[Megastory] Chuyện về bệnh viện 123 năm tuổi lâu đời nhất Đồng Nai

Năm 1902 đánh dấu sự ra đời của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai ngày nay, khởi nguồn từ một cơ sở y tế nhỏ mang tên Nhà thương thí Biên Hòa.

Nằm tại thị xã Biên Hòa (nay là thành phố Biên Hòa), cơ sở ban đầu chỉ có vỏn vẹn 4 giường bệnh nhưng từ đó đã đặt nền móng cho hành trình chăm sóc sức khỏe đầy ý nghĩa của người dân thị xã. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 1992, bệnh viện chính thức mang tên BVĐK Đồng Nai.

Là bệnh viện lâu đời nhất của Đồng Nai, nơi này đã chứng kiến bao sự thay đổi lớn của đất nước và của chính mình. Đặc biệt là từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, BVĐK Đồng Nai đã được Nhà nước đầu tư mạnh mẽ cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, để từ một “nhà thương thí” trở thành bệnh viện hạng 1, chuyên sâu của tỉnh.

Ngược dòng thời gian vào năm 1902, tại thị xã Biên Hòa, một cơ sở y tế được xây cất chủ yếu để phục vụ cho nhân dân sống tại thị xã, được mang tên Bệnh viện Biên Hòa (Nhà thương thí Biên Hòa). Lúc này, bệnh viện chỉ có vỏn vẹn có 4 giường bệnh nội trú. Từ 1957-1972, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Phạm Hữu Chí với quy mô 50 giường bệnh

Năm 1902, Nhà thương thí Biên Hòa chỉ có 4 giường bệnh được thành lập để phục vụ cho người dân thị xã. Ảnh: Tư liệu

Năm 1902, Nhà thương thí Biên Hòa chỉ có 4 giường bệnh được thành lập để phục vụ cho người dân thị xã. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1957-1972, nhà thương thí Biên Hòa đổi tên là Bệnh viện Phạm Hữu Chí. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1957-1972, nhà thương thí Biên Hòa đổi tên là Bệnh viện Phạm Hữu Chí. Ảnh: Tư liệu

Sau ngày 30-4-1975, trong không khí hào hùng của Ngày Thống nhất đất nước, Bệnh viện Phạm Hữu Chí được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, đánh dấu cột mốc lịch sử đầy ý nghĩa và mở ra chặng đường phát triển mới của bệnh viện.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Kim Bôn, 94 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc BVĐK Đồng Nai kể lại, sau khi giải phóng miền Nam, Bộ Y tế cử BS Bôn phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến năm 1976, BS Bôn về làm Giám đốc BVĐK Đồng Nai theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh.

Năm 1992, bệnh viện chính thức lấy tên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai như hiện nay. Trong ảnh: Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ. Ảnh: Tư liệu

Năm 1992, bệnh viện chính thức lấy tên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai như hiện nay. Trong ảnh: Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ. Ảnh: Tư liệu

Lúc ấy, bệnh viện có khoảng 100 giường bệnh với các chuyên khoa: nội, ngoại, nhi, răng hàm mặt… và chỉ có 9-10 BS. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 100 bệnh nhân ngoại trú. Thuốc men cũng chỉ có vài loại, rất thiếu thốn. “Cả bệnh viện chỉ có duy nhất một máy X-quang là thiết bị y tế tối tân nhất. Để tìm ra bệnh, chúng tôi khám rất kỹ bằng các phương pháp cổ điển gồm: nhìn, sờ, gõ, nghe và hỏi bệnh nhân rất tỉ mỉ. Do đó, mỗi ca khám thường mất khá nhiều thời gian” - BS Bôn nhớ lại.

Không chỉ vậy, thời điểm đó, BVĐK Đồng Nai chỉ có duy nhất một chiếc xe cứu thương. BS Bôn đã xin 6 chiếc xe ô tô gia đình (của quân Ngụy để lại) và chế thành xe cấp cứu để chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc xuống các huyện chuyển bệnh nhân vào bệnh viện cứu chữa hay xuất viện về nhà…

Ngay cả khi làm Phó giám đốc Sở Y tế, BS Bôn vẫn dành phần lớn thời gian khám, chữa bệnh tại bệnh viện này để xử lý các ca bệnh ngoại khoa như: mổ đau ruột thừa, khâu các vết thương ở chân tay, bụng… do tai nạn lao động, tai nạn giao thông…

Nối tiếp thế hệ, năm 1983, BS Huỳnh Minh Hoàn, nguyên Giám đốc Sở Y tế đã về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu của BVĐK Đồng Nai ngay khi tốt nghiệp Khoa Y, Trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, do ít BS mà bệnh nhân lại rất đông, ngoài làm 8 tiếng theo quy định của Nhà nước, các BS còn phải trực liên tục, cứ 3 ngày trực 1 ngày.

Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuyển về cơ sở mới

Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuyển về cơ sở mới

“Những ngày trực rất vất vả, tôi phải giải quyết hết bệnh của phòng khám lẫn khoa cấp cứu, thậm chí phải thức 24/24 do chỉ có một BS trực. Thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết, chúng tôi đều không được nghỉ” - BS Hoàn chia sẻ.

Gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học là con số mà BS Minh Hoàn thực hiện trong suốt những năm gắn bó với ngành Y tế. Trong nhiều đề tài đó, đặc biệt phải kể đến đề tài “Nghiên cứu tỷ lệ Microalbumin niệu trên các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh nhân đái tháo đường type 2”.

Đề tài nhằm góp phần chẩn đoán sớm biến chứng thận trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 và đưa ra khuyến cáo để bệnh nhân có biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm thích hợp, làm chậm quá trình tiến triển suy thận.

Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi bệnh nhân sau ca phẫu thuật tại BVĐK Đồng Nai cũ.

Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi bệnh nhân sau ca phẫu thuật tại BVĐK Đồng Nai cũ.

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2007, đề tài của ông xuất sắc giành giải nhất và được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trong tỉnh do tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Đề tài này đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn vì tính sáng tạo, có thể triển khai ngay được trong nước và tại tỉnh Đồng Nai với trình độ chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị máy móc hiện có lúc bấy giờ.

“Đề tài này cũng chính là luận án tốt nghiệp chuyên khoa 2 của tôi và đã nhận được bằng khen về lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam” - BS Hoàn cho hay. Sau này, với những đóng góp của mình, BS Huỳnh Minh Hoàn đã được nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vào năm 2011.

Gần 40 năm gắn bó với BVĐK Đồng Nai, BS Ngô Đức Đễ là một “nhân chứng sống”, chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của bệnh viện. Năm 1979, BS Đễ vừa là giảng viên chính của Trường trung cấp Y tế Đồng Nai, vừa làm việc tại Khoa Sản rồi chuyển qua Khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện.

BS Đễ cho hay, năm đó bệnh viện chỉ có 1 Khoa Ngoại tổng quát chung với 4 trại bệnh, ngoại A (chấn thương xương khớp), ngoại B (dành riêng cho nam), ngoại nữ và nhi. Đến thập niên 1990, bệnh viện bắt đầu vào giai đoạn “chuyển mình” khi được UBND tỉnh đầu tư các loại máy móc như: siêu âm, nội soi, CT 2 lát cắt. Nhờ vậy, nhiều ca “thập tử nhất sinh” bắt đầu được mổ ngay tại bệnh viện.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ, nguyên Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BVĐK Đồng Nai trao đổi với thân nhân bệnh nhân tại BV cũ.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ, nguyên Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BVĐK Đồng Nai trao đổi với thân nhân bệnh nhân tại BV cũ.

Năm 1995, các BS Khoa Ngoại tổng quát bắt đầu mổ sọ não ca đầu tiên hay các ca chấn thương tim, đâm thủng tim. BS Đễ nhớ lại: “Một đêm đang trực, tôi tiếp nhận một bệnh nhân nam hơn 20 tuổi vào viện trong tình trạng rất nặng do bị dao đâm trúng tim. Tôi đã mổ mở bên lồng ngực trái vào buồng tim để “dò” vết thương tim, sau đó khâu lại và cứu sống bệnh nhân. Thông thường, các ca bệnh này, tỷ lệ tử vong rất cao, đến 90% nhưng trước tính mạng bệnh nhân “mong manh như sợi tóc”, chúng tôi buộc phải cứu bệnh nhân bằng mọi cách, dù khi ấy chưa được đào tạo sâu về mổ vết thương tim”.

Theo BS Đễ, để mở rộng và nâng cao chuyên môn, bệnh viện đã đưa BS Đễ đi học sau đại học, do đó, ông cũng tự tin hơn trong các ca mổ. Nhất là mổ vết thương tim, thay vì mổ mở bên lồng ngực trái vào buồng tim để “dò” vết thương tim thì BS Đễ đã cưa xương ức để tiếp cận trực tiếp vết thương tim và khâu vết thương dễ dàng hơn.

Năm 2008, BS Đễ đã nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Trong gần 40 năm hành nghề, BS Đễ nhiều lần nhận bằng khen cao quý như: 2 lần nhận bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, 2 lần nhận Bằng khen của Bộ Y tế và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai.

ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK Đồng Nai chia sẻ, ông đã có “thâm niên" 38 năm làm việc tại đây. Là “bà đỡ” của hàng ngàn em bé, BS Hoan vẫn nhớ như in ca sản phụ sinh 4 con bằng phương pháp mang thai tự nhiên vào năm 1990. Sau khi đỡ em bé đầu tiên, BS Hoan và nữ hộ sinh cùng ê-kip thấy bụng sản phụ vẫn to nên đoán sẽ còn em bé nữa.

Lãnh đạo Sở Y tế cùng bác sĩ Hoan (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi sản phụ bị thuyên tắc ối năm 2018. Ảnh: Bích Nhàn

Lãnh đạo Sở Y tế cùng bác sĩ Hoan (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi sản phụ bị thuyên tắc ối năm 2018. Ảnh: Bích Nhàn

“Khi khám trong tử cung, tôi thấy có nhiều chi (chân, tay) nên đoán sản phụ sẽ sinh ba. Cuối cùng, sản phụ sinh 4 con và cả mẹ lẫn 4 em bé đều “vượt cạn” thành công. Ngày ấy, ngay cả máy siêu âm cũng chưa có nên chúng tôi không thể biết trước sản phụ sẽ sinh mấy con. Còn sản phụ chỉ mang theo 1 bộ đồ cho bé nên chúng tôi phải xin đồ sơ sinh cho đủ 4 bé. Sinh tư bằng mang thai tự nhiên là rất hiếm. Từ đó đến nay, tôi chưa gặp lại ca sinh 4 nào bằng hình thức mang thai tự nhiên” - BS Hoan nhớ lại.

Năm 2013, BVĐK Đồng Nai chính thức công bố đã cứu thành công mẹ con sản phụ bị thuyên tắc ối. Thuyên tắc ối là tai biến sản khoa bất ngờ, nguy hiểm, không thể phòng tránh và hiếm gặp (tỷ lệ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh). Những trường hợp bị thuyên tắc ối có tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm 80-90%. Đối với thai nhi, tỷ lệ tử vong do mẹ bị thuyên tắc ối cũng rất cao và chỉ có khoảng 5 phút để được cứu sống trước khi bị thiếu oxy từ nhau thai.

Năm 2018, lần đầu tiên BVĐK Đồng Nai phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy lấy tạng hiến và ghép tạng, nhờ đó 5 người được cứu sống. BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện kể lại, tối 4-4, một nam bệnh nhân, 43 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não và chuyển tuyến đến BVĐK tỉnh Đồng Nai trong tình trạng nguy kịch, chết não và qua đời.

Hệ thống phòng mổ hiện đại tại BVĐK Đồng Nai là nền tảng để thực hiện ghép tạng trong tương lai.

Hệ thống phòng mổ hiện đại tại BVĐK Đồng Nai là nền tảng để thực hiện ghép tạng trong tương lai.

“Khi nghe được nguyện vọng hiến tạng cứu người của gia đình bệnh nhân, chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để trao đổi chuyên môn và hướng xử lý. Lúc ấy, chúng tôi chưa bao giờ thực hiện lấy tạng nhưng với cơ sở vật chất đầy đủ và có sự hỗ trợ của Bệnh viên Chợ Rẫy, chúng tôi đã dồn lực thực hiện lấy tim, 2 quả thận và 2 giác mạc rồi đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép cho 5 bệnh nhân vào ngày 5-4”.

Kết quả, cả 5 bệnh nhân đều đã ổn định sau ca ghép tạng. BS Tuấn cho rằng, đây cũng là “tiền đề” để bệnh viện thực hiện ghép thận trong thời gian tới.

Theo dự kiến, năm 2025, BVĐK Đồng Nai sẽ triển khai ghép thận nhằm điều trị cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Đây là bước tiến quan trọng không chỉ của bệnh viện mà cả ngành y tế Đồng Nai. BS Ngô Đức Tuấn Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho hay, hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng lớn.

95% các ca mổ ngoại tổng quát đều được thực hiện bằng phương pháp nội soi tại BVĐK Đồng Nai

95% các ca mổ ngoại tổng quát đều được thực hiện bằng phương pháp nội soi tại BVĐK Đồng Nai

Tuy nhiên, số lượng máy chạy thận hiện có tại các bệnh viện vẫn chưa đáp ứng đủ, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phải đến cơ sở y tế chạy thận định kỳ 3 lần/tuần không chỉ gây tốn kém về thời gian, chi phí mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và năng suất lao động, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc suy thận phải chạy thận nhân tạo. Trước thực trạng đó, BVĐK Đồng Nai đã triển khai kỹ thuật lọc màng bụng giúp bệnh nhân lọc thận tại nhà, không phải đi xa.

Ghép thận - thay thế thận chính là phương pháp tốt nhất đối với các bệnh nhân suy thận mạn, đặc biệt là bệnh nhân trẻ, trong độ tuổi lao động. Nhiều năm qua, BVĐK Đồng Nai đã khiển khai tất cả các kỹ thuật lọc máu - chạy thận - lọc màng bụng… đều là nền tảng để bệnh viện triển khai cho kỹ thuật mới, kỹ thuật cao - chính là ghép thận. Điều này cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Hiện bệnh viện đã có 3 ê-kíp cả BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đã hoàn thành việc đào tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐK Đồng Nai trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Bích Nhàn

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐK Đồng Nai trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Bích Nhàn

Giám đốc BVĐK Đồng Nai Ngô Đức Tuấn chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, giải quyết được tình trạng bệnh nhân “dài cổ” chờ máy chạy thận như hiện nay hoặc phải vất vả lọc màng bụng 4 lần/ngày tại nhà”.

Đầu năm 2025, Sở Y tế đã công bố BVĐK Đồng Nai là bệnh viện chuyên sâu. Ngoài việc làm chủ các kỹ thuật cao, Sở Y tế đã “chọn mặt gửi vàng” giao cho BVĐK Đồng Nai là đầu mối của các trung tâm như: Trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Tim mạch…

BS Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, từ sau khi giải phóng đất nước, BVĐK Đồng Nai đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từng bước đầu tư và có nhiều sự thay đổi, phát triển mạnh về cả cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn, số lượng nhân viên y tế. Bệnh viện luôn là trung tâm điều trị, thực hiện các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh, nhất là từ khi chuyển về cơ sở mới.

Thực tế, bệnh viện đã có nhiều chuyên khoa thực hiện hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu, chứng tỏ trình độ chuyên môn của các y, BS của bệnh viện nâng tiến bộ từng ngày. Đặc biệt là ung bướu, Đồng Nai là tỉnh duy nhất của vùng Đông Nam Bộ (trừ Thành phố Hồ Chí Minh) có chuyên khoa ung bướu thực hiện điều trị đa mô thức: phẫu trị, hóa trị, sinh trị, chăm sóc giảm nhẹ…

Tư vấn tiêm chủng cho bệnh nhân tại khu C, BVĐK Đồng Nai. Ảnh: Bích Nhàn

Tư vấn tiêm chủng cho bệnh nhân tại khu C, BVĐK Đồng Nai. Ảnh: Bích Nhàn

Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân sau cấp cứu đột quỵ tại BVĐK Đồng Nai. Ảnh: Bích Nhàn

Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân sau cấp cứu đột quỵ tại BVĐK Đồng Nai. Ảnh: Bích Nhàn

Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển từng khoa phòng, từng đơn vị sẽ khó tập trung nguồn lực, khó phát triển bền vững. Do đó, ngành Y tế muốn hình thành các trung tâm chuyên sâu để tập trung nguồn lực, nâng cao trình độ chuyên môn y, BS, từ đó, ngành Y tế tỉnh sẽ phục vụ tốt hơn sức khỏe người dân.

“Với thành quả mà BVĐK Đồng Nai đạt được nhiều năm qua, đội ngũ nhân lực, trang thiết bị hiện đại, chúng tôi chọn BVĐK Đồng Nai là nơi “đầu sóng, ngọn gió” khi thực hiện các trung tâm mang tính toàn tỉnh” - BS Trung cho hay.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202504/chuyen-ve-benh-vien-123-nam-tuoi-lau-doi-nhat-dong-nai-f714eee/