Mẹ và con đều sốc khi biết điểm thi vào lớp 10

Con học giỏi nhất nhì lớp, điểm thi thử lúc nào cũng trên 50 điểm, thế nên chị Bùi Thanh Hà (phố Trương Định, Hà Nội) rất kỳ vọng con sẽ đỗ vào trường THPT Thăng Long. Thế nhưng, chị thực sự sốc khi biết điểm thi vào 10 của con.

Cả ngày hôm qua chị Hà không làm được gì ngoài việc “ôm” máy tính để chờ xem điểm cho con. Đến giờ biết điểm, tim chị còn trực nhảy ra ngoài vì hồi hộp, lo lắng. Trong khi nhóm bạn cùng lớp có con thi vào lớp 10 dồn dập báo tin vui trong nhóm khiến chị càng sốt ruột. Thế nhưng, khi nhìn điểm của con, chị khựng lại, không tin vào mắt mình. Điểm của con chị chỉ ở mức 45, số điểm kém quá xa mức điểm an toàn của trường THPT Thăng Long. Chị sốc, “đứng hình” và thử đi thử lại ở phần mềm các báo, ở tin nhắn của VNPT, ở sổ liên lạc điện tử…, tổng số điểm xét tuyển của con vẫn không thay đổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị sốc nhưng cậu con trai của chị còn sốc hơn. Con không chỉ chịu áp lực từ gia đình mà còn chịu áp lực từ cô giáo, bạn bè và từ chính bản thân cậu. Dù gì thì cậu cũng đứng top đầu ở lớp, dù gì thì suốt một năm học qua, cậu cũng đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều.

Cả tối qua, không khí trong gia đình chị trở nên trầm mặc, không ai nói với ai câu nào. Chị Hà buồn bã vào giường nằm kệ 3 bố con ngồi ăn cơm. Suốt cả tối, chồng chị cũng im lặng, thỉnh thoảng thở dài. Cậu con trai giam mình trong phòng, tắt điện thoại vì không muốn nghe bất kỳ thông tin về điểm thi nào từ các bạn.

Lẽ ra hôm nay, cả gia đình chị đi du lịch nước ngoài để thưởng cho cậu con trai sau một năm học mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng với kết quả thi này, có cố đi thì chuyến đi cũng không vui vẻ nên cả gia đình chị quyết định hủy. Dù đã chuẩn bị cho con phương án học ở trường dân lập từ trước nhưng thất bại này thực sự gia đình chị không bao giờ nghĩ đến.

Cha mẹ đồng hành cùng con chứ không nên gây áp lực cho con khi con bị điểm thấp

Cha mẹ đồng hành cùng con chứ không nên gây áp lực cho con khi con bị điểm thấp

Trường hợp của chị Phan Bích Liên (Kim Liên, Q.Đống Đa) lại khác. Con có kết quả khá cao so với dự tính, khả năng đỗ vào nguyện vọng 1 gần như chắc chắn thế nhưng cả gia đình không dám “ồn ã” chúc mừng nhau. Nguyên nhân là con nhà hàng xóm trượt. Thế nên, cả gia đình chị chỉ dám vui mừng trong “thầm thì”. Gọi điện để khoe người thân cũng không dám nói to. Đi ngang qua nhà hàng xóm cũng không dám báo điểm của con, chỉ “thẽ thọt”nói cháu chưa biết điểm, đang bị nghẽn mạng. Chị Liên cho biết, con trượt, gia đình họ đã rất buồn, nếu mình “phô” niềm vui thì ác quá, sau này mất hết hàng xóm, láng giềng.

Tại diễn đàn dành cho các con sinh năm 2004 có không ít những tâm trạng buồn chán, giọt nước mắt của những em điểm thấp. 1 em buồn bã chia sẻ: "Điểm thi của em rất kém và chắc chắn là trượt. Bố mẹ em lúc biết điểm đã chửi mắng và đánh em, nói em không bằng đứa A, đứa B. Bố mẹ liên tục so sánh em với các bạn khác mặc dù em đã cố hết sức rồi. Thi xong em cũng kiểm tra lại và rất kỳ vọng nhưng không thể ngờ điểm lại thấp như vậy. Em xin bố mẹ cho em được yên, xin bố me đừng so sánh vì em cũng khổ tâm lắm nhưng kết quả là em bị bố tát cho mấy cái vào má khiến giờ em vẫn choáng váng".

Trượt công lập đâu phải là cánh cửa cuộc đời của các em bị đóng sập

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay sẽ có hơn 20.000 học sinh sẽ bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2019. Thế nhưng, không phải trượt công lập là cánh cửa cuộc đời của các em bị đóng sập. Có rất nhiều con đường để các em bước đi như trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập... Với những học sinh không đủ khả năng tài chính theo học các trường trên, các em vẫn có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.

Có nhiều con đường để con bước đi chứ không chỉ có con đường duy nhất là đỗ trường THPT công lập. Ảnh minh họa

Có nhiều con đường để con bước đi chứ không chỉ có con đường duy nhất là đỗ trường THPT công lập. Ảnh minh họa

Rất hiểu áp lực của học sinh trong mỗi kỳ thi, thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho biết, những học sinh thi trượt, tự bản thân đã rất thất vọng. Nếu không nhận được sự sẻ chia từ gia đình sẽ dẫn đến những hệ quả xấu khi các em nghĩ quẩn và có những hành động tiêu cực. Chính vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, các em cần nhất chính là sự quan tâm, động viên, khích lệ, sẻ chia của bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cùng con tìm hướng đi phù hợp. Cha mẹ hay đồng hành cùng con mình khi con thành công và cả khi con thất bại. Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/me-va-con-deu-soc-khi-biet-diem-thi-vao-lop-10-post60705.html