Mẹ Thảng

Cơn mưa mùa đông ào ào đổ xuống làm cho nhiều hoạt động dang dở. Nhưng tại ngôi nhà số 53 Nguyễn Văn Cừ (phường 7, TP Tuy Hòa), tiếng mưa không thể át đi tiếng thơ của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thảng:

Năm 2018, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về làm việc tại Phú Yên và đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thảng. Ảnh do gia đình cung cấp

“Giáp Tý Khải Định cửu niên

Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn

Tuy Hòa cho tới Tuy An

Đồng Xuân huyện cũ mấy làng gần sông

Đá Bia cho đến Cù Mông

Dưới biển sóng dậy trên đồng nước dâng

Cồn cao ngập cả nửa lưng

Cồn thấp đá mái nước dâng vô nhà…”.

Lúc nhặt lúc khoan, những vần thơ (vè) kể về trận bão lụt lớn nhất ở Phú Yên năm Giáp Tý 1924 của mẹ Thảng cuốn hút chúng tôi.

Kết thúc bài thơ (vè) với gần 100 câu ấy là những câu chuyện nuôi con và nuôi giấu cán bộ cách mạng được Mẹ Việt Nam anh hùng 104 tuổi này kể lại với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu. Đó là những tháng năm kiên cường mẹ đi theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước.

Trọn đời hiến dâng cho cách mạng

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Phú Lương, xã Hòa Tân, huyện Tuy Hòa (nay là Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa), mẹ Nguyễn Thị Thảng và chồng là ông Lê Chí Hiền tham gia cách mạng từ rất sớm. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, mẹ Thảng tham gia biểu tình chống thực dân Pháp đòi dân sinh, nhân quyền và nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ về địa phương hoạt động để chuẩn bị khởi nghĩa. Trong hoàn cảnh khó khăn nào, mẹ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cán bộ, chiến sĩ được mẹ che giấu đều an toàn trong vòng vây của địch.

Chồng mẹ tham gia tiền khởi nghĩa, ông làm Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến xã Hòa Tân. Khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, một số cán bộ được đưa đi tập kết ra miền Bắc, nhưng ông vẫn ở lại địa phương tiếp tục hoạt động. Trong thời gian này, ông cùng một số cán bộ chủ chốt đứng ra tổ chức phổ biến, quán triệt tình hình nhiệm vụ cho các đảng viên và toàn dân để chuẩn bị đấu tranh chính trị công khai hợp pháp.

Mẹ Thảng nhớ lại: “Mặc dù hai bên đình chiến, nhưng đoàn Hành chính lưu động do tên Diệp Y cầm đầu và bọn bảo an do Đại Việt nắm đã kéo về xã lục soát, hăm dọa người dân. Chúng dựng lên Hội đồng Hương chính xã, tên Đề (đảng Đại Việt) làm đại diện, tên Nhiên (Phục quốc) làm cảnh sát trưởng của xã đi lùng sục khắp nơi, bắt bớ cán bộ của ta và các đảng viên. Một số cán bộ của ta phải né tránh vào Đồng Mọi, Hóc Nhum, người vô Hóc Răm ở ẩn. Trước tình hình khó khăn, cấp trên họp bàn và quyết định đưa một số cán bộ về làng sống hợp pháp để lãnh đạo hoạt động, trong đó có chồng mẹ”.

Năm 1955, mẹ Nguyễn Thị Thảng bất ngờ đón nhận nỗi đau, chồng của mẹ đã anh dũng hy sinh sau hai tháng bị giặc bắt, giam cầm, trải qua hàng loạt cực hình. Trái tim mẹ như bị xát muối. Mẹ Thảng bùi ngùi nhớ lại: “Khi các cán bộ về làng, ông ấy là người đầu tiên bị địch ập đến nhà bắt dẫn đi. Gần một tháng sau, bọn trẻ chăn bò phát hiện ở bãi cát Hói Nho (Hòa Tân) có một chiếc dép và một sợi dây ló trên mặt đất. Hô hoán lên bà con đến đào bới thì thấy thi thể ông bị khô lại trong bộ quần áo vải ú còn nguyên, hàm răng bị đánh bể, miệng còn nhét giẻ, tay chân bị trói chặt cứng. Mẹ đến nhận xác mang về chôn cất mà nước mắt cứ trào ra”.

Thời ấy, địch rất tàn độc. Bọn ác ôn bảo an khi bắt được cán bộ, anh em nào thì tra tấn, thủ tiêu không cho các gia đình mang xác người thân về chôn cất. Chúng đem thi thể của người chết phơi nắng, phơi sương nhằm răn đe người dân nơi đây không đi theo cách mạng. “Hôm ấy, trước đông đảo người dân, tên Quận trưởng Hiếu Xương vờ tát vào mặt của tên trưởng ban thôn để lấy lòng dân. Nhưng sau đó, hắn chỉ trích cấp dưới sao không thả trôi sông, giờ đành phải cho người nhà lấy xác về chôn”, mẹ Thảng kể lại.

Trước sự uy hiếp, tàn sát của địch, mẹ Thảng cùng nhiều chị em khác có chồng cũng bị chúng bắt giết làm đơn khiếu nại ra Tòa án cấp cao ở Huế kiện địch vi phạm, không tuân thủ Hiệp định Geneve, bắt giết người dân vô tội, làm dậy sóng dư luận nên chúng phải ngừng truy sát một thời gian.

Sau ngày tang thương ấy, người con trai đầu lòng của mẹ - anh Lê Chí Huệ đã lên đường đi theo cách mạng. Vì anh còn trẻ, ban đầu mẹ lo lắng sợ mất con, nhưng khi thấy anh khăng khăng đòi theo bộ đội, mẹ đồng ý. Từ đó, mẹ không còn nhận tin tức gì về người con này. Chỉ biết anh đã hy sinh, còn hy sinh ngày nào, năm nào, chỗ nào, ở đâu, mẹ nào có biết. Mặc dù trong lòng như xát muối, kim châm nhưng mẹ còn các con nhỏ, mẹ còn bà con làng xóm, còn những đồng chí khác. Vì vậy, mẹ nén nước mắt vào trong, nén nỗi đau để tiếp tục làm cơ sở cách mạng. Cứ thế, mẹ vừa tảo tần, buôn bán nuôi con, mua gạo, thuốc men, vật tư tiếp tế cho cách mạng. Khi có cán bộ trên căn cứ về hoạt động ở địa phương, mẹ lo cơm nước chu đáo, đi nắm tình hình của địch về cung cấp lại. Có lần suýt bị lộ.

“Trong lúc đi xuống Đông Mỹ (Hòa Vinh) nhận tài liệu mật mang về thì mẹ gặp lính đi tuần, trong đó có tên Quảng, Xã trưởng Hòa Tân biết mẹ nên chặn lại hỏi. Mẹ liền nói tôi đi mua ít đồ về cúng thôi nôi cho con cháu. Sẵn trên tay có ít chả, mẹ liền dúi vào tay xã trưởng nói anh cầm cho mấy cháu rồi nhanh rời đi về nhà an toàn”, mẹ Thảng nhớ lại.

Mẹ Thảng và con trai Lê Chí Tịnh xem lại kỷ vật xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Tấm lòng nhân ái

Trước ngày giải phóng 1/4, ngôi nhà cũng là quầy tạp hóa nhỏ của mẹ bị địch đốt cháy hết. Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ một mình xây lại nhà, rồi làm ruộng, mở quầy tạp hóa buôn bán nuôi con. Thời đó, quê hương còn nghèo khó, mỗi lần địa phương có chủ trương gì mẹ đều nhiệt tình ủng hộ, gương mẫu chấp hành tốt. Mẹ tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ tiền phòng chống bão lụt, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi khuyết tật trong tỉnh. Mẹ để dành tiền phụ cấp, vào dịp lễ tết, trung thu mua quà tặng cho trẻ em ở các nhà cứu trợ trẻ em tàn tật ở Hòa Hiệp Bắc, Xuân Lộc, Sông Cầu…

Hiện mẹ đã 104 tuổi, sống cùng người con trai út Lê Chí Tịnh. Ông Tịnh cũng tham gia công tác cơ sở cách mạng từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường (năm 1965). Ngoài công việc là công chức gương mẫu của Nhà nước, ông còn tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện từ năm 1999. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Phú Yên và được Cơ quan Trung ương tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo.

Hơn 46 năm đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, điều duy nhất mẹ Thảng day dứt trong lòng là chưa tìm được hài cốt của người con trai cả - liệt sĩ Lê Chí Huệ, đưa anh về quê nhà. Dẫu vậy, mẹ vẫn tự an ủi rằng: “Khi đất nước có giặc thì tất cả phải đánh đuổi chúng để giành lấy tự do, độc lập. Đất nước này có hàng trăm nghìn người mẹ như vậy chứ riêng gì mẹ đâu”.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/266514/me-thang.html