Mê Lý Tiểu Long, hoàng tử châu Phi bỏ bóng đá lên Thiếu Lâm Tự thành cao thủ
Vì say mê các bộ phim của Lý Tiểu Long, Dominique Saatenang đã rời châu Phi để tới Thiếu Lâm Tự, thay vì trở thành một cầu thủ bóng đá.
Video Dominique Saatenang biểu diễn võ công Thiếu Lâm
Khi Dominique Saatenang còn là một cậu bé ở ngôi làng Bafou (Cameroon) quê hương mình, ông đã bị mê hoặc bởi những bộ phim của Lý Tiểu Long. "Tôi bị cuốn hút bởi võ thuật từ khi 10 tuổi”, Dominique Saatenang giải thích. "Cha tôi muốn tôi trở thành một cầu thủ bóng đá. Nhưng nhờ những bộ phim kung fu và nhờ Lý Tiểu Long mà tôi đã tìm thấy chính mình ở Trung Quốc. Tôi đã trở thành Lý Tiểu Long của châu Phi”, Dominique Saatenang khẳng định.
Theo Baidu, Dominique Saatenang thực chất là hoàng tử 1 bộ tộc ở châu Phi. Từ năm 8 tuổi, ông đã thể hiện tài năng thể thao đáng kinh ngạc và đến năm 10 tuổi, ông trở thành đội trưởng đội bóng đá của trường. Lần đầu tiên Dominique Saatenang xem bộ phim kinh điển của Lý Tiểu Long là "Long Tranh Hổ Đấu", ông đã bị cuốn hút bởi võ thuật Trung Quốc.
"Khoảng 10 tuổi, tôi được gửi đến Douala để tham gia một khóa tuyển trạch bóng đá. Ở đó, tôi đã xem phim của Lý Tiểu Long. Khi trở về nhà, tôi chỉ có một suy nghĩ trong đầu: học kung fu”, Dominique Saatenang bộc bạch.
Chuyến đi tới Thiếu Lâm Tự đầu tiên của Saatenang là vào năm 1999 khi ông 24 tuổi. Lúc đó, Dominique Saatenang chỉ có thể tham gia các khóa học tại một trong nhiều trường bao quanh núi Tung Sơn. Rất ít người nước ngoài tìm được đường vào Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn, nơi linh thiêng nhất của võ thuật Thiếu Lâm, một trong những phong cách võ thuật Trung Hoa lâu đời nhất.

Dominique Saatenang đã rời châu Phi để tới Thiếu Lâm Tự học võ thuật
Đến Trung Quốc, Saatenang phải đối mặt với các thử thách, bao gồm cả rào cản ngôn ngữ, tuy nhiên ông vẫn kiên định về việc học võ thuật. "Mục tiêu của tôi là gia nhập Thiếu Lâm Tự. Nhưng tôi được cho biết điều đó là không thể với người nước ngoài”, Saatenang thổ lộ. Bất chấp cảnh báo, ông vẫn đến ngôi chùa nổi tiếng đúng vào lúc vị trụ trì Thích Vĩnh Tín đang thuyết giảng. "Tôi nhìn thấy vị sư phụ ra hiệu cho tôi đến gặp ông. Tôi không biết tại sao giữa đám đông ấy ông lại chọn tôi", Saatenang kể lại và tin rằng đó là "định mệnh". Ông rời cuộc gặp với tấm danh thiếp có chữ ký của vị trụ trì, chính thức bước chân vào Thiếu Lâm Tự.
Saatenang có 5-6 năm tập luyện vất vả ở Thiếu Lâm Tự và trong thời gian đó ông đã nhận được pháp danh "Thích Diên Mạch”. Ông học tiếng Quan thoại, y học cổ truyền và dĩ nhiên cả võ thuật của Thiếu Lâm Tự.
Tại ngôi chùa nghiêm ngặt này, Dominique Saatenang phải thức dậy lúc 4h30 sáng. Buổi cầu nguyện đầu tiên bắt đầu lúc 5h sáng, sau đó là bữa sáng với súp rau và cơm. Rồi ông bước vào 8 tiếng tập luyện. "Tôi đã suýt bỏ cuộc nhiều lần”, Dominique Saatenang nhớ lại. "Đó là một quá trình huấn luyện rất khó khăn. Nhiều người đã từ bỏ."
"Mỗi tối, chúng tôi mệt đến mức không buồn ăn hay tắm. Ở đó không có nước nóng. Thật sự, tôi đã nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ mỗi lần nản chí, tôi lại nghĩ đến gia đình. Tôi đã làm họ thất vọng khi từ bỏ bóng đá, tôi không thể làm họ thất vọng thêm lần nữa”, Dominique Saatenang kể lại.
Saatenang được cho là nhà sư Thiếu Lâm đầu tiên đến từ châu Phi. Ông là truyền nhân Thiếu Lâm Tự đời thứ 34. Các sư phụ ở Thiếu Lâm Tự đã giới thiệu Saatenang lên học ở trường Đại học Thể thao Bắc Kinh để tiếp tục học tập. Saatenang đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tại đây và nhận được bằng cử nhân võ thuật.

Dominique Saatenang được biết tới là "Lý Tiểu Long của châu Phi"
Saatenang cũng tích cực tham gia nhiều giải đấu thể thao và giành được nhiều danh hiệu. Năm 2006, ông giành hai huy chương bạc tại Giải vô địch wushu thế giới, huy chương vàng tại Liên hoan wushu quốc tế Hong Kong. Ngoài ra, Saatenang còn giành nhiều giải thưởng ở các cuộc thi võ thuật khác.
Sau khi rời Thiếu Lâm Tự, Saatenang đi nhiều nơi để truyền bá võ thuật của môn pháo. Ông đã mở nhiều trường dạy kung fu tại châu Phi ở Mali, Gabon, Senegal, Cameroon và Bờ Biển Ngà.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Saatenang từng làm diễn viên đóng thế và chỉ đạo võ thuật cho nhiều bộ phim hành động, đồng thời hợp tác với các sư huynh đệ tại Thiếu Lâm Tự trong nhiều buổi biểu diễn quy mô lớn.
Năm 2012, Saatenang chính thức được trụ trì Thích Vĩnh Tín phong tặng danh hiệu "Đại sứ Thiếu Lâm Tự", trở thành trụ cột không thể thiếu trong sự nghiệp quảng bá và phát triển văn hóa võ thuật của Thiếu Lâm Tự.
Tờ Le Monde (Pháp) cho biết khi còn nhỏ, Dominique Saatenang được kỳ vọng trở thành cầu thủ bóng đá như danh thủ Roger Milla của Cameroon.
Với những thành tích của mình, Dominique Saatenang đã được vinh danh trong bảng vàng thể thao quốc gia Cameroon và được UNESCO trao tặng huân chương.
Dominique Saatenang thông thạo tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh và ngôn ngữ bộ tộc của mình - Bamileg.