Mẹ nhặt ve chai 20 năm, nuôi con tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa Hà Nội

Chứng kiến mẹ ở căn phòng trọ cũ kỹ, ẩm thấp chỉ vỏn vẹn 6m2, hằng ngày đi nhặt ve chai hoặc làm thuê bất cứ việc gì để có tiền, Nam mới hiểu hết những gì mẹ đã phải trải qua. 'Lúc đó em nghĩ mình phải học để đền đáp công ơn của mẹ', Nam nhớ lại.

Nếu không nhờ sự nghiêm khắc của thầy cô, có lẽ giờ này Vũ Quang Nam (sinh năm 2003) đang đi làm công nhân hay bán phở thuê ở đâu đó.

“Tương lai của mình là do mình tạo nên”, suy nghĩ ấy đã kéo Nam trở lại con đường học, từng bước thi đỗ cấp 3, vào đại học rồi tốt nghiệp sớm Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm số cao nhất – 3.96/4.0.

Vũ Quang Nam, sinh viên ngành Kỹ thuật Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Vũ Quang Nam, sinh viên ngành Kỹ thuật Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sinh ra ở xã Đồng Sơn (Nam Định), nơi có nghề làm phở nổi tiếng, Quang Nam cho biết, nhiều người bạn đều phải ở nhà với ông bà để bố mẹ đi làm ăn xa. Giống như các bạn, bố của Nam cũng từng có thời gian xa nhà đi bán phở thuê. Còn mẹ – vốn là giáo viên mầm non, vì mức lương bèo bọt đã quyết định nghỉ việc, lên Hà Nội để nhặt ve chai.

Vượt lên từ quá khứ thường xuyên bỏ bê việc học, tụ tập đánh nhau

Năm Nam lên 3 tuổi, bố không may bị tai nạn, thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị hàng tháng. Gánh nặng kinh tế vì thế đè lên đôi vai của mẹ.

Sống xa bố mẹ, không có ai quản lý, những năm cấp 2, Nam nghịch ngợm, thường xuyên bỏ bê việc học để đi tụ tập, chơi điện tử, thậm chí đánh nhau. Không ít lần, những người bạn gặp xích mích với gia đình, chán học đã rủ Nam lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền mua điện thoại, xe máy mới.

May mắn khi vào lớp 9, xã Đồng Sơn quyết định sáp nhập 3 trường THCS, Nam được chuyển xuống trường trung tâm. Được học với những người bạn mới, Nam dần tránh xa những người bạn chểnh mảng học hành trước đây.

Cũng ở ngôi trường mới, thầy cô nghiêm khắc hơn khiến Nam cùng các bạn phải học đêm ngày. “Được học trong môi trường đó là sự may mắn của em. Nếu vẫn nghịch ngợm, trốn học như trước, chắc chắn em không thể thi đỗ vào cấp 3”, Nam nhớ lại.

Nhờ thầy cô liên tục đốc thúc cùng năng lực học tập tốt, Nam từng bước vực lại, kết quả thi đỗ thủ khoa đầu vào trường THPT công lập năm 2018.

Vào cấp 3, Nam theo lớp chọn khoa học tự nhiên của trường, được học với những thầy cô giỏi nhất, từ đó tiếp thêm cho em niềm say mê học hành. Đặc biệt theo Nam, cô giáo dạy môn Lý chính là người đã “kích hoạt” khả năng tìm tòi, sáng tạo của em.

“Cô thường xuyên chia sẻ những kiến thức rất hay trên các diễn đàn Vật lý của Việt Nam và thế giới. Nhờ sự đồng hành của cô, em đã đạt điểm cao nhất môn Lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh”, Nam nhớ lại.

Nam cùng gia đình trong ngày tốt nghiệp của chị gái hơn em 1 tuổi. Ảnh: NVCC

Nam cùng gia đình trong ngày tốt nghiệp của chị gái hơn em 1 tuổi. Ảnh: NVCC

Song, một động lực khác thôi thúc Nam chăm chỉ học chính là mẹ. Nam nhớ lại, vì mẹ thường đi làm xa, hai mẹ con không có nhiều thời gian tâm sự với nhau, vì vậy em cũng không hiểu hết cuộc sống vất vả của mẹ.

Những thôi thúc vươn lên từ hình ảnh người mẹ tần tảo

Nhưng vào mùa hè năm lớp 10, khi lên Hà Nội để làm thêm và ở cùng mẹ trong căn phòng trọ cũ kỹ, ẩm thấp chỉ vỏn vẹn 6m2, em mới phần nào hiểu hết những gì mẹ đã phải trải qua.

“Mẹ không chỉ đi nhặt ve chai. Có những ngày, mẹ còn tranh thủ dọn nhà, rửa bát thuê. Cứ ai thuê gì ra tiền, mẹ đều nhận làm hết. Lúc đó em nghĩ mình phải học để đền đáp công ơn của mẹ”, Nam nhớ lại.

Năm 2021, Nam thi đại học đạt 28 điểm, trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Vừa thi xong, việc đầu tiên Nam làm là xin vào một nhà máy về may mặc để làm công nhân, từ đó có thêm khoản chi phí trang trải.

Do từng có giai đoạn “sa ngã”, vào đại học, Nam quyết tâm phải cố gắng học thật tử tế. Tham khảo các anh chị khóa trên, Nam biết các môn đại cương ở năm thứ nhất thường khó, rất dễ trượt môn, vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi, nam sinh lại lang thang khắp các diễn đàn để tìm các câu hỏi “điểm 10” ở môn Toán.

Không để “nước đến chân mới nhảy”, trước mỗi kỳ thi, Nam luôn chủ động ôn tập từ sớm. Nhờ vậy cuối kỳ năm thứ nhất, Nam đạt được điểm 10 môn Giải tích – một điểm số khá hiếm ở Bách khoa.

Để không trở thành gánh nặng cho mẹ, khi vừa vào đại học, Nam xin làm gia sư dạy môn Vật lý. Một tuần, nam sinh tranh thủ nhận dạy 3 học sinh với mức học phí 200 nghìn/buổi. Ngoài ra, Nam vẫn cố gắng duy trì tốt việc học trên lớp. Nhưng cũng vì học và làm liên tục, thời điểm đó, cơ thể Nam bị suy nhược nghiêm trọng. “Khi ấy, em mới xác định mục tiêu quan trọng nhất vẫn là việc học. Sau 2 tháng, em giảm tần suất dạy, dành phần lớn thời gian cho việc học”, Nam nhớ lại.

Nhờ vậy, kỳ đầu tiên, Nam đạt GPA tuyệt đối 4.0 và giành học bổng bằng 150% học phí. “Lúc đó em mới biết hóa ra học tốt cũng có thể kiếm được tiền. Em cố gắng lao vào học với mục tiêu phải đạt học bổng tất cả các kỳ”.

Nam luôn tự hào về mẹ - người phụ nữ đi nhặt ve chai nuôi con. Ảnh: NVCC

Nam luôn tự hào về mẹ - người phụ nữ đi nhặt ve chai nuôi con. Ảnh: NVCC

Hết năm thứ nhất, Nam vẫn duy trì mức GPA 4.0 và bắt đầu nghĩ đến việc có thể ra trường sớm, tốt nghiệp loại Xuất sắc. Có mục tiêu rõ ràng, Nam làm quen và chơi với nhiều bạn giỏi, từ đó tạo nên một nhóm học tập, trao đổi bài vở.

“Nếu chỉ học một mình, chắc chắn em không thể đi được xa vậy. Nhờ các bạn giúp đỡ, cùng nhau tiến lên, chúng em đều đạt điểm tốt ở tất cả các môn”, Nam nói và cho biết, nhiều người bạn gọi Nam là “Anh trai say Why” vì rất hay thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi cho thầy cô, bạn bè.

Nhờ phương pháp này cùng việc chăm chỉ, đào sâu tìm tòi bài học, Nam đều giành học bổng các kỳ và trở thành người tốt nghiệp với điểm số cao nhất đợt sớm năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước khi tốt nghiệp, Nam cũng có cơ hội được nhận vào thực tập tại chương trình đào tạo kỹ sư AI của một tập đoàn lớn kéo dài 1 năm. Tại đây, Nam nhận mức lương thực tập hấp dẫn, được các chuyên gia đào tạo và liên tục cập nhật kiến thức nền tảng về AI.

“Em mong đây sẽ là tiền đề để bản thân tích lũy kinh nghiệm, tiếp tục theo đuổi những hướng đi mới trong tương lai”, Nam chia sẻ.

Để đi được đến ngày hôm nay, Nam nói bản thân biết ơn gia đình, đặc biệt là mẹ. “Những vất vả của mẹ vì gia đình đã trở thành động lực để em không ngừng cố gắng. Không có mẹ, chắc chắn em sẽ không thể trở thành chính em của ngày hôm nay”, Nam xúc động nói.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/me-nhat-ve-chai-20-nam-nuoi-con-tot-nghiep-xuat-sac-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-2396844.html