Các khuyến cáo để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc như: thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, chất độc hóa học sử dụng trong nông nghiệp, độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm...
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc ít phút, vài giờ hoặc vài ngày. Với một số triệu chứng điển hình về đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy… trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Ngộ độc thực phẩm là bệnh thường gặp trong dịp Tết do dịp này người dân sử dụng nhiều loại thực phẩm hơn ngày thường, dễ ăn phải những thức ăn bị nhiễm độc.
Ngày Tết, nhiều thức ăn chế biến sẵn có thể ăn ngay, được dự trữ, dùng trong nhiều ngày như: bánh chưng, bánh tét, giò chả, lạp xưởng, khô bò, khô gà, các loại mứt, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia…
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân cần lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh.
Cụ thể, rau quả phải tươi, không dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Chọn thịt tươi đã qua kiểm dịch, mặt ngoài khô bóng, khối thịt rắn chắc, khi ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Phủ tạng phải còn tươi từ các con vật mới giết mổ hoặc được bảo quản lạnh, không bị nhạt màu, không có mùi ôi, không có các vết chấm đỏ hay vết tím bầm...
Rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn, nấu nướng và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống (cá, trứng, thịt gia cầm, gia súc và phủ tạng), sau khi đi vệ sinh hoặc làm việc khác gây bẩn tay.
Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu: dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn. Rửa thịt, cá và các loại thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu. Với các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu. Dụng cụ nhà bếp (như dao, thớt,…) dùng để chế biến thức ăn sống phải riêng biệt thức ăn chín.
Đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn gỏi sống, tiết canh, trứng chưa nấu chín. Không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học không đủ tiêu chuẩn cho phép để chế biến thực phẩm.
Không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh.
Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau và nếu còn không để lại nữa.
Không sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến sẵn đóng gói không có địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng, đã hết hạn sử dụng, bao bì bằng chất liệu không đảm bảo vệ sinh hoặc rách, thủng, các loại đồ hộp đã phồng, méo, hoen rỉ.
Ngoài ra, không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.