Mẹ nhà thơ trần đăng khoa 'cứu thơ' cho bạn thơ của con
Nhà thơ Đào Ngọc Vĩnh là thợ mỏ chính gốc, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đông Triều - Quảng Ninh. Tốt nghiệp trường Trung cấp Mỏ Trung ương, anh về làm thợ ở mỏ Thống Nhất, sau là thợ hầm lò ở Cẩm Phả.
Hồi ở Ttrường Trung cấp Mỏ, anh tham gia nhóm văn nghệ làm báo tường. Trong nhóm có Dương Thị Xuân Quý (sau về công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam và hi sinh trong chiến trường) và Võ Khắc Nghiêm...
Vào khoảng năm 1970 - 1973, nhà thơ Trần Nhuận Minh làm Trưởng ban Thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh. Đào Ngọc Vĩnh tập hợp các bài thơ của anh mang đến nhà thơ Trần Nhuận Minh nhờ biên tập, làm thủ tục in chung với thơ của nhà thơ Yên Đức 16 bài, phần thơ của Đào Ngọc Vĩnh cũng tương tự, lấy tên chung là "Lửa hàn - Ngõ thợ".
Ít hôm sau, nhà thơ Trần Nhuận Minh mang trình duyệt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Trưởng ban đi học Trường Đảng Trung ương dài hạn. Ông VK - Phó ban thay. Ông VK chỉ duyệt phần thơ Yên Đức, còn phần thơ của Đào Ngọc Vĩnh thì nhất quyết không ký duyệt.
Tài thuyết phục của Trần Nhuận Minh cũng bất lực, ông VK bảo thơ của Đào Ngọc Vĩnh ngang ngang, lục cục (vì thời kỳ này Đào Ngọc Vĩnh đã thử nghiệm đổi mới thơ của mình). Ông VK chỉ duyệt phần thơ của Yên Đức với lẽ thơ của Yên Đức có vần điệu dễ đọc, dễ đi vào quần chúng để phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động công nhân mỏ và các tầng lớp nhân dân xông ra chiến trường đánh giặc.
Đợi gần một năm trời, sách không ra được, thấy nóng ruột, Đào Ngọc Vĩnh đạp xe từ Cẩm Phả hơn 20km tới dốc Bờ Hòn, thị xã Hòn Gai, nay là TP Hạ Long, nơi nhà thơ Trần Nhuận Minh ở, hỏi sách bao giờ được in? Trần Nhuận Minh bảo khoảng 2 tháng nữa. Đào Ngọc Vĩnh tỏ ra phấn khởi, nói:
- Thế thì tốt quá, ông cho tôi xin lại bản thảo về tôi sửa. Chỉ một tháng là xong, đưa in cũng kịp.
Chiều ý bạn, Trần Nhuận Minh đưa bản thảo cho Đào Ngọc Vĩnh. Đào Ngọc Vĩnh vội nhét vào túi áo ngực phía trong chiếc áo choàng bằng dạ. Rồi không biết nghĩ thế nào, lát sau Đào Ngọc Vĩnh đem nhét vào cái bếp mùn cưa nhà Trần Nhuận Minh mà Trần Nhuận Minh không hay biết gì.
Thật may hôm đó bà mẹ Trần Nhuận Minh vừa ở quê Hải Dương ra, lúc xuống bếp thấy có một tập giấy đang cháy giở, bà gọi Trần Nhuận Minh cho hay bà vừa xuống bếp dập lửa, kéo tập giấy từ lỗ bếp lò ra, rồi lặng lẽ cất vào thùng mùn cửa. Bà bảo con trai xuống xem sao...
Sau này nhà thơ Trần Nhuận Minh biên tập lại một lần nữa vì tập thơ bị cháy gần hết phần đầu. Trần Nhuận Minh kỳ công dồn góp cho gọn, lược các đoạn đã trùng nhau rồi sưu tầm các bài thơ ấy đã đăng ở các báo cho hoàn chỉnh, chính xác, nhằm khôi phục lại thơ cho Đào Ngọc Vĩnh. Do đó tập thơ chỉ còn lại 14 bài, sau được ký duyệt in.
Hôm đến nhà Trần Nhuận Minh xem lại"đứa con tinh thần" của mình đã được Trần Nhuận Minh chỉnh trang, Đào Ngọc Vĩnh ngạc nhiên tại sao đứa con tinh thần của mình tưởng đem đốt cháy trong bếp lò mà giờ nó không "chết" nhỉ! Tay Đào Ngọc Vĩnh run lẩy bẩy lật giở từng trang, cảm động rơi nước mắt.
Ít năm sau Đào Ngọc Vĩnh rời vùng mỏ về sống ở Hà Nội, anh cho tái bản tập thơ với tựa đề "Ngõ thợ", vẫn y như Trần Nhuận Minh đã biên tập in ở Quảng Ninh. Có được đứa con tinh thần trên tay là nhờ mẹ của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã cứu bản thảo cho tập thơ thoát khỏi tro bụi, còn nhà thơ Trần Nhuận Minh "đã cứu" nội dung, chất lượng thơ và hoàn chỉnh đứa con tinh thần cho bạn.
Còn người cứu tập thơ thoát khỏi lửa bếp lò ấy là cụ Trần Thị Sen, thân mẫu của hai nhà thơ nổi tiếng Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa. Cụ mất ngày 6/2/2020, thọ 102 tuổi.