họ hay không.

Tuy nhiên, chồng chị thực sự rất thô lỗ, cộc cằn và thiếu hiểu biết. Nếu chờ người cha có tính cách như thế thay đổi thì chắc cũng qua hết tuổi thơ của đứa trẻ.

Thế nên, chúng tôi đưa ra các phương án để chị lựa chọn. Cuối cùng, chị chọn hy sinh hạnh phúc riêng, ly hôn để bảo vệ an toàn, tính mạng của con”, luật sư Cường chia sẻ.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/me-hy-sinh-hanh-phuc-rieng-bao-ve-con-thoat-khoi-bao-hanh-2353991.html