Mẹ là cô giáo vùng cao

Giờ thì tôi đủ lớn để hiểu tại sao có những đêm bất chợt, mẹ đang cười lại khóc. Mẹ nô đùa với tôi, xoa đầu tóc rối của tôi, ôm tôi vào lòng rồi lại âm thầm quệt ngang hai hàng nước mắt mỗi khi màn hình điện thoại sáng. Những giọt nước mắt chưa kịp giấu đi của mẹ cứ thế theo tôi như một sự ám ảnh.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tôi bước vào trung học ở một trường phố thị nhưng những kỷ niệm gắn với vùng cao, với ngôi trường mà cô giáo cũng chính là mẹ tôi thì mãi vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.

Mẹ tôi, một cô giáo “cắm bản” của một trường tiểu học vùng biên xứ Thanh. Bố tôi làm lái xe cho một công ty vận tải. Chúng tôi có một ngôi nhà ở phố sau khi bố mẹ kết hôn, dành dụm có được. Tuy nhiên, công việc của bố mẹ tôi lại mỗi người một chỗ.

Sau nhiều năm tháng mẹ ở nhà chăm bẵm tôi từ khi lọt lòng, không thể mãi là gánh nặng của bố, và muốn viết tiếp ước mơ “gieo chữ”, mẹ làm hồ sơ tình nguyện xin lên giảng dạy ở một ngôi trường vùng biên.

Tôi theo mẹ lên với vùng đất rẻo cao đầy khó nhọc chỉ bởi bố tôi đi suốt. Một năm, hai năm, căn nhà ở phố thị, nơi tổ ấm của gia đình tôi dần trở nên hoang lạnh, những mảng rêu xanh cứ thế lan rộng ra, mọc dài lên trên những bức vách tường vôi xẫm màu. Những cuộc gặp của bố mẹ cũng dần trở nên chóng vánh hơn, một vài lời qua lại chủ yếu nói với tôi rồi bố lại đi.

Trên chuyến xe khách, suốt quãng đường mẹ cứ đờ đẫn nhìn qua ô cửa kính đầy tâm trạng. Mẹ chỉ giật mình, trở lại với thực tại sau cái túm tay áo, níu áo hỏi ngu ngơ của tôi: “Mẹ ơi, đến chưa hả mẹ? Mẹ ơi sao bố không lên ở với mẹ con mình, mẹ nhỉ?”.

Những năm tháng kéo dài tuổi thơ tôi là những kỷ niệm gắn với vùng cao. Ở đó cô giáo của tôi cũng chính là mẹ. Mẹ đã dạy tôi biết bao điều về cuộc sống, về cách làm người. Mẹ bảo, ở nơi xa không có bố bên cạnh, con phải ngoan, học giỏi, phải là người đàn ông để chăm lo cho mẹ mỗi khi mẹ buồn. Tôi gật đầu lia lịa nhưng chỉ là gật để mẹ vui chứ đã hiểu biết gì.

Cuộc sống của mẹ con tôi vất vả là thế! Để có nơi sinh hoạt, có giấc ngủ ngon, bà con dân bản vùng cao đã góp công, góp sức dựng tạm túp lều cho mẹ con tôi và một vài cô giáo “cắm bản” khác. Những bữa ăn, thức uống cũng đạm bạc, chủ yếu là xôi đồ sắn, kèm với vài ba con cá chỏng rim mặn. Mẹ bảo ăn vậy no lâu.

Ở ngôi trường vùng cao ấy, tôi còn có những người bạn học là đồng bào người Mông. Các bạn nói tiếng Kinh chưa sỏi nhưng ai cũng tốt cái bụng. Sau mỗi buổi tan lớp, lũ chúng tôi lại dô hò ra con suối bắt cá, mò cua, tắm nghịch. Khi thì vào rừng săn bắt ve, ếch nhái… về làm đồ ăn.

Sinh ra ở phố thị sầm uất nhưng tuổi thơ tôi lại là đứa trẻ vùng cao chính hiệu. Từng ngày tôi lớn lên dưới tình yêu thương của mẹ, sự đùm bọc của bản làng và lũ trẻ cùng trang lứa. Còn với mẹ, tôi thấy mẹ như bông hoa mỗi ngày một phai sắc, héo mòn. Những nếp nhăn xuất hiện nhiều trên vầng trán, dưới đáy mắt…

Những lần xuôi bản về phố thị thưa dần, những cuộc trò chuyện dần vắng đi hình ảnh của bố. Tôi đã thấy mẹ khóc rất nhiều mỗi khi màn hình điện thoại sáng. Phía sau hình ảnh đại diện của bố, là những dòng tin nhắn, những cự cãi giữa hai người, âm thầm, nhói đau… không cho tôi biết.

Giờ tôi đã là học sinh trung học, những kỷ niệm tuổi thơ tôi với mẹ là những buồn, vui nơi bản nghèo vùng biên đầy gian khó. Sau nhiều năm gắn bó vùng cao mẹ cũng được thuyên chuyển về dạy ở một trường miền xuôi gần thành phố. Còn bố, trải qua những biến cố cũng kịp để nhận ra gia đình, vợ con là số 1. Mẹ tôi tha thứ, bông hoa héo úa năm nào giờ có khí sắc hơn, vui tươi hơn.

Căn nhà phố thị hoang lạnh nay lại rộn rã tiếng cười đùa ấm áp!

Sơn Đình

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/me-la-co-giao-vung-cao/23173.htm