'Mẹ sẽ về nhà trước Giao thừa, con nhé!'

Đây là bức thư khiến cho tâm trạng của Thanh Tâm vô cùng vui vẻ. Bức thư của người mẹ ấy là câu chuyện chị ấy viết lại chính tình huống của hai mẹ con, như một món quà đầu năm mới, lan tỏa niềm vui, hạnh phúc giản dị của gia đình đến các độc giả PNVN.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Hết năm nay mẹ sẽ không nhận việc quản lý phòng khám ở Quảng Ninh nữa. Sẽ trở về nhà và tìm một công việc nào đó để làm. Bữa tối nhà mình sẽ luôn có đủ cả 4 thành viên".

Nhận được nhắn tin của mẹ, Linh cảm thấy trong người như có luồng khí nóng chạy qua, như thể vừa được uống một cốc nước mật ong ấm. Cốc mật ong đó là hành động mẹ vẫn ân cần đưa cho Linh trong suốt nhiều năm, vào mỗi sáng cô tỉnh dậy, cho đến khi mẹ nhận việc ở xa nhà. Linh biết công việc đó đem lại cho mẹ nguồn thu nhập đáng kể, đồng nghĩa với việc gia đình cô không phải lo lắng về kinh tế. Nhưng mẹ cứ đi biền biệt thế, không khí gia đình chẳng khi nào thật sự vui.

Thời kỳ đầu thì mẹ còn về nhà vào mỗi cuối tuần. Thế rồi những lần về nhà của mẹ cứ thưa dần, chốt lại chỉ còn tính theo tháng. Mẹ kể bệnh nhân của phòng khám đông lắm, mà 2 ngày đông nhất lại là thứ bảy, chủ nhật. Lương mẹ được tính gấp rưỡi vào 2 ngày cuối tuần. "Thôi, mẹ cố vài năm, tích lũy được một khoản kha khá thì sẽ tính cách khác". Câu này Linh nghe mẹ nói nhiều lần, nhìn thấy cả cái gật đầu miễn cưỡng của ba. Là con gái cả, Linh đã quen với việc đi chợ nấu cơm hàng ngày từ lúc 10 tuổi. "Con bé khôn sớm!", Linh vẫn nghe các cô, các dì trong gia đình nói vậy. Giờ Linh đã 16 và cũng đã quen với việc không có mẹ chia sẻ hàng ngày.

***

"Ngày... tháng... năm...

Hôm nay mình đi học về như mọi ngày nhưng có lẽ do có chút tâm trạng nên mình đi chậm hơn. Mình nhận ra, khu đô thị mình đang sống thật đặc biệt. Có rất nhiều cây xanh, như thể rừng trong phố. Có cả hồ nước trong vắt. Hôm nay mình nhìn thấy một cô bé tầm 10 tuổi, đạp xe men theo hồ nước. Mẹ cô bé ấy chạy những bước nhỏ theo con gái. Một lúc sau, cô bé ấy bỏ cái xe vào một góc và hai mẹ con dắt tay nhau đi tiếp trên con đường vương đầy lá. Mẹ cô ấy vừa đi vừa chỉ vào những cái cây bên đường, mình không nghe rõ câu chuyện nhưng rõ ràng là cô bé đang được mẹ kể cho nghe những câu chuyện thú vị. Bằng chứng là mình thấy cặp mắt cô ấy ngời sáng lên và thi thoảng lại bíu lấy tay mẹ, vít mẹ xuống mà hôn vào má.

Bỗng dưng mình nhớ mẹ quá thể. Mình đã xa mẹ từ khi bằng cô bé này và ký ức mình chưa từng có những cảnh đi chơi cùng mẹ thảnh thơi như thế. Mẹ của mình khi nào cũng vội. Mình có nhiều chuyện "tích tụ" cả tháng muốn kể với mẹ nhưng luôn cảm thấy không có đủ thời gian. Mình cũng có nhắn tin cho mẹ mỗi khi có việc cảm thấy không tự giải quyết được nhưng nhắn tin thì sao bằng nói chuyện trực tiếp. Thời gian mẹ ở nhà quá ít mà mỗi lần mẹ về thì cả nhà lại ra quán ăn. Mẹ nói chiêu đãi bố con những món đặc sản mà mẹ không nấu được. Quán ồn ào và ở quán thì ngay cả việc ôm mẹ cũng khó chứ nói gì đến tâm sự. Mình rất mong mẹ không phải làm xa như thế.

Mình mong gia đình nhỏ 4 người của mình luôn bên nhau, chia sẻ mọi chuyện. Nhưng bố và mẹ luôn nói công việc của mẹ ở Quảng Ninh là một cơ hội không dễ gì có được. Bố còn bảo vì bố "đụt" quá nên mẹ các con mới phải xông pha như vậy. Mình nghĩ bố mẹ vẫn yêu thương nhau trong điều kiện sống xa nhau như thế đã là một điều may mắn rồi. Mình chỉ thầm cầu mong mẹ sẽ trở về sống cạnh bố con mình trước khi mình… lấy chồng mà thôi".

***

Tình cờ đọc được nhật ký của con gái, nước mắt của người mẹ cứ trào ra, không thể nào kìm được. Hơn 40 tuổi, chị mới nhận ra mình đã sai về nhận thức. Như mọi phụ nữ sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh tế eo hẹp, khi lấy chồng, chị chỉ nghĩ đến việc cần phải kiếm tiền để gia đình mình, các con mình có cuộc sống khá hơn, được hưởng thụ những giá trị vật chất cho "bằng chị bằng em". Công việc thuận lợi ở phòng khám khiến chị cứ đắm chìm mãi trong cơn say kiếm tiền mặc dù cũng luôn phải nén đi nỗi nhớ con và gia đình. Thế nhưng, đến bây giờ chị mới nhận ra, điều đó đã phải trả giá bằng những hy sinh tinh thần. Chị đã vô tình tước mất của các con ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ được sống trong sự yêu thương, chăm chút từng ngày của người mẹ - điều mà không tiền bạc nào có thể đem lại. Thời gian thì chẳng đợi ai bao giờ.

"Mình sẽ sửa sai, luôn từ thời điểm này. Mình sẽ ở bên các con tuổi thiếu nữ. Mình sẽ làm tất cả, cố gắng bù đắp cho lỗ hổng suốt cả thời niên thiếu của con. Hy vọng các con sẽ đón nhận sự làm lành muộn màng của mình. Tết này sẽ là một cái Tết thật sự ấm áp của cả nhà mình" - người mẹ tự nhủ như vậy trong lúc nhanh tay móc chiếc mũ xinh xắn làm quà tặng năm mới cho hai cô con gái.

Thanh Tâm chân thành chúc chị và gia đình ấm áp tìm lại những khoảnh khắc quây quần đáng giá. Kính chúc các bạn đọc thân yêu một năm mới nhiều sức khỏe, luôn lan tỏa niềm vui, hạnh phúc!

Thanh Tâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-se-ve-nha-truoc-giao-thua-con-nhe-20250122194847227.htm