Mẹ 'tước' tuổi thơ vì lo con trai giống bố
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, người mẹ trở nên nghiêm khắc với con vì lo sợ sau này lớn lên, con sẽ đi theo 'vết xe đổ' của bố và làm khổ một người khác giống như mình.
Chị Khương Thị Hạnh (Nam Định) là nhân vật xuất hiện trong tập 4 của chương trình “Cha mẹ thay đổi”. Cậu con trai tên Bi (5 tuổi) của chị vốn là một cậu bé ngoan, tình cảm và rất yêu mẹ. Dù vậy, những ký ức tuổi thơ cùng cuộc hôn nhân đổ vỡ đã khiến chị trở nên nghiêm khắc với con. Thậm chí, chị luôn cố đẩy con ra xa dù con rất muốn được gần gũi và yêu thương mẹ.
Những ký ức tuổi thơ cùng cuộc hôn nhân đổ vỡ đã khiến chị Hạnh trở nên nghiêm khắc với con.
Chị Hạnh thừa nhận, mình là một người có tuổi thơ không mấy trọn vẹn. Lớn lên thiếu tình yêu thương của bố, mẹ phải đi làm ăn xa, chị được gửi về nhà cho bà ngoại và cậu nuôi. Tuổi thơ của chị phần nhiều là những trận đòn roi đau đớn của người cậu. Không nhận được tình yêu thương từ mọi người, nhiều lần chị đã bỏ nhà ra đi.
Giờ đây, câu chuyện một lần nữa lặp lại với chính con trai của chị. Khi con lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của bố, chị tiếp tục sử dụng đòn roi để giáo dục con. Bi vì thế rất sợ mẹ. Mỗi lần làm việc gì đó, cậu bé thường nhìn thái độ của mẹ xem có đồng ý cho mình làm hay không.
Nhưng sau mỗi lần đánh con, khi con đã đi ngủ, nhìn lại những vết lằn trên mông, ký ức xưa lại ùa về khiến chị cảm thấy ân hận.
“Khi còn nhỏ mình đã phải nhận những trận đòn, câu chửi của mẹ và mọi người. Bị đánh trước mặt nhiều người như vậy, lúc ấy mình cảm thấy rất đau và xấu hổ”.
Dẫu ý thức được điều đó nhưng chị cũng không biết phải làm thế nào khác ngoài việc sử dụng đòn roi với con. Và cứ thế, chị vẫn lặp lại cách dạy con sai lầm của mình.
Dẫu ý thức được điều đó nhưng chị cũng không biết phải làm thế nào khác ngoài việc sử dụng đòn roi với con.
Không những vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, chị luôn yêu cầu con phải biết tự lập và giúp đỡ gia đình. Hàng ngày, sau mỗi bữa ăn, cậu con trai 5 tuổi sẽ phải phụ mẹ thu dọn bàn ghế hay lau bàn.
Chị cho biết, bản thân chị luôn cảm thấy khó chịu khi nhớ lại những hình ảnh trước đây, sau mỗi bữa cơm, chồng chị thường ngồi lên ghế nghỉ ngơi và mặc mình dọn dẹp. Chị không muốn hình ảnh đó tiếp tục lặp lại với con mình. Vì vậy, cậu bé 5 tuổi luôn phải gồng mình lên để đáp ứng mọi yêu cầu của mẹ.
Mặc dù nghiêm khắc với con nhưng chị Hạnh vẫn luôn mang một nỗi sợ thường trực rằng một ngày nào đó con sẽ xa lánh mình và đi theo bố.
“Sau khi ly hôn, thật sự mình không có ý định đi bước nữa. Mình muốn dành mọi tâm huyết, tình yêu để nuôi dưỡng con trưởng thành. Mình rất thương con nhưng mỗi khi con sà vào lòng mẹ, muốn được mẹ ôm ấp thì mình không thích như vậy. Mình muốn con trai phải thật mạnh mẽ”, chị chia sẻ.
Chị cũng luôn cảm thấy khó chịu và bực bội mỗi khi con gặp bố. Chị thừa nhận, nhiều lúc, xung đột của hai mẹ con thường bắt nguồn từ việc bố đến thăm.
“Mỗi lần đối diện với bố nó, mình lại cảm thấy cơn giận trong lòng bắt đầu bùng phát. Và khi Bi làm điều gì khiến mình không hài lòng, nó giống như thể “đổ thêm dầu vào lửa”, và mình lại nổi nóng với con”.
Lắng nghe câu chuyện của chị Hạnh, GS. Pek Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) cho rằng, chính cuộc sống thiếu vắng người đàn ông trụ cột và những trải nghiệm không tốt với đàn ông trong quá khứ đã khiến người mẹ này muốn đứa con của mình phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó.
“Cậu bé mới 5 tuổi nhưng người mẹ luôn yêu cầu con phải làm những việc mà một người lớn hơn mới có thể làm. Vậy nên theo cách đó, đứa trẻ sẽ không có tuổi thơ. Một đứa trẻ cần phải có niềm vui và hạnh phúc. Khi không có tuổi thơ, lớn lên, đứa trẻ sẽ không có hạnh phúc”, ông nói.
"Mình cũng thấy bản thân nghiêm khắc nhưng xuất phát từ điểm mình rất sợ con mình sẽ giống bố nó. Trước đây bố nó đã làm khổ mình và mình sợ khi con lớn lên, con sẽ làm khổ một người khác. Mình không muốn con đi theo “vết xe đổ” ấy và dẫn đến một kết cục như mình thế này”.
Sau một thời gian lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia, chị Hạnh nghĩ đã đến lúc mình phải thay đổi và cùng con hướng đến những điều tốt đẹp.
Chị học cách dành nhiều thời gian ở bên con hơn, thể hiện tình yêu thương với con nhiều hơn. Đặc biệt, chị không còn quát mắng hay sử dụng đòn roi để giáo dục con.
Người mẹ đã học cách tiến về đứa con bằng việc đặt mình xuống ngang với mức độ của đứa trẻ. Được mẹ yêu thương, quan tâm, Bi cũng trở nên vui vẻ và thoải mái.
“Lúc mẹ buồn Bi sẽ đến bên và yêu mẹ. Bi sẽ ôm khi mẹ tức giận. Dù mẹ quay đi, Bi vẫn sẽ ôm mẹ. Bi sẽ yêu mẹ những lúc mẹ khó khăn và cần đến Bi”.
Người mẹ đã học cách tiến về đứa con bằng cách đặt mình xuống ngang với mức độ của đứa trẻ.
Đáp lại con, người mẹ tự nhủ: “Con là cậu bé thông minh, rất ngoan và rất thích tìm hiểu mọi thứ quanh mình. Nhưng mẹ chưa đủ kiên nhẫn để lắng nghe con, trò chuyện cùng con. Mẹ rất dễ nổi cáu trong những lần như thế. Mẹ sẽ cố gắng để lắng nghe con nhiều hơn”.
Chị cũng cho rằng, nếu coi sự kết nối với con là một con đường thì hiện tại, chị mới chỉ bước qua vạch xuất phát. Nhưng vì con, chị sẽ can đảm để bước tiếp. Và con đường ấy dù có dài hay chông gai thế nào thì người mẹ ấy vẫn sẽ đi. Đi để đến được với con.