Mẹ thay đổi để con thoát nghiện game

Đối mặt với thách thức khi con cái ngày càng lệ thuộc vào trò chơi điện tử, chểnh mảng học tập và xa cách gia đình, nhiều bậc phụ huynh bất ngờ khi tìm giải pháp ngay ở chính bản thân mình.

Muôn vàn cách "cấm" con

Sau khoảng thời gian dài Covid ở nhà, con trai lớn nhà chị Lê Thị Thủy (Hà Nội) ngày càng chìm đắm vào game và chểnh mảng việc học. Lo lắng vì con đang học cấp 3, chỉ còn một năm nữa là sẽ bước chân vào cánh cửa quyết định tương lai, chị lại càng thêm bối rối. Chị đã từng khuyên nhủ, quát tháo, có lúc còn dùng đến cả những hành động quyết liệt như tịch thu điện thoại, rút mạng,... nhưng bao nhiêu cách là bấy nhiêu lần hai mẹ con chị căng thẳng với nhau, tưởng chừng không có cách giải quyết.

Đỉnh điểm, việc sử dụng thiết bị điện tử và đắm chìm trong thế giới ảo với các trò chơi còn ảnh hưởng đến học tập của bạn tại trường. Một lần, cô giáo chủ nhiệm thông báo con đi học trễ và nhận được lời giải thích từ con là chơi game đến khuya. Trước tình trạng đó, chị Thủy chỉ biết bất lực giãi bày cùng con trong hai dòng nước mắt xúc động: "Tương lai con sẽ ra sao nếu con cứ chơi game tối ngày như vậy? Con có biết là mẹ lo cho con nhiều đến như thế nào không?".

 Nhiều trẻ em dễ nghiện trò chơi điện tử, ảnh hưởng đến học tập và phát triển. Ảnh minh họa

Nhiều trẻ em dễ nghiện trò chơi điện tử, ảnh hưởng đến học tập và phát triển. Ảnh minh họa

Trao đổi với các chuyên gia và người thân, chị Thủy cho biết bản thân buồn và lo lắng về con một thì cũng chán chường và thất vọng về mình gấp nhiều lần, khi đã không có phương pháp dẫn dắt đúng đắn, không biết làm thế nào để con hết nghiện game và sử dụng thiết bị điện tử một cách phù hợp với lứa tuổi, phục vụ việc học tập và phát triển bản thân.

Hơn thế nữa, bạn lớn nhà chị còn dồn nén cảm xúc tiêu cực để đổ lên người em trai, khi chị Thủy nhìn thấy cậu con trai lớn đang mắng xối xả đứa em trai của mình bằng những ngôn từ hết sức nặng nề, mà lại đúng những lời lẽ mà chị hay quát con. Con lý giải rằng vì không thể cãi lời mẹ, nên con đã dồn nén sự tức giận và trút vào em trai. Lúc này chị Thủy mới nhận ra rằng, những lời quát tháo của người lớn chỉ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, sự chia rẽ, hiểu lầm ngày càng lớn và tình trạng này không thể kéo dài.

Đây cũng là tình trạng và vấn đề chung mà nhiều gia đình, phụ huynh gặp phải trong thời đại công nghệ phát triển, sân chơi vật lý của con trẻ ngày một bị thu hẹp và trò chơi điện tử quá hấp dẫn để trẻ em vị thành niên có thể cưỡng lại. Đặc biệt, trẻ em chưa biết cách quản lý bản thân và tự tạo kỷ luật, từ đó dễ dàng sa vào các trò chơi điện tử và thiết bị điện tử mà không biết điểm dừng.

Hành trình "cai nghiện" game bằng tình yêu thương

Tình cờ biết đến các bài giảng của chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh, chị Thủy và một số phụ huynh cùng nỗi lòng mà chị biết, không ngờ rằng đó chính là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cách nuôi dạy con bấy lâu của mình.

“Từ chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, tôi nhận ra con đắm chìm trong game là do tôi chưa đủ quan tâm, yêu thương con. Bản thân tôi khá bận bịu với công việc, để mặc con tự lớn với cuộc sống, con không cảm nhận được tình cảm từ bố mẹ nên đã chơi game để khỏa lấp khoảng trống. Và giờ, tôi chỉ cần bình an, tập làm quen với điều ấy, đừng đổ cảm xúc tiêu cực của mình vào hành vi của con thì mới có thể giúp con cai nghiện game một cách từ từ”, chị Thủy chia sẻ.

Sau khi nhận ra những sai lầm của mình, chị Thủy quyết định thay đổi cách giao tiếp với con hằng ngày. Chị không còn chỉ trích, mà thay vào đó bắt đầu lắng nghe, bình tâm hơn trước mỗi lần nhìn thấy con chơi điện tử. Chị khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, tạo không gian cho con phát triển những sở thích khác ngoài game. Bên cạnh đó, chị cũng dần dần hạn chế thời gian con chơi game, thay vào đó giúp con quản lý thời gian học tập và giải trí một cách khoa học, từ đó giúp con dần dần nhận thức được sự quan trọng của việc học và cuộc sống thực tế.

 Chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh trao đổi với phụ huynh về cách nuôi dạy con. Ảnh: Thu Uyên

Chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh trao đổi với phụ huynh về cách nuôi dạy con. Ảnh: Thu Uyên

Chị Thủy còn nhắc nhở bản thân phải làm gương cho con. Chị bắt đầu thay đổi thói quen của mình, giảm thiểu việc sử dụng điện thoại và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động gia đình. Cũng nhờ đó, không khí gia đình trở nên ấm cúng và vui vẻ hơn và con cũng dần không còn chơi điện tử từ lúc nào.

Câu chuyện của chị Thủy chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện chuyển hóa đầy cảm xúc được chia sẻ tại chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới - Đường về hạnh phúc” do Học viện Minh Trí Thành tổ chức. Chương trình đã giúp rất nhiều bậc phụ huynh tìm ra phương pháp hiệu quả để giúp con cái đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống hiện đại như nghiện game, mất kết nối gia đình hay khó khăn trong việc giao tiếp,...

Thông qua những trải nghiệm thực tế trong hành trình 2 ngày đầy ý nghĩa, nhiều bậc cha mẹ không chỉ tìm lại sự bình yên và hạnh phúc cho bản thân mà còn giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và gắn kết hơn với con cái.

Tiếp nối sự thành công của 3 chương trình trước, Học viện Minh Trí Thành sẽ tiếp tục tổ chức “Kiến tạo cuộc đời mới” từ ngày 4 - 5.1.2025 với sự tham dự của gần 1.500 người, mang đến những khoảnh khắc đầy cảm xúc, giúp người tham gia thấu hiểu bản thân, kết nối với chính mình và tìm thấy “Đường về hạnh phúc”.

Thu Uyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/me-thay-doi-de-con-thoat-nghien-game-post400899.html