Mẹ sát hại con gái hơn 3 tháng tuổi, sau 4 năm, gia đình nhận thêm 1 bi kịch đau lòng
Sau cái chết của cô con gái nhỏ, Divya phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ công chúng, cuối cùng dẫn đến quyết định tự tử của cô.
Trầm cảm sau sinh (TCSS) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai về gánh nặng y tế. Có khoảng 10% -20% phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con trên toàn cầu từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh không những ảnh hưởng tiêu cực tới người mẹ mà còn ảnh hưởng tới con. Trong những trường hợp người mẹ bị TCSS nặng có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử hoặc gây tổn hại cho con. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu khi người mẹ bị TCSS có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa con như chậm phát triển ngôn ngữ, vận động, chiều cao; khóc nhiều, dễ kích động; hạn chế khả năng giao tiếp; khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…
Đặc biệt TCSS thường diễn biến hết sức lặng lẽ và dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua nên khi phát hiện thì bệnh đã nặng trong khi bệnh lại cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Một số dấu hiệu nhận biết TCSS: Luôn thấy buồn, mệt mỏi, lo lắng, tuyệt vọng; khóc nhiều; có ý nghĩ làm tổn thương em bé; có ý nghĩ làm tổn thương bản thân; không quan tâm đến em bé, không cảm thấy kết nối với em bé; ăn quá ít hoặc quá nhiều; ngủ quá ít hoặc quá nhiều; gặp khó khăn khi tập trung hoặc đưa ra quyết định…
Khi thấy bản thân hoặc người phụ nữ sau sinh trong gia đình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên và kéo dài 2 tuần trở lên cần nghĩ tới TCSS và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.
CNN NEWS18 đưa tin, trong một sự việc thương tâm vừa xảy ra tại Kerala, Divya Johny – người phụ nữ từng gây chú ý vào năm 2021 khi sát hại con gái 3 tháng tuổi vì chứng trầm cảm sau sinh - đã tự tử.
Cách đây 4 năm, Divya (lúc đó 25 tuổi, đến từ Puthur) đã chính tay sát hại con gái hơn 3 tháng tuổi của mình vì không kiểm soát được hành vi.
Người phụ nữ bị cảnh sát Kundara bắt giữ ngay sau khi vụ việc xảy ra.
Vào buổi tối hôm xảy ra thảm kịch, khi cha của Divya, ông Johny Sebastian, trở về nhà, ông nhận thấy điều gì đó bất thường, khi con gái không mở cửa dù ông đã gọi nhiều lần. Sau khi cửa được mở, ông nghi ngờ và kiểm tra cháu gái mình, phát hiện cô bé đã bất tỉnh. Đứa trẻ sau đó được đưa đến Bệnh viện Kundara Taluk nhưng không qua khỏi.

Ảnh minh họa
Divya vốn được biết đến với thành tích học tập xuất sắc và đã tự chọn bạn đời với những hy vọng lớn lao. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của cô không được như mong đợi, khi cô phải đối mặt với sự cô lập cảm xúc và sự bỏ bê, ngay cả trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi sinh.
Sau ca sinh mổ đầy đau đớn, cô trở về nhà chồng, nơi tình trạng bỏ bê vẫn tiếp diễn.
Những nỗi đau thể xác và tinh thần kéo dài, kết hợp với sự thiếu thốn tình cảm, đã đẩy Divya vào trạng thái tâm lý vô cùng nghiêm trọng. Trong suốt thời gian vật lộn với bệnh tâm thần, cô từng có những suy nghĩ tự tử và phải sử dụng thuốc điều trị liên tục.
Sau cái chết của cô con gái nhỏ, Divya phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ công chúng, nhưng sau khi nỗi đau của cô được tiết lộ, cô nhận được sự đồng cảm rộng rãi. Tuy nhiên, nỗi đau này cuối cùng vẫn dẫn đến quyết định tự tử của cô.
Vụ việc bi thảm của Divya là một minh chứng đau lòng cho những hệ quả nghiêm trọng của chứng trầm cảm sau sinh, một vấn đề sức khỏe tâm thần thường bị xã hội bỏ qua và ít được chú trọng.
Đây không chỉ là bi kịch cá nhân mà còn là một lời cảnh tỉnh về việc cần phải có một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ hơn, để giúp đỡ những người mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này.