Mẹ tiêm vaccine ngừa COVID -19 có thể truyền kháng thể cho con qua sữa
Theo nghiên cứu mới của Đại học Florida, Mỹ, sữa của những bà mẹ đang cho con bú được tiêm vaccine COVID-19 chứa một nguồn cung cấp kháng thể đáng kể có thể giúp bảo vệ trẻ bú mẹ khỏi mắc COVID-19.
Kháng thể sau tiêm vaccine
COVID-19
có thể truyền qua sữa mẹ
PGS. TS. Joseph Larkin III tại Khoa vi sinh vật học và khoa học tế bào của Đại học Florida – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện rằng việc tiêm vaccine làm tăng đáng kể lượng kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Các bà mẹ đã được tiêm vaccine có thể truyền khả năng miễn dịch này cho con của họ".
Khi trẻ mới sinh ra, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển, khiến trẻ khó có thể tự mình chống lại các bệnh nhiễm trùng.
BS. Josef Neu, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Khoa nhi, Khoa sơ sinh của Trường Đại học Y khoa, Đại học Florida, giải thích: "Trong giai đoạn dễ bị tổn thương này, sữa của các bà mẹ đã được tiêm vaccine cung cấp cho trẻ sơ sinh khả năng miễn dịch thụ động".
GS. Neu cho biết: "Tiêm vaccine bổ sung thêm một công cụ nữa giúp chuẩn bị cho trẻ sơ sinh vào đời, một công cụ có khả năng đặc biệt tốt trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng vaccine có thể giúp bảo vệ cả mẹ và con, một lý do thuyết phục khác để phụ nữ mang thai hoặc cho con bú tiêm vaccine trước khi sinh".
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, khi vaccine Pfizer và Moderna lần đầu tiên được cung cấp cho các nhân viên y tế.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 21 nhân viên chăm sóc sức khỏe đang cho con bú chưa bao giờ mắc bệnh COVID-19. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu và sữa mẹ của các bà mẹ 3 lần: trước khi tiêm chủng, sau liều đầu tiên và sau khi tiêm liều thứ 2.
Lauren Stafford, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Larkin, cho biết: "Chúng tôi thấy phản ứng kháng thể mạnh mẽ trong máu và sữa mẹ sau liều thứ 2, tăng gấp trăm lần so với mức trước khi tiêm chủng".
BS nội trú Vivian Valcarce, Khoa sơ sinh của Trường Đại học Y khoa, Đại học Florida - đồng tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi quan sát thấy, những mức độ kháng thể này cao hơn so với việc nhiễm virus tự nhiên".
Thông thường, phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa ho gà và cúm vì đây có thể là những bệnh nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm COVID-19, vì vậy việc tiêm chủng cho các bà mẹ để chống lại COVID-19 là điều cần thiết.
PGS. TS. Larkin nói: "Chúng tôi muốn biết liệu trẻ bú mẹ có chứa các kháng thể này có phát triển khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 hay không. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn biết thêm về bản thân các kháng thể, chẳng hạn như thời gian chúng tồn tại trong sữa mẹ và hiệu quả của chúng trong việc vô hiệu hóa virus".
TS. Neu cho biết: "Chúng tôi cũng rất vui mừng khi thấy nhiều nghiên cứu đồng thời khác được thực hiện trên khắp thế giới cũng cho thấy kháng thể trong sữa mẹ của những bà mẹ đã được tiêm chủng. Điều đó có nghĩa là nghiên cứu của chúng tôi xác nhận một lượng bằng chứng ngày càng tăng".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học cho con bú của Mỹ mới đây.
Khuyến nghị của CDC Hoa Kỳ với những bà mẹ cho con bú
Tiêm phòng COVID-19 được khuyến khích cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, kể cả những người đang cho con bú.
Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở những người đang cho con bú. Vaccine không thể gây nhiễm trùng cho bất kỳ ai, kể cả mẹ hoặc con. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng những người đang cho con bú sữa mẹ đã được tiêm vaccine mRNA COVID-19 có kháng thể trong sữa mẹ, có thể giúp bảo vệ con của họ.
Xem thêm video đang được quan tâm